Ngày 18/11 vừa qua, đài Á Châu Tự do (RFA) đưa tin, việc một bệnh viện truyền nhiễm ở Aksu, Tây Bắc Trung Quốc, bị chuyển đổi thành một trại giam đã khiến nhiều chuyên gia lo ngại rằng đây có thể là một phần trong hệ thống thu hoạch nội tạng từ tù nhân lương tâm tại Trung Quốc.

Tân Cương: Trại tập trung xây dựng từ bệnh viện và tội ác thu hoạch tạng
Ảnh chụp một trại tập trung ở Aksu vào ngày 23/10/2020 từ Google Earth. Có thể thấy rõ các tù nhân mặc đồng phục đỏ đang xếp hàng bên dưới. (Ảnh: Google Earth)

Đầu tháng 11, ông Bahtiyar Omar, giám đốc dự án Dữ liệu Vận chuyển người Duy Ngô Nhĩ UTJD, đã cung cấp cho đài RFA những hình ảnh vệ tinh từ Google Earth, cho thấy việc xây dựng các trại giam giữ và nhà máy ở ngoại ô của tỉnh Aksu từ năm 2017 đến năm 2019.

Các trại này là một phần của mạng lưới rộng lớn các cơ sở hạ tầng tương tự trên khắp Tân Cương, nơi chính quyền đã giam giữ hàng triệu người Duy Ngô Nhĩ và các nhóm thiểu số Hồi giáo khác kể từ đầu năm 2017. Trong bối cảnh quốc tế ngày càng giám sát chặt chẽ, chế độ Trung Quốc đã bắt đầu đưa những người bị giam giữ đến làm việc ở gần các nhà máy. Đây là một phần của nỗ lực tuyên truyền rằng các trại này thực chất chỉ là các “trung tâm dạy nghề”, mặc dù theo các nhân chứng, người bị giam giữ trong các cơ sở này bị đối xử tàn tệ và thường xuyên phải làm việc trong các điều kiện lao động cưỡng bức hoặc ép buộc.

Theo hình ảnh do ông Omar cung cấp, việc xây dựng hai trại tập trung bên ngoài Aksu bắt đầu vào năm 2017, trong khi cơ sở hạ tầng nhà máy xuất hiện gần đó vào năm 2018. Gần đây, ông xác định được một trong hai trại này được xây dựng và mở rộng trên khu đất vốn trước đây là Bệnh viện Bệnh truyền nhiễm thành phố Aksu.

Ông Omar nói: “Nếu tôi đưa các tọa độ vào bản đồ, tôi có thể thấy rằng [bệnh viện và trại cải tạo] nằm trên cùng một địa điểm”. “Vào năm 2003, tại tọa độ này chỉ có các tòa nhà của bệnh viện. Đó là một bệnh viện cũ, có lịch sử hơn 20 năm. Tuy nhiên, bây giờ bạn có thể thấy rằng đã có rất nhiều công trình xây dựng ở đó [kể từ năm 2017].”

Ông Omar cũng đã chỉ ra hình ảnh cho thấy một nghĩa trang lớn nằm cách hai khu trại trong bán kính 1 km cùng với một tòa nhà lớn (được RFA xác nhận là một lò hỏa táng) và bãi đậu xe được xây dựng ở giữa khu đất trong năm 2017. Ở đó đôi khi có hàng chục chiếc xe màu trắng.

Trai tap trung tan cuong 02
Khu trại tập trung được xây dựng trên cơ sở bệnh viện truyền nhiễm. (Ảnh: UTJD)

Ngoài ra, tại Sân bay Aksu gần đó, một “đường ưu tiên” đã được xây dựng cùng lúc để vận chuyển nhanh nội tạng người, theo một báo cáo ngày 14/10/2017 từ Mạng Hàng không Dân dụng Trung Quốc. Theo báo cáo, nhóm ghép tạng của Đại học Y Tân Cương được giao nhiệm vụ vận chuyển nội tạng từ sân bay đến thủ phủ Urumqi tại địa phương trên chuyến bay 6431 của hãng China Southern Airlines và đã hoàn thành 7 chuyến đi trong năm 2017, bao gồm cả đến Hàng Châu, thủ phủ của tỉnh Chiết Giang miền đông Trung Quốc.

