TP Thủ Đức thuộc TP.HCM đã chính thức được thành lập hôm 31/12 vừa qua. Trong khi giới chức TP.HCM công bố kỳ vọng TP này sẽ là nơi đáng sống bậc nhất của Việt Nam, với nền kinh tế lớn thứ ba sau TP.HCM và Hà Nội trong một thập niên tới, phần lớn dân chúng chưa có hình dung rõ ràng về định hướng phát triển của TP cũng như những cam kết cần thiết về đầu tư phát triển, thay vì nguy cơ “băm nát” nguồn lợi bất động sản.

thu thiem 1 1
Một người đàn ông thả lưới bắt cá trong một hồ nước nhỏ, phía sau là tòa nhà chọc trời Lanmark 81 ở trung tâm TP và cầu Thủ Thiêm, tháng 9/2020. (Ảnh minh họa: CravenA/Shutterstock)

Đề xuất phân bổ 100% nguồn thu tiền sử dụng đất cho TP Thủ Đức

Tại hội nghị triển khai nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội năm 2021 sáng 9/1, ông Trương Trung Kiên, Chủ tịch UBND quận Thủ Đức đề xuất 3 giải pháp giúp TP Thủ Đức phát triển.

Thứ nhất, sở ngành nhanh chóng hướng dẫn biểu mẫu thống kê tài sản, tài chính, dự án đầu tư đang triển khai thực hiện dở dang để phục vụ công tác bàn giao giữa các cơ quan, đơn vị liên quan đến việc thành lập TP.Thủ Đức.

Thứ hai, UBND TP.HCM quan tâm chỉ đạo giải quyết tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thực hiện một số dự án trọng điểm trên địa bàn.

Thứ ba, ông Kiên đề nghị xây dựng cơ chế về tài chính, phân bổ 100% nguồn thu từ tiền sử dụng đất để lại cho TP.Thủ Đức trong 5 năm đầu.

Đối với quy hoạch, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan cho biết TP.HCM đang nghiên cứu lập quy hoạch chung TP Thủ Đức quy mô hơn 21.000 ha theo tỷ lệ 1/10.000 – 1/25.000 với các mục tiêu phát triển giao thông xanh, khả năng chống chịu, ứng phó với ngập lụt. Đồng thời, lập quy hoạch phân khu các khu vực, gồm: Trường Thọ (147 ha), Tam Đa và dọc Đông Tây mới (1.000 ha); hành lang tuyến metro số 1 (493 ha); hành lang vành đai 2 (600 ha) và khung chính sách khai thác giá trị đất áp dụng cụ thể cho vành đai 2.

Về vấn đề tài chính, bà Phạm Thị Hồng Hà, Giám đốc Sở Tài chính TP.HCM cho biết năm 2021, ngành tài chính sẽ hướng dẫn việc xử lý công tác tài chính, thực hiện bàn giao, sử dụng tài sản tại 3 quận: 2, 9, Thủ Đức và các phường sáp nhập ở các quận 3, 4, 5, 10 và Phú Nhuận.

Tình trạng ngập nước và chất lượng môi trường đầu tư giải quyết theo hướng nào?

Đối với vấn đề ngập nước tại TP Thủ Đức, ông Trần Phước Anh, quyền Giám đốc Sở Ngoại vụ, cho biết một trong những nhiệm vụ trọng tâm năm 2021 của sở là phối hợp triển khai Dự án chống ngập bền vững tại TP Thủ Đức. Dự án có tổng mức đầu tư hơn 1 tỷ USD do Chính phủ và doanh nghiệp Hà Lan thực hiện theo mô hình PPP.

Nói về cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, bà Lê Thị Huỳnh Mai, giám đốc Sở Kế hoạch – Đầu tư đề xuất TP hoàn thiện và ổn định bộ máy của TP Thủ Đức theo mô hình chính quyền đô thị. Theo bà Mai, điều này mở ra cơ hội tăng năng suất lao động, tăng tốc phát triển và đổi mới mạnh mẽ mô hình tăng trưởng kinh tế, đóng góp chung vào kinh tế TP.HCM và cả nước.

Ngoài ra, bà Mai đề nghị giải quyết dứt điểm các vấn đề liên quan đến Khu đô thị mới Thủ Thiêm, đẩy nhanh các thủ tục đầu tư, xây dựng, đưa nguồn lực đất đai vào phát triển kinh tế thành phố, sớm hình thành khu đô thị hiện đại tầm cỡ khu vực.

