Tư duy lách luật đang đặt Bộ Giao thông Vận tải vào tình thế khó khăn khi Grab, Uber đồng loạt ra dịch vụ đi chung xe.

Vì sao Bộ Giao thông Vận tải không thể cấp phép cho GrabShare, UberPool (Ảnh: techsign.in)
(Ảnh: techsign.in)

Bước chân vào thị trường Việt Nam từ 2014, nhưng Uber và Grab thực sự phát triển mạnh mẽ nhất từ đầu năm 2016 khi Đề án thí điểm ứng dụng hợp đồng điện tử được Bộ Giao thông Vận tải phê duyệt theo Quyết định số 24/QĐ-BGTVT ngày 7/1/2016.

Chỉ trong 18 tháng, số lượng xe hợp đồng tham gia thí điểm đã tăng gần 30 ngàn xe tại Hà Nội và TP.HCM. Lực lượng xe hùng hậu bổ sung cho thị trường trong một thời gian ngắn đem lại sự khởi sắc cho thị trường vận tải taxi về cả chất và lượng. Dịch vụ taxi giá rẻ, xe tốt và phục vụ nhiệt tình đã chiếm được sự hài lòng của khách hàng. Đi taxi không còn là vấn đề xa lạ đối với đa phần người dân thành phố. Đây là điểm tích cực của Đề án thí điểm ứng dụng hợp đồng điện tử số 24 của Bộ Giao thông Vận tải, với sản phẩm dịch vụ điển hình là taxi Grab, Uber.

Tuy vậy, sự bất cập lớn nhất của Đề án số 24 không phải nằm ở chỗ dịch vụ Uber hay Grab, mà nằm ở tư duy lách, né của nhà quản lý Việt Nam. Ban đầu, để tạo điều kiện cho hình thức taxi Grab chính thức đặt chân vào Việt nam, các nhà quản lý đã không định nghĩa đúng bản chất của loại hình dịch vụ này. Họ gọi GrabTaxi là xe hợp đồng dưới 9 chỗ có sử dụng ứng dụng hợp đồng điện tử. Lý do chính gọi GrabTaxi là xe hợp đồng là để né tránh các quy định về quản lý taxi, trong đó việc hạn chế xe là vấn đề cốt tử. Chính vì vậy, Grab và sau này là Uber có khả năng thu hút lái xe mà không bị hạn chế số lượng như quy hoạch taxi.

Đương nhiên, cách định nghĩa này đã gây nên phản ứng mạnh mẽ từ phía các doanh nghiệp taxi. Hiệp hội taxi TP.HCM cho rằng, Grab và Uber bản chất là vận tải taxi, chứ không phải là xe hợp đồng. Vì chẳng có thể loại hợp đồng nào mà giao kết tới 40-50 cái hợp đồng một ngày với cách thức phục vụ khách, thu tiền chẳng khác gì taxi. Theo Hiệp hội, việc nhà quản lý định nghĩa sai đang làm méo mó thị trường vận tải taxi, gây bất bình đẳng kinh doanh giữa các chủ thể tham gia thị trường.

Điều đáng nói, khi đặt nền tảng pháp lý xe hợp đồng cho Grab, Uber, các nhà quản lý đã không tính tới việc Grab và Uber vẫn là công ty đa quốc gia. Sản phẩm phát triển theo chiến lược toàn cầu chứ không thể “lách” như tư duy các nhà quản lý Việt đang thực hiện.

Vậy nên nửa đầu năm 2017, Grab và Uber đã đồng loạt triển khai dịch vụ đi chung xe với tên gọi GrabShare và UberPool. Điều này đã đặt Bộ quản lý vào tình thế vô cùng khó giải quyết. Bộ không thể mâu thuẫn với chính mình, phá bỏ đi nền tảng pháp lý đặt định ban đầu cho loại hình taxi này. Vì Grab, Uber là xe hợp đồng, mà đã là xe hợp đồng thì sao có giao kết hợp đồng với hai khách hàng cùng một thời điểm?

Nguyên Hương

Xem thêm: