Mạng xã hội Lotus của Việt Nam vừa được cho ra mắt, sau ít nhất 3 mạng xã hội “made in Vietnam” được công bố ra đời chỉ tính riêng trong năm 2019.

mạng xã hội Việt Nam, mạng xã hội Lotus, Luật an ninh mạng
Việt Nam đứng thứ 7 trong top 10 nước sử dụng Facebook nhiều nhất với 58 triệu người dùng. Hình ảnh tại một trung tâm mua sắm tại TP.HCM, tháng 12/2016. (Ảnh: Shutterstock)

Mạng xã hội Lotus và những thông tin quảng bá

Ngày 16/9, Công ty cổ phần VCCorp đầu tư phát triển ra mắt giới thiệu mạng xã hội Lotus. 

Theo VCCorp, đây là mạng xã hội đầu tiên “made in Vietnam” được sinh ra với tiêu chí lấy nội dung làm trọng tâm (“Content is King”)

Cũng như Facebook đang sử dụng, Lotus được trang bị trí tuệ nhân tạo (AI) để lọc tin giả hoặc đưa ra các kênh tin gợi ý phù hợp với thói quen, sở thích và nhu cầu của người sử dụng; hỗ trợ cá nhân hóa nội dung. 

Tính năng này cho phép nhà quản lý kiểm soát chặt chẽ về nội dung, có thể chọn lọc, “truy tìm” những nội dung vi phạm như: tin giả, bán hàng giả, đa cấp, lừa đảo, … Hoặc khi người dùng post lên một nội dung bao gồm hình ảnh và bài viết không đúng sự thật, Lotus cũng có thuật toán để phát hiện và xử lý.

Đồng thời, mạng xã hội Lotus được giới thiệu tính năng cho phép người dùng “kể chuyện bằng hình ảnh” thông qua nhiều format như Photo Story, Photo Gallery, Media Unit, eMagazine, Top News, Trending News, Video News, Sách & Truyện, Chuỗi Video, Tút Ảnh, Danh sách nhạc… với sự hỗ trợ của các công cụ quản trị nội dung mà đơn vị này từng sử dụng để biên tập các trang tin tức của họ.

Các nhà phát triển của Lotus cho biết mạng xã hội này sử dụng thuật toán để ưu tiên các bài đăng có nhiều dẫn chứng, hình ảnh hay clip.

Bên cạnh việc khuyến khích chia sẻ thông tin, Lotus mở rộng diện tương tác, khiến người dùng bộc lộ nhiều trạng thái hơn. Thay vì chỉ “bình luận”, “like” và “share”, mạng xã hội này tăng thêm các dạng tương tác như “đọc”, “impact”, “xem”, “retus”, “trở thành Fan”.

Ngoài ra, VCCorp cũng đưa ra cam kết các nhà sáng tạo nội dung trên Lotus có nguồn thu từ quảng cáo thông qua việc kết nối với mảng quảng cáo hiện có của nhà cung cấp dịch vụ. 

Theo ông Nguyễn Thế Tân, Tổng giám đốc VCCorp, số tiền đầu tư 1.200 tỷ đồng sẽ giúp Lotus duy trì hoạt động từ khoảng 2 đến 3 năm nếu không có doanh thu. Ông Tân cho hay nếu có 3 đến 4 triệu user sử dụng thường xuyên thì một năm doanh thu của Lotus được một vài trăm tỷ là “trong tầm tay”.

Sau khi ra mắt bản beta dùng thử từ ngày 16/9, khoảng 6 tháng hoàn thiện sản phẩm, VCCorp sẽ công bố bản chính thức của Lotus.

“Làn sóng” mạng xã hội nội địa

Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, tính đến thời điểm hiện tại, 455 mạng xã hội trong nước đã được cấp phép, trong đó cấp mới 6 tháng đầu năm 2019 là 48 giấy phép.

Tháng 7/2019, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng nói đã tới lúc ngành công nghiệp CNTT của Việt Nam phải tạo ra những mạng xã hội “made in Vietnam”, có khả năng cạnh tranh và thay thế Facebook, Google. Mạng xã hội này sẽ đáp ứng 3 tiêu chí, gồm chia sẻ giá trị với người dùng, cho phép người dùng đóng góp và tuân thủ pháp luật quốc gia.

Chỉ tính riêng trong năm 2019, hàng loạt mạng xã hội được công bố ra mắt, đi vào hoạt động, bất kể trước đó nhiều dự án đã thất bại do khả năng cạnh tranh lớn của Facebook.

