Theo báo cáo kết quả kinh doanh vừa được công bố, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) ghi nhận lỗ sau thuế tới hơn 16.580 tỷ đồng, dù doanh thu đạt 211.631 tỷ đồng, tăng 4% so với cùng kỳ năm 2021.

Tập doàn EVN lỗ 6 tháng dầu năm 2022 EVN lỗ hơn 16000 tỷ dồng EVN lỗ hàng tỷ dồng 1620892129
Kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm 2022, EVN lỗ sau thuế hơn 16.580 tỷ đồng. (Ảnh: Evgenii mitroshin/Shutterstock)

Tập đoàn EVN vừa công bố báo cáo tài chính công ty mẹ và báo cáo tài chính hợp nhất 6 tháng đầu năm 2022. Theo đó, ghi nhận hết quý 2/2022, tập đoàn này có tổng tài sản là trên 673.150 tỷ đồng, giảm hơn 32.200 tỷ đồng so với đầu năm 2022.

Trong khi đó, doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ lũy kế 6 tháng đầu năm 2022 khoảng 221.230 tỷ đồng, tăng 4% so với cùng kỳ.

Mặc dù doanh thu tăng nhưng do giá vốn bán hàng tăng mạnh hơn, lên gần 225.450 tỷ đồng, khiến cho lợi nhuận gộp của EVN lỗ hơn 4.200 tỷ đồng.

Do vậy, sau khi trừ tiếp chi phí tài chính, chi phí bán hàng, chi phí quản lý,… EVN ghi nhận khoản lỗ sau thuế tới 16.586 tỷ đồng.

Báo cáo tài chính của công ty mẹ cũng ghi nhận doanh thu đạt 189.190 tỷ đồng, trong đó lỗ gộp từ bán hàng và cung cấp dịch vụ là gần 13.400 tỷ đồng và lỗ gộp từ hoạt động kinh doanh sau thuế là 22.215 tỷ đồng.

Nợ phải trả của Tập đoàn EVN là gần 442.480 tỷ đồng, gồm nợ ngắn hạn là hơn 152.190 tỷ đồng và nợ dài hạn khoảng 290.280 tỷ đồng, đều giảm so với đầu năm.

Vốn chủ sở hữu của tập đoàn là khoảng 230.680 tỷ đồng, giảm 17.230 tỷ đồng so với đầu năm.

Báo cáo mới nhất của EVN về tình hình hoạt động trong 8 tháng đầu năm, tập đoàn này cho biết sản lượng điện sản xuất toàn hệ thống trong 8 tháng đạt 181,92 tỷ kWh, tăng 5% so với cùng kỳ 2021.

Trong đó nguồn điện được huy động trên toàn hệ thống là thủy điện, đạt 63,25 tỷ kWh, chiếm 34,8%; nguồn nhiệt điện than đạt 71,67 tỷ kWh, chiếm 39,4%; tua bin khí đạt 19,67 tỷ kWh, chiếm 10,8%. Nguồn điện từ năng lượng tái tạo đạt 24,95 tỷ kWh, chiếm 13,7% (trong đó điện mặt trời đạt 18,82 tỷ kWh, điện gió đạt 5,84 tỷ kWh…). Điện nhập khẩu đạt 1,91 tỷ kWh, chiếm 1%.

Trong 8 tháng đầu năm 2022, điện sản xuất của EVN và các tổng công ty phát điện (kể cả các công ty cổ phần) đạt 84,57 tỷ kWh, chiếm 46,49% sản lượng điện sản xuất của toàn hệ thống.

Trong thông báo chính thức này, EVN cho hay do giá nhiên liệu đầu vào sản xuất điện như than, dầu, khí tăng từ đầu năm đến nay làm chi phí sản xuất điện của EVN tăng cao, dẫn tới thua lỗ.

Trước đó, dẫn báo cáo của EVN, Bộ Công thương cho biết vài năm tới miền Bắc sẽ đối mặt nguy cơ thiếu điện. Do đó, Việt Nam cần nhanh chóng thực hiện việc nhập khẩu điện từ Lào để đối phó.

Bộ Công thương cho biết việc nhập khẩu điện từ Lào dự kiến qua 5 dự án/cụm nhà máy thủy điện (tổng công suất 705,5 MW) gồm: Nam Ou 5 (240 MW), Nam Ngum 4 (240 MW), Nam Chiane (104 MW), Cụm nhà máy thủy điện khu vực Nam Mo (99 MW) và Hoauy Kaoban (22,5 MW).

Bộ này cũng đề nghị bổ sung xây dựng mới đường dây 220 kV mạch kép Điện Biên – Nam Ou 5 (đoạn trên lãnh thổ Việt Nam), chiều dài khoảng 20 km phục vụ đấu nối để tiếp nhận công suất từ các nhà máy thủy điện bán điện về Việt Nam. Các công trình đấu nối nhà máy phía Lào do các chủ đầu tư Lào chịu trách nhiệm đầu tư.

Thiên Tín