Mùa nắng nóng đang khiến người dân phải sử dụng điện nhiều hơn, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết nguy cơ thiếu tới 4.900 MW điện ở khu vực miền Bắc từ tháng 5 – tháng 7 (nắng nóng gay gắt), trong bối cảnh giá điện vừa tăng thêm 3% từ hôm 4/5. 

nang nong ha noi gia dien tang EVN thieu dien mien bac
Tập đoàn EVN cho hay sản lượng điện miền Bắc có thể thiếu vào đợt nắng nóng cao điểm. (Ảnh minh họa: vnmha.gov.vn)

Báo cáo của Tập đoàn EVN gửi Bộ Công thương cho biết trong tháng 4, sản lượng điện tiêu thụ tăng do mùa nắng nóng năm 2023 bắt đầu ảnh hưởng đến nhiều khu vực trên cả nước. Cụ thể, tuần giữa tháng 4 (ngày 16-21/4) là 823 triệu kWh một ngày, tăng gần 5% so với kế hoạch.

EVN cho biết từ ngày 17/4, Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia đã phải huy động các tổ máy chạy dầu, trong đó ngày 21/4 huy động 2.498 MW chạy dầu.

Dự báo từ tháng 5 đến tháng 7, thời điểm miền Bắc bước vào cao điểm nắng nóng, công suất tiêu thụ tại khu vực này dự kiến tăng 15% so với cùng kỳ.

Theo dự báo của EVN, trường hợp mực nước các hồ thuỷ điện khu vực giảm sâu, miền Bắc có nguy cơ thiếu 1.600 – 4.900 MW điện trong các tháng 5 và tháng 6.

Tập đoàn này cho hay nguy cơ thiếu điện trong mùa nắng nóng, nhưng các nguồn như thuỷ điện, cung ứng nhiên liệu (than, khí) cho sản xuất điện hay nhập khẩu năng lượng đều gặp khó khăn.

Trong đó, hiện tại nước về các hồ thuỷ điện kém, bằng 70-90% so với trung bình nhiều năm.

Đến ngày 24/4, nhiều hồ thủy điện trong trạng thái mực nước thấp, có nguy cơ ảnh hưởng tới cung cấp điện và nhu cầu dân sinh trong mùa khô 2023.

Cụ thể, 18 hồ thủy điện lớn có dung tích nước còn lại dưới 20%; 18 hồ theo quy trình vận hành liên hồ chứa có mực nước thấp hơn quy định và 22 hồ mực nước giới hạn trong 2 tuần liên tiếp. Có 9 hồ (tổng công suất 3.000 MW) ghi nhận lượng nước dưới mực nước chết.

EVN ước tính sản lượng còn lại trong hồ toàn hệ thống là 4,5 tỷ kWh, thấp hơn 4,1 tỷ kWh so với cùng kỳ 2022.

Vừa qua, Tập đoàn EVN đã chính thức tăng giá điện thêm 3%, lên mức 1.920,37 đồng/kWh (chưa gồm VAT) từ ngày 4/5.

Tuy vậy, lãnh đạo tập đoàn cho hay phải tăng 17% mới bù đắp được khó khăn tài chính. Trong đó, riêng năm 2022, tập đoàn này đã lỗ hơn 26.000 tỷ đồng.

Về cơ cấu chi phí mua điện năm 2022, chi phí mua điện từ các nhà máy nhiệt điện than chiếm tỷ trọng 47,9%, từ thủy điện chiếm 20,9%, từ nhiệt điện khí chiếm 12,7%, từ năng lượng tái tạo chiếm 17,1% và phần còn lại từ nhập khẩu và nhiệt điện dầu chiếm 1,4%.

Tuấn Minh