Các tài xế Uber không được tự động chuyển sang Grab mà phải đăng ký lại mới từ đầu bởi thương vụ chuyển nhượng Uber cho Grab chỉ là thỏa thuận rút khỏi thị trường chứ không bao gồm chuyển giao doanh nghiệp.

tai xe Uber bi bo roi
(Ảnh: Minh Thư)

Ngày 26/3, Văn phòng đại diện của Uber tại Hà Nội dán thông báo đóng cửa, các nhân viên không còn làm việc tại văn phòng và văn phòng cũng không tiếp đón, trả lời bất cứ báo chí, đối tác nào. Mọi liên lạc được Uber chuyển qua email, hệ thống thông báo nội bộ trên phần mềm. Green hubs – trung tâm hỗ trợ lái xe cũng đã đóng cửa với lý giải là phục vụ cho việc chuyển giao.

Các lái xe Uber đang rất hoang mang vì sự biến mất đột ngột của Uber tại thị trường Việt Nam. Hoàn toàn không có sự chuyển giao về dữ liệu lái xe giữa Uber và Grab. Các lái xe chỉ nhận được một email từ phía Uber thông báo về việc hợp nhất Uber và Grab, đồng thời yêu cầu các lái xe tải phần mềm đăng ký Grab về điện thoại với các bước đăng ký được thực hiện từ đầu, như một đối tác mới.

>> Bộn bề Grab, Uber tại Việt Nam trước ngưỡng cửa chuyển giao

Theo thông báo, đến ngày 8/4/2018, ứng dụng Uber cho tài xế tại Việt nam sẽ không còn hoạt động, thay vào đó các tài xế sẽ sử dụng ứng dụng Grab để kết nối các chuyến đi.

Tại thời điểm chuyển giao, Uber vẫn đang nợ thuế 53,3 tỷ đồng chưa nộp vào ngân sách, bao gồm các khoản thuế giá trị gia tăng, thu nhập doanh nghiệp và thuế thu nhập cá nhân phải khấu trừ thay tài xế vẫn chưa được Uber đóng. Cục thuế TP.HCM đã nhiều lần kêu gọi, ra các biện pháp cưỡng chế đối với doanh nghiệp này nhưng bất thành.

Hiện tại không rõ Cục thuế TP.HCM sẽ thu hồi khoản nợ thuế này như thế nào nhưng các tài xế Uber rất lo lắng bởi nếu không có chứng từ chứng minh được mình đã nộp thuế, có thể khoản nợ thuế của Uber sẽ dồn lên trách nhiệm của họ. Một lái xe Uber cho biết anh này đã không thể bán được xe vì khoản thuế kinh doanh chưa được nộp.

Phía Vụ vận tải, Bộ Giao thông vận tải, cơ quan thẩm định, tham mưu chính sách, cấp phép cho Uber, Grab hoạt động tại Việt Nam hiện vẫn giữ im lặng về thương vụ chuyển giao này.

Ngày 5/2/2018, ông Trần Ngọc Tâm, Cục trưởng Thuế TP.HCM cho biết năm 2017, Cục Thuế TP.HCM đã thanh tra và truy thu, xử phạt thuế với Uber 67 tỷ đồng. Tới nay Uber đã nộp 13 tỷ đồng, nhưng việc cưỡng chế thu hồi phần còn lại (53,3 tỷ đồng) cơ quan thuế rất lúng túng và đang phải dừng lại để xin ý kiến Tổng cục Thuế và Bộ Tài chính.

Cơ quan này đã từng đề nghị 5 ngân hàng là Vietcombank, VietinBank, ACB, Eximbank, Sacombank cưỡng chế tài khoản Uber B.V để thu hồi số tiền còn lại nhưng lại e ngại việc cưỡng chế ngăn dòng tiền của các lái xe chuyển về cho Uber là không khả thi và Uber có khả năng gây sức ép lên lái xe Việt nam để đối đầu với cơ quan thuế.

Tuệ San