Theo Bloomberg, nhà máy ở Thượng Hải của Tesla đã phải ngừng hoạt động gần 3 tuần do thành phố phong tỏa, nếu sản xuất với tốc độ khoảng 2.100 xe/ ngày thì hãng này đã tổn thất sản lượng xe điện lên đến 39.900 chiếc. Đây là chướng ngại sản xuất mà Tesla thực sự gặp phải ở Trung Quốc.

tesla
(Ảnh từ Shutterstock)

Tesla đã đóng cửa nhà máy ở Trung Quốc kể từ ngày 28/3. Việc ngừng hoạt động đã kéo dài hơn so với năm 2020, khi COVID-19 lần đầu tiên bùng phát, và tình trạng thiếu chip hiện đang tồi tệ hơn bao giờ hết.

Hiện vẫn chưa có dấu hiệu cho thấy khi nào việc phong tỏa sẽ kết thúc. Thành phố 25 triệu dân này mỗi ngày đều số người nhiễm cao nhất Trung Quốc, phần lớn các khu vực trong thành phố vẫn đang hạn chế đi lại, chuỗi cung ứng thực phẩm, sản xuất tiếp tục bị ảnh hưởng.

Ông Hà Tiểu Bằng (He Xiaopeng), giám đốc điều hành của hãng xe điện Xpeng cho biết, nếu Thượng Hải tiếp tục phong tỏa, tất cả các nhà sản xuất ô tô của Trung Quốc có thể phải ngừng sản xuất vào tháng Năm.

“Nếu Thượng Hải và các công ty chuỗi cung ứng xung quanh không thể tìm ra cách để tiếp tục hoạt động và sản xuất một cách linh hoạt, tất cả các nhà máy sản xuất ô tô ở Trung Quốc có thể ngừng sản xuất vào tháng 5”, ông Hà Tiểu Bằng cho biết trên tài khoản Weibo cá nhân của mình vào tối 14/4.

Bà Junheng Li, giám đốc điều hành của công ty quản lý tài sản Warren Capital cho biết, Tesla dự kiến ​​sẽ hoạt động trở lại vào tuần đầu tiên của tháng 5, trong trường hợp này, có thể sẽ tổn thất sản lượng xe điện vào khoảng 84.000 chiếc.

Bà Junheng Li nói rằng nếu các thành phố xung quanh cũng bị phong tỏa, điều này có thể ảnh hưởng đến việc cung cấp phụ tùng ô tô, tổn thất về sản lượng sản xuất của Tesla có thể còn lớn hơn.

Tesla có trụ sở tại Texas, công ty sản xuất 305.000 xe trên toàn cầu trong quý 4, sản lượng 40.000 xe của công ty chiếm khoảng 13%.

Hiện tại, một số nhà máy sản xuất xe đang cố gắng để công nhân ở ngay tại nhà máy và xét nghiệm COVID thường xuyên. Nhưng điều này không hiệu quả với những hãng xe thiếu phụ tùng.

Bà Junheng Li nói: “Việc chính quyền Trung Quốc kiên trì chính sách zero COVID, đã thúc đẩy nhiều công ty đa quốc gia suy nghĩ lại về chiến lược của họ ở Trung Quốc.” 

Bà cũng cho biết, nếu COVID-19 tiếp tục đột biến, trong khi chính quyền Trung Quốc vẫn không chịu từ bỏ ‘zero COVID’, bà tin rằng nhiều công ty đa quốc gia sẽ giảm hoặc ngừng kế hoạch mở rộng tại Trung Quốc.

Bà nói thêm rằng đây là nói về các doanh nghiệp quốc tế nói chung, không phải Tesla.

Không chỉ riêng Tesla bị ảnh hưởng bởi ‘zero COVID’, theo ông Trương Chấn Sơn (Zhang Zhenshan), Trưởng ban Điều tiết Tài chính của Đài Loan, tính đến nay 161 công ty Đài Loan ở Thượng Hải và Côn Sơn đã ngừng hoạt động.

Bà Tạ Kim Hà (Xie Jinhe), trưởng ban chuyên trách Đài Loan của tờ Caixin nói rằng phong tỏa Vũ Hán vào ngày 23/1/2020 đã gây chấn động thế giới, nhưng tác động của việc phong tỏa Thượng Hải và Côn Sơn lần này còn lớn hơn lần trước. Trên thực tế, tỷ lệ tử vong của Omicron không cao, hầu hết các nước đã quyết định tồn tại cùng với loại virus này, chỉ có Trung Quốc là tiếp tục áp dụng chính sách phòng dịch kiểu ‘zero COVID’. Tác động của việc Thượng Hải phong tỏa đối với nền kinh tế Trung Quốc và chuỗi cung ứng toàn cầu là không nhỏ, có thể thấy các doanh nhân Đài Loan đã bị ảnh hưởng nặng nề.

Ông Akio Yaita, người từng là phóng viên ở Bắc Kinh trong 10 năm, kể rằng: “Tôi nghe nói gần đây nhiều người Nhật làm ăn ở Trung Quốc đang có ý định rời Trung Quốc, một số người trong số họ là bạn của tôi. Việc Thượng Hải bị phong tỏa lần này khiến họ nhận ra sức mạnh của quả đấm sắt xã hội chủ nghĩa, khiến họ sợ hãi.”

Trí Đạt (t/h)