Theo một báo cáo gần đây của Reuters, Tập đoàn CNOOC của Trung Quốc đang bán các mỏ dầu ở Mỹ, Canada và nước Anh do lo ngại các lệnh trừng phạt có thể ập đến bất cứ lúc nào. Sau khi bị hủy niêm yết ở Mỹ vào năm ngoái, công ty này đang tìm cách trở về IPO ở thị trường chứng khoán Thượng Hải (Trung Quốc).

CNOOC trung quoc ban mo dau o My Canada Anh Trung Quoc so My trung phat kinh te 655311805
Trung Quốc bắt đầu sợ hãi các lệnh trừng phạt kinh tế mà phương Tây đang áp đặt lên Nga vì xâm lược Ukraine. (Ảnh minh họa: Testing/Shutterstock)

Các chuyên gia nhận định sự phụ thuộc quá lớn của Bắc Kinh vào thị trường và công nghệ của Mỹ có thể tạo ra một “cú rơi nặng” trong trường hợp bị áp đặt lệnh trừng phạt hoặc có nguy cơ mất tài sản ở nước ngoài. Một số nguồn tin của Reuters cho biết nhà sản xuất dầu khí hàng đầu của Trung Quốc – Tập đoàn Dầu khí Ngoài khơi Quốc gia Trung Quốc (CNOOC) đang chuẩn bị rút khỏi các hoạt động tại Mỹ, Canada và nước Anh.

Công ty này đã đề cập đến “rủi ro của các lệnh trừng phạt của Mỹ” trong báo cáo thường niên năm 2021 được công bố vào ngày 12/4.

Báo cáo có nêu: “Không thể dự đoán liệu hoạt động kinh doanh của Công ty hay các công ty liên kết của chúng ta sẽ bị ảnh hưởng thế nào bởi các lệnh trừng phạt của Mỹ do những thay đổi trong chính sách của họ đối với Trung Quốc”, Reuters đưa tin. Ngoài ra, báo cáo cũng đề cập đến rủi ro bị trừng phạt bởi các quốc gia khác của phương Tây.

Kể từ khi chính quyền của cựu Tổng thống Donald Trump thể hiện sự cứng rắn với chính quyền Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), Bắc Kinh phải đối mặt với những cơn gió “ngược chiều” trong các hoạt động thương mại phi đạo đức và vi phạm nhân quyền nghiêm trọng của mình.

CNOOC là một trong những doanh nghiệp nhà nước lớn nhất của Trung Quốc, với số vốn đăng ký khoảng 18,2 tỷ USD. Sau khi bị hủy niêm yết bởi Sở giao dịch chứng khoán New York (NYSX), gã khổng lồ dầu mỏ này cho biết họ có kế hoạch IPO trên Sàn giao dịch chứng khoán Thượng Hải, theo Reuters.

Cổ phiếu của CNOOC đã bị đình chỉ giao dịch trên NYSX vào tháng 3/2021 và chính thức bị hủy niêm yết vào tháng 10, đây là một nỗ lực bắt đầu của chính quyền Trump để kiểm soát các doanh nghiệp, tổ chức bị cáo buộc có liên kết với quân đội Trung Quốc.

Một nhà bình luận tài chính kinh doanh cấp cao của Trung Quốc, Chen Siyu nói với The Epoch Times những biện pháp trừng phạt kinh tế của phương Tây đối với Nga đã khiến ĐCSTQ sợ hãi.

Bắc Kinh sẽ phải chịu những tổn thất lớn về công nghệ và kinh tế nếu tài sản ở nước ngoài của họ bị Mỹ và các nước phương Tây khác tịch thu. Do đó, ĐCSTQ đang nhanh chóng bán tài sản ở nước ngoài và mang CNOOC về IPO trong nước.

Ngoài ra, Chen cho biết thêm ĐCSTQ đã đánh cắp các công nghệ phương Tây thông qua “Chương trình Ngàn Nhân tài (Thousand Talents Program, TTP)” và “Sáng kiến Made in China 2025 (MIC 2025)” để cắt giảm các tiến độ trong khâu Nghiên cứu và Phát triển (R&D) của mình và dựa vào đánh cắp để vượt qua những tiến bộ công nghệ phương Tây.

Được biết, TTP là một kế hoạch tuyển dụng gây tranh cãi do nhà nước Bắc Kinh hậu thuẫn, kế hoạch này bị các quan chức Mỹ chỉ trích vì vai trò của nó trong việc chuyển giao nghiên cứu và công nghệ phương Tây cho Trung Quốc.

“ĐCSTQ phải dựa vào Mỹ về công nghệ và thị trường cho dù nó có thích hay không. Bắc Kinh thận trọng tránh xung đột trực tiếp với Mỹ do lo sợ hậu quả nghiêm trọng. Mặt khác, ĐCSTQ đưa ra tín hiệu lẫn lộn về cuộc xung đột Nga-Ukraine, cả việc rút lui và cung cấp hỗ trợ cho Nga. Bên cạnh đó, quốc gia này tăng cường sản xuất lương thực trong nước vì sợ các lệnh trừng phạt của phương Tây”.

Trong một cuộc họp video vào ngày 14/4, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken kêu gọi Trung Quốc “chọn một bên” trong cuộc chiến Nga-Ukraine, cho thấy những lời nói và hành động của Bắc Kinh về vấn đề này là mơ hồ và không nhất quán.

Ông Blinken nói: “Đó là về việc đứng về phía đúng và sai; đó là về việc đứng về phía các nguyên tắc cơ bản của hệ thống quốc tế hoặc lựa chọn sự hỗn loạn và xung đột. Và cuối cùng, Trung Quốc phải lựa chọn”.

Vào ngày 12/4, Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Mỹ (SEC) đã thêm 12 công ty chứng khoán Khái niệm Trung Quốc vào danh sách theo dõi hủy niêm yết. Nhiều công ty trong số này có thể theo bước chân của CNOOC.

Tú Minh dịch theo Reuters, The Epoch Times