Ngày 10/6, mạng xã hội Hahalolo ra mắt, mục tiêu đạt 2 tỷ người dùng tại Việt Nam và quốc tế đến năm 2024. Hahalolo thiên về du lịch với giao diện tích hợp mô hình dịch vụ du lịch trực tuyến và thương mại điện tử.

Theo đánh giá của các chuyên gia trong ngành, các tính năng của Hahalolo còn khá sơ sài. Do thường xuyên tổ chức các buổi hội thảo, mạng xã hội này còn dính nghi vấn huy động vốn theo hình thức đa cấp.

Ông Nguyễn Văn Hạ, Tổng giám đốc Hahalolo khẳng định dự án này không phải là đa cấp, “mà là muốn dùng sức mạnh tài chính cộng đồng để phát triển cộng đồng”. Tại các buổi hội thảo, công ty đưa ra các gói cho nhà đầu tư chọn lựa, đó là sự hợp tác đầu tư chứ không phải là kinh doanh đa cấp.

Ngày 11/6, Ban Tuyên giáo trung ương khai trương Hệ thống thông tin điện tử tuyên giáo (VCNET), là sản phẩm phối hợp giữa Ban Tuyên giáo trung ương và Tập đoàn Viettel.

Theo thông tin quảng bá, thông qua hệ thống này, các lãnh đạo và cán bộ ngành tuyên giáo có thể truy cập đến tất cả các ứng dụng, một lần đăng nhập duy nhất cho tất cả các công việc, có khả năng tương tác qua web hoặc smartphone (Android, iOS).

“VCNET là mạng xã hội để chia sẻ, trao đổi, tuyên truyền về các chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước và phản bác các thông thông tin sai trái”, Phó ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Thanh Long nói. VCNET có các tính năng để người dùng đăng tải các bài viết, hình ảnh cá nhân, cũng như kết bạn, trao đổi với những người dùng khác.

Ngày 22/7, mạng xã hội Gapo ra mắt sau hơn 4 tháng đầu tư, đặt kỳ kỳ vọng sẽ có 20 triệu người dùng vào năm 2021. Gapo có nhiều điểm tương đồng với Facebook, cho phép người dùng tạo hồ sơ cá nhân, tải video, tải ảnh và đăng tải nhận xét theo phong cách “news feed”.

Chỉ vài giờ sau khi ra mắt, trang mạng này đã vướng nhiều lỗi kỹ thuật khi người dùng mới không thể truy cập, tạo tài khoản mới hay đăng bài, chia sẻ bài viết. Ngay sau đó, Gapo ra thông báo tạm ngưng toàn bộ hệ thống để nâng cấp và sửa lỗi.

Trong một sự kiện được tổ chức ngày 15/9 – trước một ngày khi Lotus ra mắt, đại diện Gapo tuyên bố mạng xã hội Gapo đã cán mốc 2 triệu người dùng, trong đó có trên 1 triệu người dùng thuộc nhóm tuổi học sinh trung học và sinh viên.

Các mạng xã hội hiện khá phổ biến ở Việt Nam như Zalo của VNG, Mocha của Viettel. Một số thất bại, phải chuyển hướng hoạt động như Go.vn của VTC (chuyển thành trang tin tổng hợp), Zing Me của VNG (chủ yếu dùng để làm kênh phân phối ứng dụng và game), Yume của VON (chuyển thành trang tin tổng hợp)…

Tạp chí Nikkei Review trích nguồn tin từ giới quan sát CNTT nhận xét rằng Luật an ninh mạng được áp dụng từ đầu năm 2019 đã tạo điều kiện cho sự phát triển của các mạng xã hội “made in Vietnam”.

Luật này đòi hỏi các công ty nước ngoài hoạt động trong lĩnh vực viễn thông, dịch vụ trực tuyến và nội dung trực tuyến tại Việt Nam phải đặt văn phòng và máy chủ tại Việt Nam và lưu trữ dữ liệu trong nước. Điều này được cho là sẽ đẩy các tập đoàn công nghệ rời thị trường Việt Nam, trong khi các mạng xã hội địa phương được khuyến khích hoạt động.

Facebook hiện vẫn là mạng xã hội phổ biến nhất tại Việt Nam. Theo Statista, tính đến giữa tháng 7/2019, Việt Nam đứng thứ 7 trong top 10 nước sử dụng Facebook nhiều nhất với 58 triệu người dùng.

Minh Tâm – Nguyễn Quân

Xem thêm: