Giá thực phẩm toàn cầu đã không ngừng gia tăng trong vài tháng qua. Có phân tích chỉ ra mục tiêu tiếp theo có thể là gạo và điều đó sẽ ảnh hưởng đến nguồn cung lương thực tại nhiều khu vực châu Á.

shutterstock 1717729654
(Nguồn: Grey Color/ Shutterstock)

Gạo là lương thực chính của hơn một nửa dân số thế giới. Theo số liệu mới nhất của Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc (FAO) công bố tuần trước, giá gạo quốc tế đã tăng trong 5 tháng liên tiếp, đạt mức cao nhất trong 12 tháng qua.

Những tháng gần đây, giá của nhiều mặt hàng thực phẩm, bao gồm lúa mì, các loại ngũ cốc, thịt và dầu… đã tăng vọt. Nguyên nhân do nhiều yếu tố, bao gồm chi phí phân bón và năng lượng tăng trong năm qua cũng như sự gián đoạn nguồn cung do chiến tranh Nga-Ukraine gây ra.

Hiện nay, các nước hạn chế xuất khẩu lương thực gồm: Ấn Độ (lúa mì, đường), Malaysia (thịt gà) và Indonesia (dầu cọ). Do bị quân đội Nga phong tỏa nên việc cung cấp lương thực như lúa mì, ngô và dầu thực vật được sản xuất tại Ukraine gặp nhiều khó khăn.

Gạo có thể là mục tiêu tiếp theo. Theo Bloomberg, vào cuối tháng 5 Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-Ocha nói rằng Thái Lan và Việt Nam nên cùng nhau tăng giá gạo để tăng khả năng thương lượng trên thị trường toàn cầu, điều này sẽ cải thiện sinh kế cho những nông dân trồng lúa Thái Lan và Việt Nam đang phải vật lộn để chống lại chi phí gia tăng. Các quan chức hai nước sau đó cũng thảo luận thêm về khuôn khổ hợp tác.

Động thái này đã làm thế giới dấy lên lo ngại rằng chi phí lương thực toàn cầu có thể tăng hơn nữa.

Theo Trung tâm Thương mại Quốc tế (ITC), Thái Lan và Việt Nam lần lượt là các nhà xuất khẩu gạo lớn thứ hai và thứ ba thế giới, tính chung hai nước chiếm khoảng 21% xuất khẩu gạo toàn cầu.

Giới chuyên gia cho rằng hiện có thể chắc chắn sản lượng lúa vẫn rất dồi dào, nhưng với giá lúa mì tăng và chi phí canh tác tăng thì cũng cần dè chừng tương lai của giá gạo.

Theo CNBC, chuyên gia kinh tế Sonal Varma tại Ngân hàng Nomura của Nhật Bản cho biết: “Chúng ta cần dè chừng tương lai của giá gạo, vì giá lúa mì cao hơn có thể khiến mọi người quay qua dùng gạo, khiến tăng nhu cầu và giảm dự trữ gạo hiện có”.

Bà Varma nói với CNBC rằng các biện pháp bảo hộ khác nhau đã “thực sự làm trầm trọng thêm áp lực giá cả trên toàn cầu”. Bà nói thêm rằng chi phí thức ăn và phân bón đã tăng, đồng thời giá năng lượng tăng cũng làm tăng chi phí vận chuyển hàng hóa, chủ nghĩa bảo hộ lương thực ở các nước tương lai có thể mạnh hơn.

Tuy nhiên, bà cho rằng dự trữ gạo toàn cầu hiện tại đã dồi dào, trong khi Ấn Độ sẽ được mùa trong mùa hè này nên rủi ro về gạo không cao.

Chiến tranh Nga-Ukraine đã thúc đẩy tăng giá lúa mì. Cả hai nước đều là nước xuất khẩu lúa mì lớn, cuộc chiến xâm lược của Nga đã làm gián đoạn sản xuất nông nghiệp và chặn xuất khẩu ngũ cốc của Ukraine. Giá lúa mì đã tăng hơn 50% so với một năm trước.

Vào ngày 6/6, bốn nhà xuất khẩu nói với Reuters rằng trong hai tuần qua, giới kinh doanh gạo đã bắt đầu tăng cường mua thêm nhiều gạo của Ấn Độ do lo ngại về lệnh cấm xuất khẩu.

Một thành viên cấp cao tại Viện Nghiên cứu Chính sách Lương thực Quốc tế là David Laborde nói với CNBC: “Tôi lo ngại hơn có thể trong vòng vài tuần tới xảy ra khả năng Ấn Độ áp đặt lệnh cấm xuất khẩu đối với gạo”.

Vào tháng 5, Ấn Độ đã áp đặt lệnh cấm xuất khẩu đối với lúa mì vì lý do “nhu cầu an ninh lương thực của Ấn Độ, các nước láng giềng và các nước đang phát triển khác”.

Ông David Laborde cho biết ông ủng hộ việc nâng giá để thay thế lệnh cấm xuất khẩu, cách này sẽ bù đắp chi phí sản xuất cho nông dân và giúp họ sản xuất, trong khi cấm xuất khẩu sẽ đẩy giá trên thị trường quốc tế lên nhưng lại làm giảm giá ở thị trường nội địa.

Chuyên gia Richard Skinner về an toàn thực phẩm tại PricewaterhouseCoopers (PwC) nói với New York Times: “Một khi có bên bắt đầu đóng cửa biên giới của họ, các bên khác có thể nghĩ, ‘ồ, có lẽ chúng ta cũng cần đóng cửa biên giới’, vậy là toàn bộ đường lưu thông thực phẩm thế giới ngừng lại”.

“Và khi toàn bộ đường lưu thông thực phẩm thế giới ngừng lại sẽ làm cho vấn đề ban đầu trở nên tồi tệ hơn”, ông nói thêm.

Nhưng giá gạo tăng có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến nhiều nước châu Á. Trung Quốc, Philippines và Bangladesh hiện là những nước nhập khẩu gạo lớn nhất. Gạo cũng là lương thực chính của nhiều người châu Á.

Chuyên gia Nafees Meah tại Viện Nghiên cứu Lúa gạo Quốc tế cho biết: “Ở vùng Đông Nam Á Thái Bình Dương, các nước như Đông Timo, Lào, Campuchia, và tất nhiên có những nơi như Indonesia, là những nước có dân số rất đông, trong đó nhiều người còn chưa được bảo đảm lương thực, nếu giá cả tiếp tục tăng và vẫn ở mức cao thì cuộc sống của họ sẽ bị ảnh hưởng nặng nề”.