Sau kỳ điều chỉnh vào tối hôm 30/1, giá xăng dầu đã tăng gần 1.000 đồng/lít. Tuy vậy, các cây xăng phản ánh tình trạng chiết khấu thấp 0 đồng hoặc âm vẫn tiếp tục kéo dài. Điều này làm cho tầng phân phối cuối cùng đến người dân thua lỗ liên miên, dẫn đến phải nghỉ bán.

het xang con dau cay xang dong cua
Một cây xăng đóng cửa, đặt bảng “hết xăng, còn dầu” ở TP.HCM. (Ảnh minh họa: CTV / Trí Thức VN)

Theo truyền thông trong nước, thời điểm trước – trong và sau Tết Nguyên Đán 2023, tình trạng cây xăng đóng cửa hàng loạt tại nhiều tỉnh thành đang tái diễn và khiến đời sống người dân gặp nhiều khó khăn. Trong đó có cả các đô thị lớn như: TP.HCM, Hà Nội, Hải Phòng, Cần Thơ, Ninh Bình, An Giang, Đắk Lắk,…

Cụ thể, ngày 2/2, gần 40 cây xăng ở tỉnh Ninh Bình được ghi nhận đã đóng cửa, tạm ngừng bán hàng. Theo báo Lao Động, ông N.Q.T – chủ một doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu (có 3 cửa hàng) tại địa phương này than vãn càng bán càng lỗ.

Ngoài tình trạng thua lỗ, việc khan hiếm, đứt hàng vẫn xảy ra liên tục. Trước đây, đơn vị đầu mối sẽ cấp theo sản lượng bình quân 3 tháng liền kề, giờ khi nào có hàng họ mới cấp.

Có ngày, chúng tôi được cấp nhiều nhất là 15m3 xăng dầu, trong khi nhu cầu thực của 3 cửa hàng cao gấp 3 lần con số đó. Hàng nhập về phân chia sản lượng cho các cửa hàng cũng khó. Mỗi cửa hàng được một ít, bán vài ngày là hết mà không được cấp thêm” – ông T nói, báo Lao Động dẫn lời.

Đại diện Cục Quản lý thị trường tỉnh Ninh Bình cho biết có 35/232 cửa hàng xăng dầu đã đóng cửa, ngừng bán hàng (ngày 30/1/2022).

Còn tại Cần Thơ, chiều hôm 31/1, nhiều người điều khiển xe máy không thể mua xăng tại cửa hàng bán lẻ xăng dầu tại số 79/91B (Quận Bình Thuỷ) do nhân viên thông báo hết xăng. Cách đó chưa đến 200m, một cây xăng khác cũng trong tình trạng đóng cửa, theo VTV.

Tại Quận Ô Môn, một số cây xăng cũng kéo rào chắn thông báo ngừng hoạt động. Đây không phải lần đầu tiên các cây xăng ở Cần Thơ và khu vực miền Tây đóng cửa, ngừng bán hàng. Tình trạng này đã diễn ra từ khoảng tháng 10/2022.

Ngày 1/2, Cục Quản lý thị trường tỉnh Đắk Lắk xác nhận có một số cửa hàng bán xăng dầu treo biển “hết xăng”, “hết dầu”. Nhiều doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đang báo lỗ, Tiền Phong đưa tin.

Do đó, có doanh nghiệp nghĩ tới chuyện sang nhượng cửa hàng, một số cây xăng nhập hàng vừa đủ, bán hết mới lấy lại, không có tình trạng găm hàng đầu cơ, theo cơ quan chức năng Đắk Lắk.

Doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu viết đơn đề nghị Chính phủ quy định mức chiết khấu

Cộng đồng doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu với gần 9.000 cửa hàng trên cả nước vừa gửi đơn lên Thủ tướng Chính phủ liên quan đến việc góp ý, sửa đổi Nghị định 83/2014 và Nghị định 95/2021 về kinh doanh xăng dầu.

Nhóm doanh nghiệp cho rằng các quy định ở khâu bán lẻ dẫn đến doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu thua lỗ nặng nề trong thời gian dài, từ đó làm đứt gãy chuỗi cung ứng, thị trường bất ổn… gây ảnh hưởng đến tình trạng thiếu hụt xăng dầu.

Cụ thể, theo quy định, hiện doanh nghiệp bán lẻ chỉ được lấy hàng một nơi, nên sau khi ký hợp đồng sẽ bị chèn ép chiết khấu.

Trong khi đó, doanh nghiệp dù lỗ hay lãi vẫn phải mở bán. Doanh nghiệp bán lẻ ở trong thế kẹt, mọi sự cạnh tranh bị triệt tiêu.

Vì vậy, doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu kiến nghị ghi nhận chiết khấu vào công thức tính giá cơ sở như là một khoản chi phí lưu thông ở khâu bán lẻ một cách hợp lý, đảm bảo không có sự phân biệt đối xử giữa các doanh nghiệp.

Ngoài ra, cộng đồng doanh nghiệp kiến nghị được mua xăng dầu từ 3 thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu hoặc thương nhân phân phối xăng dầu theo hợp đồng mua bán xăng dầu. Đề xuất này áp dụng cả với doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu.

Trọng Minh