Thâm hụt thương mại của Mỹ đã tăng 17,7% trong năm ngoái lên 679 tỷ đô la, mức cao nhất kể từ năm 2008. Nguyên nhân chính là do đại dịch cúm Vũ Hán đã làm gián đoạn thương mại toàn cầu và cản trở các nỗ lực của Tổng thống Donald Trump nhằm tái cân bằng thương mại của Mỹ với phần còn lại của thế giới.

Chênh lệch giữa giá trị hàng hóa và dịch vụ mà Hoa Kỳ bán ra và mua về đã tăng từ 577 tỷ đô la vào năm 2019 lên 679 tỷ đô la vào năm 2020, Bộ Thương mại cho biết hôm thứ Sáu. Xuất khẩu giảm 15,7% xuống 2,1 nghìn tỷ đô la và nhập khẩu giảm 9,5% xuống 2,8 nghìn tỷ đô la.

Trên cương vị tổng thống, ông Trump đã tìm cách thu hẹp khoảng cách này bằng cách áp thuế lên hàng hóa nhập khẩu trên quy mô chưa từng thấy kể từ sau cuộc chiến thương mại những năm 1930. Thâm hụt thu hẹp một chút vào năm 2019 nhưng sau đó tăng vọt vào năm ngoái do các hạn chế về virus corona đã ảnh hưởng lớn đến các ngành xuất khẩu dịch vụ của Hoa Kỳ như du lịch và giáo dục. 

Mặc dù xuất khẩu dịch vụ giảm 20,4% trong năm ngoái, nhưng Hoa Kỳ vẫn thặng dư 237 tỷ đô la trong lĩnh vực này. Tuy nhiên, khoản thặng dư này không bù đắp được cho thâm hụt trong thương mại hàng hóa như máy bay và phụ tùng ô tô lên tới 916 tỷ đô la.

Thâm hụt thương mại với Trung Quốc đã giảm 10% vào năm ngoái xuống 311 tỷ đô la. Ông Trump đã áp đặt thuế quan đối với hàng hóa nhập khẩu trị giá 360 tỷ đô la của Trung Quốc nhằm đối kháng việc Bắc Kinh muốn thay thế sự thống trị của phương Tây trong lĩnh vực công nghệ, một nỗ lực mà chính quyền Trump cáo buộc bao gồm cả các hành vi ăn cắp qua mạng.

Thanh Thủy (theo AP)

Xem thêm: