Lãnh đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết trong thời gian tới dự kiến gia tăng việc nhập khẩu điện từ Lào, Trung Quốc trong bối cảnh mùa khô khu vực miền Bắc dự báo thiếu tới 4.900 MW điện. Tuy vậy, nhiều nhà đầu tư năng lượng điện gió, điện mặt trời trong nước vẫn chưa thể bán điện cho EVN vì bất đồng về giá mua điện.

tap doan EVN dien luc EVN 15163791351 scaled
EVN vừa tăng giá điện thêm 3% từ hôm 4/5, lên trên 1.920 đồng/kWh. (Ảnh minh họa: Evgenii mitroshin/Shutterstock)

Ngày 9/5, ông Võ Quang Lâm – Phó tổng giám đốc Tập đoàn EVN cung cấp thêm các thông tin liên quan đến nguy cơ thiếu điện mùa nắng nóng và việc gia tăng nhập khẩu điện, theo tờ Tuổi Trẻ.

Ông Lâm cho biết năm nay vẫn khó khăn về thủy điện trong mùa khô, còn điện than và khí thì EVN vẫn làm việc với Tập đoàn Than – Khoáng sản để đủ nguồn cung cấp.

Đối với điện gió, điện mặt trời, lãnh đạo EVN cho hay cũng sử dụng nguồn này do chi phí có thời điểm cạnh tranh hơn các nguồn điện từ than, dầu.

Đáng chú ý, ông Lâm cho biết sẽ triển khai nhiều giải pháp để gia tăng nguồn điện nhập khẩu từ Lào và Trung Quốc.

EVN cho hay đang ký hợp đồng với các chủ đầu tư cấp điện tại Lào với công suất 1.000MW. Đồng thời, tập đoàn này cũng đang đầu tư xây dựng các tuyến đường dây để sớm đưa nguồn điện từ Lào về qua tỉnh Quảng Nam.

Ông Lâm cho biết thêm cũng nhập khẩu điện từ Lào qua hệ thống đường dây ở Tương Dương (Nghệ An) đã được xây dựng xong.

Còn đường dây nhập khẩu điện từ Trung Quốc sẽ nghiên cứu để nâng cấp đường dây từ 220kV lên 500kV.

Bất đồng về giá mua điện tái tạo giữa nhà đầu tư và EVN

Cụ thể, mức giá tạm thời mà EVN đưa ra là tối đa 50% giá trần khung giá phát điện theo Quyết định 21 của Bộ Công thương, tương đương mức giá cho điện mặt trời mặt đất là 592,45 đồng/kWh; điện mặt trời nổi là 754,13 đồng/kWh; điện gió trong đất liền là 793,56 đồng/kWh; điện gió trên biển là 907,97 đồng/kWh).

Các doanh nghiệp đánh giá: “Mức giá trên đi ngược lại hoàn toàn với chính sách khuyến khích phát triển năng lượng tái tạo và các cam kết của Chính phủ…”

Dẫn chứng một dự án quy mô công suất 50 MW, chi phí đầu tư ước tính khoảng 2.000 tỷ đồng với cấu trúc vốn vay 70%, nhà đầu tư tính toán.

Với lãi suất hiện tại khoảng 12%/năm, sản lượng trung bình khoảng 140GWh (tương đương hệ số công suất 32%), nếu áp dụng giá tạm đề xuất nêu trên, doanh thu chưa đạt tới 130 tỷ đồng mỗi năm.

Các nhà đầu tư nói trên cho biết: “Chắc chắn không thể đủ dòng tiền chi trả chi phí vận hành tuabin cho nhà cung cấp khoảng 30 tỷ đồng (50.000 – 100.000 USD/tuabin) và lãi vay phát sinh gần 170 tỷ đồng”.

Do vậy, doanh nghiệp đầu tư hàng nghìn tỷ đồng vào các dự án điện gió, điện mặt trời tiếp tục kêu gọi Chính phủ, lãnh đạo Bộ,… nhanh chóng giải quyết khó khăn để đưa nguồn điện tái tạo vào phát điện, giảm lãng phí.

Theo báo Việt Nam Net, Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (Eurocham) cho rằng: Các mức giá trần của Quyết định 21 của Bộ Công Thương năm 2023 thể hiện mức giảm 20-25% so với các mức giá FiT trước đó (đối với điện gió, dựa trên tỷ giá hiện tại) và giảm gần 40% đối với điện mặt trời nối đất.

“Bộ Công thương nên tham khảo ý kiến của các chuyên gia độc lập để kiểm chứng các giả định và phương pháp luận đưa ra trước khi hoàn thiện các khung giá”, hiệp hội này nêu ý kiến.

Đức Minh