Phải sớm thành lập TP Thủ Đức vì thời hạn bầu chức danh?

Được chính thức thành lập vào ngày 31/12, TP Thủ Đức được giới chức TP.HCM công bố sẽ là nền kinh tế lớn thứ ba sau TP.HCM và Hà Nội trong một thập niên tới.

Ông Nguyễn Thiện Nhân, trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội TP.HCM đưa ra con số khoảng 10 năm tới, TP Thủ Đức sẽ tạo ra giá trị tăng bằng 1/3 TP.HCM, khoảng 7% GDP của Việt Nam và đây sẽ là thành phố hiện đại, văn hóa, hội nhập và đáng sống bậc nhất của Việt Nam.

Với diện tích hơn 211 km2 và dân số hơn 1 triệu người, TP Thủ Đức được thành lập từ việc sáp nhập quận 2, quận 9 và quận Thủ Đức. Sau khi được thành lập, TP này được chia địa giới hành chính 34 phường, có Tòa án và Viện kiểm sát.

Vào đầu tháng 10/2020, cử tri Nguyễn Hữu Châu (cử tri quận 3) đặt câu hỏi: “Vì sao phải gấp rút thực hiện đề án lập Thành phố Thủ Đức trong khi 3 quận phía Đông còn tồn tại nhiều sai phạm chưa giải quyết xong?”.

Trả lời câu hỏi này, Phó bí thư Thường trực TP.HCM – ông Trần Lưu Quang cho biết nếu không gấp rút hoàn tất thủ tục lập TP Thủ Đức trong năm 2020 thì thành phố phải chờ ít nhất 5 năm nữa.

Vì theo lịch định, đến tháng 5/2021 sẽ bầu Quốc hội, HĐND các cấp. Do đó, cần làm các hồ sơ, thủ tục để các cấp có thẩm quyền phê duyệt đề án, để theo đúng dự kiến, đến tháng 5/2021, TP.HCM sẽ tổ chức bầu UBND, HĐND và hệ thống chính trị tại TP Thủ Đức.

Thực tế, việc chỉ định hệ thống chính trị tại TP Thủ Đức đang được đẩy nhanh hơn kế hoạch. Hai ngày sau khi TP Thủ Đức chính thức được thành lập, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan ký văn bản khẩn điều chỉnh tiến độ triển khai Nghị quyết số 1111/2020 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã và thành lập TP Thủ Đức thuộc TP.HCM, sửa đổi quyết định số 4764 ngày 29/12/2020 do Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong ký trước đó.

Theo đó, trước ngày 8/1, đề nghị Ban Tổ chức Thành ủy tham mưu cho Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM chỉ định Ban Chấp hành, Ban Thường vụ, Bí thư, Phó Bí thư Thành ủy TP Thủ Đức và thành ủy viên. Như vậy, việc tổ chức, sắp xếp các cơ quan Đảng và đoàn thể được thực hiện sớm hơn 10 ngày so với Quyết định 4764 (ngày 18/1).

Ngoài ra, trước ngày 17/1, HĐND TP Thủ Đức sẽ bầu các chức danh Chủ tịch HĐND; Phó Chủ tịch HĐND; Trưởng ban, Phó Trưởng ban của các ban thuộc HĐND; Chủ tịch UBND; Phó Chủ tịch UBND và các ủy viên UBND, sớm hơn kế hoạch trước đó 1 tháng.

Các chuyên gia nói gì?

Nói về việc thành lập TP Thủ Đức, hồi cuối tháng 8/2020, báo giới trong nước dẫn cảnh báo của nguyên viện trưởng Viện kinh tế TP.HCM, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng – ông Trần Du Lịch rằng lập quy hoạch phải tránh bài học sai lầm về quy hoạch trước đây và “với một khu đô thị hình thành trên phần lớn là đất nông nghiệp thì điểm mấu chốt chính là lợi ích của người dân nơi đây”. Khu Trung tâm tài chính Thủ Thiêm và Khu đô thị mới Thủ Thiêm được ông Lịch xác định là hạt nhân của TP, theo Zing.

