Nếu Eximbank chịu chi trả 245 tỷ đồng cho bà Bình ngay từ đầu, ngân hàng này có thể đã không rơi vào khủng hoảng và thoát khỏi hàng loạt thông tin xấu “bủa vây” khiến giá cổ phiếu đâm đầu giảm như hiện tại. Nhưng ngân hàng này lại chọn phương án đổ lỗi cho khách hàng, nhân viên giao dịch và kết quả phải chịu hậu quả thiệt hại hơn gấp 10 lần khi giá trị vốn hóa của ngân hàng đã bị “thổi bay” gần 2.800 tỷ đồng chỉ trong hơn một tháng qua.

PGD Eximbank
Phòng giao dịch Eximbank. (Ảnh: Hồ Phong)

Eximbank liên tục đùn đẩy trách nhiệm

Nói về các nhân viên ngân hàng Eximbank vừa bị bắt hôm 26/3, ông Ngô Thanh Tùng, thành viên HĐQT, luật sư trưởng của Eximbank cho rằng: “Đây là cái giá phải trả cho sự sơ suất mà vướng vào vòng lao lý không đáng có”.

Hồi đầu tháng 3, trong một phát ngôn liên quan đến vụ bà Chu Thị Bình bị mất 245 tỷ đồng tại Eximbank, ông Tùng cũng đưa ra nghi vấn: “có sự hợp tác và thông đồng với khách hàng”.

Trong khi đó, Tổng Giám đốc Eximbank – ông Lê Văn Quyết cũng liên tục bảo vệ quan điểm ngân hàng chỉ trả lại tiền cho bà Bình sau khi có phán quyết của tòa án.

Qua những phát ngôn của các lãnh đạo Ngân hàng Eximbank cũng phần nào nói lên cách thức mà ngân hàng này xử lý cuộc khủng hoảng liên quan đến việc làm mất tiền của khách hàng trong thời gian gần đây. Thế nhưng, những phát ngôn có phần phiến diện và trên hết chưa bao giờ thừa nhận trách nhiệm từ phía Eximbank đã khiến dư luận thêm phần bức xúc.

Nếu như ở nước ngoài các ngân hàng trong tình huống này thường ưu tiên bảo vệ uy tín và giá trị thương hiệu bằng việc đứng ra nhận trách nhiệm và xử lý dứt điểm khủng hoảng, khơi gợi sự đồng cảm từ phía khách hàng mà vượt qua cơn bĩ cực. Thì tại Eximbank, ngân hàng này luôn đùn đẩy trách nhiệm về phía khách hàng và thậm chí là các nhân viên của họ nếu có thể.

Đáng nói, số tiền 245 tỷ đồng của bà Bình bị mất có giá trị bằng khoảng 24% lợi nhuận trước thuế của Eximbank trong năm 2017 ( gần 1.018 tỷ đồng), cộng với các khoản tiền bị mất của 6 khách hàng khác và 3 lượng vàng của bà Loan thì tổng số tiền mà Eximbank bỏ ra để xử lý khủng hoảng cũng chỉ vào khoảng 300 tỷ đồng. Nhưng thay vào đó, Eximbank lại sẵn sàng để cho tin tức tiêu cực “bủa vây” và làm “thổi bay” hàng mấy ngàn tỷ giá trị vốn hóa thị trường, gấp hơn 10 lần số tiền bà Bình bị mất.

Dường như Eximbank không hề quan tâm đến việc giá cổ phiếu EIB đang lao dốc trong mấy ngày qua, hay hình ảnh ngân hàng này đã xấu đi bao nhiêu trong mắt khách hàng, cũng như việc để các cổ đông đầu tư vào ngân hàng này đang phải chịu lây trách nhiệm.

Giá trị vốn hóa mất gần 2.800 tỷ đồng, cổ đông bị vạ lây

Ngay khi có thông tin cơ quan công an khám xét trụ sở Eximbank chi nhánh TP.HCM, giá cổ phiếu EIB của ngân hàng này lập tức lao dốc và liên tục phá đáy trong những ngày qua. Cụ thể, đóng cửa phiên giao dịch ngày 23/3 – thời điểm trước khi nhân viên của Eximbank bị bắt giữ – giá cổ phiếu EIB ở mức 14.750 đồng/cp, sau đó vào ngày 26/3 giá giảm mạnh (-4,41%) xuống còn 14.100 đồng/cp, rồi tiếp tục rớt xuống 14.000 đồng/cp vào ngày hôm qua (27/3) và hiện đang giao dịch ở mức 13.900 đồng/cp.

Tính chung trong 3 ngày, giá cổ phiếu ngân hàng Eximbank đã giảm tổng cộng 850 đồng/cp (-5,8%). Với khối lượng niêm yết hơn 1,2 tỷ cổ phiếu, đà giảm này đã khiến vốn hóa của Eximbank “bốc hơi” hơn 1.000 tỷ đồng. So với mức đỉnh 16.200 đồng vào ngày 22/2, giá trị vốn hóa của Eximbank đã mất gần 2.800 tỷ đồng trong hơn một tháng.

Sự dò đáy liên tục của cổ phiếu EIB đã khiến các cổ đông lớn đang nắm giữ cổ phần tại ngân hàng này cũng không khỏi bị vạ lây.

Theo báo cáo quản trị Eximbank 2017, cổ đông lớn nhất của Eximbank hiện là đối tác Nhật Bản – Ngân hàng Sumitomo Mitsui Banking Corporation (SMBC) với hơn 185 triệu cổ phần, chiếm tỷ lệ sở hữu 15%. Như vậy, đà giảm giá của cổ phiếu EIB trong hơn một tháng qua đã khiến SMBC bị mất gần 450 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) cũng nắm giữ hơn 101 triệu cổ phần, tương đương 8,2% vốn điều lệ. Với tỷ lệ này, tổng giá trị khối cổ phiếu EIB mà Vietcombank chịu thiệt hại cũng lên đến gần 250 tỷ đồng.

Một cổ đông khác là CTCP Xuất nhập khẩu Tổng hợp 1 Việt Nam (Generalexim, TH1) sở hữu gần 13 triệu cổ phần, tương ứng 1% vốn điều lệ.

Hiện đối tác phía Nhật Bản vẫn chưa có thông tin chính thức đề cập đến vụ việc xảy ra tại Eximbank. Trong khi đó, cổ đông trong nước Vietcombank đã nhiều lần “đánh tiếng” về việc giảm tỷ lệ sở hữu tại Eximbank xuống dưới mức 5%. Tuy vậy, cho đến nay việc thoái vốn vẫn chưa thể hoàn tất. Và khi giá cổ phiếu EIB ngày càng sụt giảm, khả năng thành công của Vietcombank trong thương vụ bán vốn tại Eximbank lại càng trôi theo.

Cho đến hiện tại, với cách xử lý vụ việc trong thời gian đã qua của Eximbank khi ngân hàng này hết lượt đẩy trách nhiệm về phía khách hàng, rồi đến sự sơ suất của nhân viên, một số chuyên gia không khỏi nghi ngại rằng cách hành xử này cũng đang được ngân hàng này áp dụng để đùn đẩy trách nhiệm cho các đối tác nội lẫn ngoại gánh thay hệ lụy cho sự lao dốc của cổ phiếu EIB?

Chân Hồ