Dù là quốc gia có mức thu nhập trung bình thấp, nhưng Việt Nam lại là thị trường có giá sữa cao nhất thế giới. Những năm gần đây, giá sữa trong nước liên tục tăng trong khi giá sữa thế giới gần như đứng im. Điều gì làm nên nghịch lý này: tâm lý người tiêu dùng được khai thác triệt để hay quản lý nhà nước còn nhiều bất cập?

(Ảnh: Trí Thức VN)
(Ảnh: Trí Thức VN)

Trong nhiều năm qua, Việt Nam trở thành thị trường mầu mỡ cho các hãng sữa – nơi giá sữa cao nhất thế giới – bất chấp thực tế thu nhập bình quân đầu người ở mức gần như thấp nhất khu vực Đông Nam Á. Sở dĩ các hãng sữa ngoại có thể “làm mưa làm gió” xuất phát từ hai nguyên nhân chính: tâm lý sính ngoại của người tiêu dùng bị khai khác triệt để và quản lý thị trường sữa còn nhiều bất cập.

Tâm lý người tiêu dùng được các hãng sữa khai thác triệt để

Không thể phủ nhận rằng giá sữa nhập ngoại cao ngất ngưởng một phần do đã khai thác hiệu quả tâm lý người tiêu dùng Việt. Sữa ngoại chiếm tới 80% thị phần sữa cho trẻ nhỏ nhờ vào sức mạnh quảng cáo. Các quảng cáo sữa (con uống sữa – con thông minh, con uống sữa – con biết đọc, con uống sữa – con cao lớn,…) khiến phụ huynh không tiếc tiền đổ vào sữa cho con. Sữa càng quảng cáo hay thì giá càng cao và càng tiêu thụ mạnh. Không một nơi nào trên thế giới, người ta lại tin rằng sữa bột là nhu cầu dinh dưỡng tất yếu cho trẻ nhỏ.

Về phía các hãng sữa, họ thổi giá sữa ở Việt Nam bằng nhiều chiêu thức: tăng giá để bổ sung thêm vi lượng, sửa đổi mẫu mã để thêm tiền, “khuất tất” trong kê khai giá… Bởi vậy, ngay cả những thời điểm giá sữa thế giới hạ thì giá sữa trong nước vẫn tăng cao. 

Trong khi quản lý nhà nước về  thị trường sữa thiếu minh bạch và nhiều bất cập

Trong nhiều năm, thị trường sữa chịu sự quản lý chồng chéo của ba Bộ; Bộ tài chính (qua Cục quản lý giá) quản lý về giá sữa, Bộ Công Thương (qua Cục quản lý thị trường) quản lý thị trường sữa và Bộ Y Tế là cơ quan quy định danh mục các loại sữa thuộc diện bình ổn giá.

Giá sữa được quản lý bằng cách kê khai giá. Cách thức quản lý hậu kiểm và giá đăng ký dựa trên giá bán buôn khiến cho các cơ quan quản lý khó có thể giám sát được mối tương quan của giá sữa nhập khẩu, giá bán buôn và giá bán lẻ sữa trên thị trường. Ngoài ra, Bộ tài chính đã áp trần giá sữa với hơn 900 sản phẩm sữa trẻ em, đồng thời quy định giá bán lẻ không vượt quá 15% giá bán buôn cho phép. Tuy nhiên, quy định này trong thời gian qua đã bộc lộ nhiều hạn chế. Thứ nhất, giá sữa ngoại ở Việt nam dù được qua kiểm duyệt để áp giá trần nhưng vẫn cao hơn rất nhiều nước trên thế giới. Thứ hai, doanh nghiệp sữa thay đổi mẫu mã, kéo dài độ tuổi sử dụng để né quy định áp giá trần. Thứ ba, sữa nội giá rẻ không hấp dẫn các đại lý do lợi nhuận thấp (hạn chế bởi quy định lợi nhuận không vượt quá 15% giá bán buôn), do vậy càng khó tiêu thụ. Theo một báo cáo của VCCI và Ngân hàng thế giới, 60% người tiêu dùng cho biết không được hưởng lợi từ việc áp trần giá sữa.

Tại Việt Nam từ khoảng 2007, hầu hết các hãng sữa đều có điều chỉnh tăng giá từ 1-2 lần một năm và tập trung chủ yếu vào quý 1 hàng năm. Đơn cử như Abbott, hầu hết đều điều chỉnh giá sữa vào quý 1 hàng năm và mỗi lần điều chỉnh từ 4-20%. Trong khi đó, ở một số thị trường nước ngoài, chẳng hạn như từ năm 2013 đến nay, giá sữa tại một số quốc gia như Anh, Nhật, Ý hay Thụy Sỹ… hầu như không có biến động.

Cục quản lý cạnh tranh mới đây vừa mới tiến hành khảo sát về giá sữa bột nguyên hộp nhập khẩu của các hãng như Abbott, Mead Johnson, Nestle, Dumex, XO… trong nước với các nhãn sữa cùng loại được bày bán tại nhiều nước trên thế giới và trong khu vực là Thái Lan, Malaysia, Indonexia, Singapore, Hàn Quốc, Hà Lan, Úc, New Zealand, Anh, Mỹ, kết quả cho thấy, so với các nước đang phát triển như Thái Lan, Malaysia, Indonesia, giá sữa nhập khẩu của Việt Nam cơ bản cao hơn từ 20-60%, cá biệt có trường hợp còn cao hơn từ 100-150%.

Còn theo ông Vương Trí Dũng, Phó chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội, qua kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh sữa trên địa bàn, riêng mặt hàng sữa bột nhập khẩu cho trẻ em, chênh lệch giữa giá nhập khẩu và giá bán lẻ là rất lớn. Cụ thể, sữa Enfa Grow A+  của công ty Mead Johnson loại 900g giá cao hơn tới 242%, sữa Dugro Gold loại 800g của công ty Dumex cao hơn 285%, sữa Gain, Pedia Sure, Ensure của công ty Abbott loại 400g cao hơn từ 220 – 246%.

Thay đổi phương thức quản lý giá nhưng dường như giá sữa vẫn nằm ngoài sự điều tiết của thị trường

Đến hết tháng 3, Bộ Công thương cho biết sẽ thay đổi phương thức quản lý giá sữa theo hướng doanh nghiệp đăng ký giá, mạng lưới phân phối; Bộ Công thương kiểm tra tính phù hợp và giám sát việc doanh nghiệp thực hiện trên toàn hệ thống phân phối đã đăng ký. Theo Bộ Công thương, phương án này có lợi điểm là giúp Bộ truy xuất được nguồn gốc sản phẩm trên thị trường.

Chuyển sang hình thức mới, việc quản lý giá sữa tưởng như giao quyền cho doanh nghiệp, trả giá sữa trở lại sự điều tiết của thị trường. Tuy nhiên, nếu nhìn vào quy trình quản lý giá sữa và thị trường thì dường như phương thức quản lý mới chưa cải cách triệt để, khó có thể xử lý tận gốc vấn đề giá bởi còn thiếu vắng các nhân tố tạo nên một môi trường cạnh tranh lành mạnh. Ví dụ, một nhãn sữa cho trẻ muốn bán trên thị trường, doanh nghiệp phải đăng ký giá và chờ Bộ Công thương phê duyệt. Bộ Công thương sẽ xem xét tính phù hợp của giá doanh nghiệp kê khai; 900 nhãn sữa, 900 thủ tục phê duyệt. Cơ chế “xin – cho” này có thể giảm tính minh bạch và hiệu quả của quy luật thị trường.

Nguyên Hương

Xem thêm: