Tiếp tục phần chất vấn Thống đốc Lê Minh Hưng sau giờ nghỉ giải lao, nhiều ý kiến đại biểu tỏ ra lo ngại vấn đề tăng trưởng tín dụng nóng có đi liền với chất lượng, và làm sao để đảm bảo dòng tín dụng chảy đúng vào lĩnh vực thiết yếu mà không làm gia tăng bong bóng BĐS và chứng khoán.

nguyen si cuong 1 1
Đại biểu Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận) (trái) và đại biểu Hoàng Đức Thắng (Quảng Trị) cùng nêu ra những lo ngại về tăng trưởng tính dụng không an toàn. (Ảnh: VGP)

Có dòng vốn không nhỏ đang chảy vào BĐS, chứng khoán

Đại biểu Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận) nêu ý kiến lo ngại về dòng tín dụng chảy vào BĐS tiềm ẩn nguy cơ rủi ro cao nếu như không được kiểm soát tốt, dẫn minh chứng thực tế trong quá khứ, có những thời điểm NHNN đã phải chỉ đạo để ngăn chặn tăng nóng về tín dụng BĐS, kiềm chế được nợ xấu trong toàn hệ thống.

Đại biểu Sỹ Cương đề nghị Thống đốc cho biết tình trạng tín dụng BĐS hiện nay, và NHNN có biện pháp gì để kiểm soát tình hình.

Trả lời câu hỏi này, Thống đốc Lê Minh Hưng cho biết hiện tín dụng cho vay bất động sản đạt trên 400.000 tỷ đồng, chiếm khoảng 6,5% tổng dư nợ tín dụng nền kinh tế.

Đại biểu Hoàng Đức Thắng (Quảng Trị) nhắc lại thông tin Thống đốc trả lời Quốc hội rằng mục tiêu tăng trưởng tín dụng năm nay phấn đấu đạt hơn 18% và sẽ không tăng trưởng tín dụng bằng mọi giá. “Tuy nhiên đến hết tháng 10 tín dụng mới tăng trưởng khoảng 13%, cử tri và đại biểu Quốc hội lo ngại về khả năng đạt mục tiêu tăng trưởng và chất lượng tăng trưởng này”, ông Thắng cho hay.

“Mặt khác, cử tri đang lo ngại sẽ có một dòng vốn không nhỏ tiếp tục đổ vào lĩnh vực đầu tư có nguy cơ rủi ro cao và có thể dẫn đến hiện tượng bong bóng thị trường BĐS, thị trường chứng khoán”, ông Thắng nêu hiện trạng, chất vấn 2 câu.

“Thứ nhất, Thống đốc có khẳng định chắc chắn rằng năm nay chúng ta có thể đạt được mục tiêu tăng trưởng tín dụng như kế hoạch không?

Thứ hai, giải pháp nào từ phía NHNN để vừa đảm bảo hoàn thành mục tiêu tăng trưởng nhưng vẫn nâng cao được chất lượng tăng trưởng tín dụng và kiểm soát được dòng vốn để đảm bảo an toàn cho thị trường BĐS và thị trường chứng khoán trong thời gian tới?”.

Thống đốc: ‘Tôi đủ công cụ để không gây đổ vỡ ngân hàng’

Trước khi Thống đốc Hưng trả lời, Chủ tịch Quốc hội Kim Ngân nhắc Thống đốc có thể trả lời thêm cho đại biểu Hoàng Đức Thắng, khẳng định rằng NHNN sẽ kiểm soát việc tăng trưởng  tín dụng bảo đảm chất lượng an toàn và vốn sẽ đi vào sản xuất kinh doanh vào đúng mục tiêu để đảm bảo cho chất lượng tăng trưởng.

Trả lời chất vấn của đại biểu xoay quanh vấn đề tín dụng nói chung và tín dụng trong lĩnh vực BĐS, Thống đốc Lê Minh Hưng nhấn mạnh: “Chúng tôi xin làm rõ lại chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng không phải là mục tiêu bắt buộc các tổ chức tin dụng phải đạt được mà là định hướng trong chỉ đạo điều hành chính sách tiền tệ. Theo dự kiến, khả năng năm nay hệ thống tăng trưởng tín dụng có thể đạt mức từ 18-19%“.

Với lĩnh vực cho vay rủi ro như chứng khoán, bất động sản, ông Hưng khẳng định NHNN đã có giải pháp kiểm soát tín dụng như nâng hệ số rủi ro cho vay BĐS, điều chỉnh kỳ hạn dùng tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn, và chỉ cho vay phân khúc nhà ở xã hội, đối với người có thu nhập trung bình và thấp…

Đối với lĩnh vực chứng khoán, ông Hưng cho biết tỷ trọng hiện nay rất thấp so với tổng tín dụng, giảm rất mạnh so với năm 2016. Tín dụng chứng khoán, cho vay chứng khoán hiện mới khoảng 10.000 tỷ đồng, giảm khoảng 40% với cuối năm 2016 và nợ xấu rất thấp và tín dụng cho vay chứng khoán cũng kiểm soát rất chặt chẽ – ông Hưng khẳng định.

Ví dụ các tổ chức tín dụng phải có tỷ lệ nợ xấu dưới 3% mới được đầu tư cho vay kinh doanh chứng khoán. Các tổ chức tín dụng chỉ được cho vay đầu tư kinh doanh chứng khoán giới hạn là 5% của vốn điều lệ và vốn được cấp của các chi nhánh ngân hàng…

Các quy trình đó rất chặt chẽ, chúng tôi tin tưởng đủ chặt để kiểm soát rủi ro“, ông Hưng khẳng định.

Về nguy cơ mất an toàn tài chính, trả lời đại biểu Tô Bích Châu (TP.HCM), Thống đốc tiếp tục khẳng định có đủ công cụ để không gây đổ vỡ ngân hàng.

Ông Hưng cho hay trong bất cứ trường hợp nào xử lý ngân hàng yếu kém cũng là “an toàn hệ thống, đảm bảo lợi ích người gửi tiền, không gây đổ vỡ ngân hàng“, cho rằng tăng cường cơ cấu lại, chất lượng hoạt động ngân hàng sẽ đảm bảo mục tiêu an toàn, ổn định hơn.

NHNN có nhiều công cụ khác nhau để kiểm soát tình hình, đảm bảo không có hoạt động nào ngoài tầm kiểm soát“, ông nhấn mạnh.

Chân Hồ – Vĩnh Long (ghi) 

Xem thêm: