Được thành lập với mục tiêu “bay vào vũ trụ” từ đảo Phú Quốc (Kiên Giang) vào cuối tháng 12/2021, Công ty Thaispace của ông bầu Nguyễn Đức Thụy đến nay đã đổi tên khác và giảm quy mô vốn hơn 11 lần so với ban đầu. Cổ đông lớn của Thaispace đã rút vốn và chuyển mục tiêu sang đầu tư 600 tỷ đồng vào dự án chăn nuôi heo (lợn), sản xuất heo giống tại tỉnh Thanh Hóa.

thaiholdings chăn nuôi heo thaiholdings dầu tư 600 tỷ dồng nuôi heo thaigroup thaispace 1708460302
Doanh nghiệp của ông Thụy đầu tư 600 tỷ đồng vào dự án chăn nuôi heo, sản xuất heo giống ở tỉnh Thanh Hóa. (Ảnh minh họa: ArtbyPixel/Shutterstock)

Giảm vốn điều lệ đăng ký xuống hơn 11 lần… chỉ còn 2.275 tỷ đồng

Công ty Trách nhiệm hữu hạn (TNHH) Thaispace được thành lập với số vốn điều lệ đăng ký ban đầu gần 26.700 tỷ đồng vào tháng 12/2021 với tuyên bố mục tiêu “bay vào vũ trụ” từ đảo Phú Quốc (Kiên Giang).

Đến nay, sau nhiều thay đổi về cả quy mô vốn và định hướng kinh doanh, cổ đông lớn của Thaispace (tức ông Thụy và Thaiholdings) đã rút vốn và chuyển mục tiêu sang đầu tư 600 tỷ đồng vào dự án chăn nuôi heo, sản xuất heo giống tại Thanh Hóa.

Cụ thể, ngày 13/5/2022 (sau 5 tháng kể từ khi thành lập), Cổng thông tin về quốc gia đăng ký doanh nghiệp cho biết Công ty Thaispace đã giảm vốn điều lệ từ 26.688 tỷ đồng xuống còn chưa tới 2.275 tỷ đồng. Trong đó, ông Thụy sở hữu 83% vốn (gần 1.889 tỷ), còn Thaiholdings nắm gần 17% vốn còn lại (hơn 386 tỷ đồng).

Tới ngày 14/6, Công ty Thaispace bất ngờ đổi tên thành Công ty TNHH Đầu tư Thương mại và Dịch vụ Bãi Thơm – Phú Quốc, đồng thời cơ cấu cổ đông có sự biến động.

Theo đó, ông Thụy không còn sở hữu cổ phần tại Thaispace và thay thế bằng hai cá nhân khác là bà Phạm Thu Hằng (40%) và ông Nguyễn Chí Kiên (43%). Thaiholdings vẫn giữ nguyên gần 17% cổ phần tại đây, tương ứng với 386 tỷ đồng vốn góp.

Đến ngày 22/6, Thaiholdings cho biết đã chuyển nhượng vốn góp trên cho ông Trịnh Văn Thiệm với tổng giá trị chuyển nhượng 392 tỷ đồng, tức Thaiholdings lãi khoảng 6 tỷ đồng sau khi thương vụ này dự kiến hoàn thành vào quý 3/2022.

Chưa biết khi nào “bay vào vũ trụ”, Thaiholdings của bầu Thụy lấy tiền để nuôi heo

Theo Báo cáo tài chính hợp nhất soát xét bán niên 2022 của Công ty Thaiholdings, Tập đoàn Thaigroup (công ty con của Thaiholdings) của ông Thụy đã đầu tư 600 tỷ đồng vào 2 dự án chăn nuôi heo, sản xuất lợn giống tại Thanh Hóa.

Cụ thể, Công ty Thaigroup rót 300 tỷ đồng thực hiện dự án cùng với Công ty Xuân Thiện Thanh Hoá 2 và 300 tỷ đồng cùng với Công ty Xuân Thiện Thanh Hoá 3. Theo hợp đồng, Thaigroup sẽ nhận 60% lợi nhuận từ mỗi dự án sau khi trừ đi các khoản trích lập theo dự phòng.

Theo báo Việt Nam Net, vài năm gần đây, thị trường chăn nuôi heo thu hút sự quan tâm của nhiều doanh nhân đến từ nhiều lĩnh vực như: Tập đoàn Hòa Phát của ông Trần Đình Long; Masan với thương hiệu Masan MEATLife của tỷ phú Nguyễn Đăng Quang, Hoàng Anh Gia Lai của ông Đoàn Nguyên Đức (bầu Đức), Dabaco của ông Nguyễn Như So…

Trong 6 tháng đầu năm 2022, Hoàng Anh Gia Lai ghi nhận doanh thu và lợi nhuận tăng vọt từ mảng chăn nuôi heo. Đây cũng là doanh nghiệp có chi phí đầu vào thấp nhờ có cây chuối để nuôi heo, khi mà giá thức ăn chăn nuôi tăng cao.

Còn Masan MEATLife có giá bán khá cao nhờ sản phẩm có thương hiệu và có chỗ đứng trong hệ thống bán lẻ Winmart của Tập đoàn Masan.

Theo SSI Research, nguồn cung heo có thể thiếu hụt trong năm nay và chi phí thức ăn chăn nuôi sẽ bắt đầu giảm trong quý 4. Do vậy, kỳ vọng các công ty chăn nuôi sẽ sớm phục hồi tình hình kinh doanh.

Thiên Bách