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng định hướng phát triển công nghệ cao là đúng, nhưng phát triển công nghệ cao không phải chiếm đất để xây hàng loạt khu nhà máy to, đẹp mà phải tính toán, nghiên cứu kỹ lưỡng đầu tư cho ngành nào, dựa trên căn cứ khoa học, theo xu hướng phát triển. Thu hút đầu tư thì Việt Nam cũng phải có các đơn vị, doanh nghiệp (DN), cá nhân giỏi để làm cùng, ngoài ra còn phải ưu tiên, khuyến khích các DN, đơn vị tại Việt Nam chứ không chỉ chăm chăm thu hút các DN nước ngoài, theo Thanh Niên.

TS Huỳnh Thế Du (Trường Đại học Fulbright Việt Nam) cho rằng “phải làm bằng được hai cụm chức năng chính là: dịch vụ tài chính và hỗ trợ kinh doanh (như marketing, tư vấn pháp lý…) ở khu Thủ Thiêm; và đổi mới sáng tạo ở Khu Công nghệ cao quận 9 và Đại học Quốc gia TP.HCM. Hai khu vực này nên được lấy làm điểm xuất phát cho TP Thủ Đức.”

“Giống như Thượng Hải, điểm xuất phát của Phố Đông là khu Lục Gia Chuỷ nằm phía bên kia sông Hoàng Phố, đối diện phố Tây. Người ta đã phát triển nó thành khu trung tâm mới mới, cả thị trường chứng khoán, tài chính, các dịch vụ hậu cần đều được dồn về đó. Sau đó, trong tương lai dài hạn, TP Thủ Đức có thể được mở rộng ra với quy mô lớn hơn và bao gồm dịch vụ logistic cũng như các loại hình dịch vụ khác.”

Để khắc phục sự thiếu hụt về vốn (hiện TP.HCM chỉ được giữ lại mười mấy phần trăm ngân sách) thì nên cho TP Thủ Đức giữ lại toàn bộ nguồn thu cho đầu tư phát triển với thời hạn từ 10-20 năm. Tuy nhiên, ông Du lưu ý nguồn lực tài chính chỉ là một điều kiện cần, then chốt vẫn là cách làm sáng tạo, dám làm.

“Một điều hơi đáng buồn ở Việt Nam là thường làm không đến nơi đến chốn, có mục tiêu lớn nhưng thực tiễn thực hiện thì dễ xảy ra “đầu voi đuôi chuột”. Ví dụ, khu Nam TP.HCM được quy hoạch trên diện tích 30 km2 nhưng về cơ bản bị “băm nát” hết; chỉ có khu Phú Mỹ Hưng rộng chừng 4 km2 là phát triển. Hay Khu Công nghệ cao Hòa Lạc ở Hà Nội, đã gần 30 năm rồi mà nhiều nơi vẫn chưa có nước máy…

Vấn đề ở đâu? Vấn đề nằm ở sự thiếu hụt quyết tâm làm cho bằng được. Chúng ta vẽ dự án ra hoành tráng nhưng đầu mối thực thi không có, như gió vào nhà trống. Bệnh ở Việt Nam giống bệnh ở nhiều nước Đông Nam Á, cũng có kế hoạch hoành tráng nhưng người thực thi là một hệ thống chẳng có quyết tâm chẳng có khát vọng gì cả. Kết quả thực hiện vì thế rất hạn chế.

Khu Gangnam hay Incheon của Hàn Quốc hay Phố Đông của Thượng Hải chỉ hơn 10 năm đã hình thành cơ bản rồi. Nhưng nếu không có quyết tâm thì đến năm 2045, thời điểm 100 năm Việt Nam độc lập thì TP Thủ Đức có khi cũng chẳng đi đến đâu.” – theo ông Du, dẫn lại từ The Saigon Times.

Trên RFA vào đầu tháng 9, bà Phạm Chi Lan cho biết thêm không chỉ rút kinh nghiệm từ vụ Thủ Thiêm, mà phải rút kinh nghiệm từ các quy hoạch phát triển đô thị ở Sài Gòn và Hà Nội khi hai thành phố lớn nhất Việt Nam bị biến thành đô thị “lộn xộn”, “tùm lum”. Chuyên gia kinh tế cũng đề cập đến TP Đà Lạt trước những bức xúc của dư luận trước những quy hoạch liên quan kiến trúc, di sản, giá trị văn hóa và lịch sử độc đáo của thành phố sương mù, ngàn hoa nổi tiếng này.

Nguyễn Minh

Xem thêm:

2020: Công nhân đường sắt nghỉ cầm chừng hoặc bị cắt 5-13 ngày lương/tháng