Nhà báo được đề cử giải Nobel Hòa bình, ông Ethan Gutmann, bình luận: “Đối với tôi, nó cho thấy có thể xảy ra việc thu hoạch nội tạng: một trung tâm hỏa táng lớn và một bệnh viện kết nối trực tiếp với trại cưỡng bức lao động”.

Ông Ethan Gutmann đã dành nhiều năm nghiên cứu tội ác thu hoạch nội tạng từ tù nhân lương tâm do Đảng Cộng sản Trung Quốc hậu thuẫn. Ông là tác giả của cuốn sách “Đại thảm sát”, và đồng tác giả của báo cáo “Thu hoạch đẫm máu – Đại thảm sát (Bản cập nhật)” (2016). Theo đó, các tù nhân thuộc các tín ngưỡng và dân tộc thiểu số bị đàn áp tại Trung Quốc như Pháp Luân Công, Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ, Phật giáo Tây Tạng, Kitô giáo, đã trở thành nạn nhân của một hệ thống giết người bằng cách thu hoạch nội tạng dưới sự điều hành của nhà nước, phục vụ cho ngành công nghiệp cấy ghép tạng hàng tỷ USD ở Trung Quốc. Mỗi nạn nhân có thể “có giá” khoảng 750.000 USD nếu phổi, tim, thận và gan của họ đều được dùng cho cấy ghép.

“Họ lấy nội tạng từ người sống, họ để người đó chết. Nội tạng được đưa vào một chiếc máy, khá nhỏ, cung cấp oxy cho nội tạng để nội tạng có thể giữ sống trong 20 giờ, có thể là 24 giờ”, ông Gutmann mô tả. “Đó là thời gian đủ để mang [nội tạng] đến sân bay và đưa nó đến bờ biển phía đông Trung Quốc.”

Nhiều nhân chứng tại Tân Cương cho biết, họ thường xuyên bị xét nghiệm máu trong các “cuộc kiểm tra sức khỏe”, một số thậm chí bị tách riêng và biến mất. Ông Gutmann cho rằng thực chất việc xét nghiệm máu này là để “tìm mẫu mô phù hợp”, điều kiện tiên quyết để có thể sử dụng nội tạng của cho cấy ghép.

Ngày 17/6/2019, Tòa án độc lập điều tra về thu hoạch nội tạng cưỡng bức từ tù nhân lương tâm tại Trung Quốc đã công bố một Tuyên án dài 60 trang, kết luận về tội ác Chống lại loài người của chính quyền Trung Quốc trong việc cưỡng bức thu hoạch nội tạng phục vụ cho ngành công nghiệp cấy ghép tạng tại quốc gia này. Nạn nhân chủ yếu của tội ác này là người tập Pháp Luân Công, ngoài ra còn có người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ, người Phật giáo Tây Tạng, và những tín đồ Kitô giáo không đăng ký.

Chủ tọa của tòa là ông Geoffrey Nice, một luật sư Anh quốc uy tín, hoạt động trong Tòa án Hình sự Quốc tế và từng đảm trách vụ truy tố cựu Tổng thống Nam Tư Slobodan Milosevic tại Tòa án Hình sự Quốc tế. Ông Geoffrey Nice cho biết tòa “chắc chắn, đồng thuận, không chút hoài nghi rằng tại Trung Quốc, việc cưỡng bức thu hoạch nội tạng từ tù nhân lương tâm đã được thực hiện trên quy mô lớn, trong một thời gian dài, dẫn tới số lượng nạn nhân rất lớn… bởi các tổ chức và cá nhân do nhà nước tổ chức và cho phép.”

Tháng 9/2020, Viện Chính sách Chiến lược Úc (Australian Strategic Policy Institute – ASPI) đã công bố các dữ liệu chi tiết về hệ thống trại tập trung tại Tân Cương, nơi giam giữ hàng triệu người Duy Ngô Nhĩ cũng như các tù nhân lương tâm khác. Theo đó, Viện này đã phát hiện và ghi lại chi tiết hơn 380 địa điểm trong mạng lưới trại tập trung trên khắp Tân Cương, và để khách quan, dữ liệu này chỉ bao gồm các trại cải tạo, trại giam và nhà tù được xây dựng mới hoặc mở rộng đáng kể kể từ năm 2017.

Đây đều là những bằng chứng không thể chối cãi về mức độ khủng bố của cuộc đàn áp do chính quyền Đảng Cộng sản Trung Quốc thực hiện tại Tân Cương.

Minh Nhật biên tập

Xem thêm:

Mời xem video: