Lâu nay có thể tiền điện tử vẫn chưa phải là ưu tiên hàng đầu trong danh mục cần quan tâm của các chuyên gia bảo hiểm tai nạn cũng như các nhà quản lý rủi ro và lợi ích. Tuy nhiên đã đến lúc các công ty bảo hiểm cần cân nhắc đến loại hình tài sản này.

Xu hướng này chủ yếu phát sinh từ nhu cầu ngày càng tăng trong tiêu dùng và thương mại đối với tất cả các loại tiền điện tử, bao gồm các công cụ thanh toán như Bitcoin, Ethereum và Dogecoin, cũng như những công cụ khác.

Ví dụ, theo một cuộc khảo sát gần đây với 1.500 người trưởng thành tại Mỹ được thực hiện bởi công ty Survey Monkey: “Phần lớn [người được khảo sát] có kế hoạch sẽ mua nhiều tiền điện tử hơn trong 3 tháng tới.” Ngoài ra, cùng với việc Tesla tuyên bố chi 1,5 tỷ đô la để mua Bitcoin và có ý định chấp nhận tiền điện tử như một loại hình thanh toán, giá trị của đồng tiền này đang được nâng lên một cấp độ cao hơn.

>>Bitcoin liên tục đạt mức cao mới, từng vượt mốc 60.000 USD

Nhu cầu ngày càng gia tăng đã và đang định hình lại thị trường bảo hiểm tiền điện tử, vốn đang hoạt động một cách không ổn định.

“Mặc dù thị trường tiền điện tử đang tăng vọt lên một tầm cao mới, nhưng lĩnh vực bảo hiểm tiền điện tử vẫn còn kém xa.”, ông Chris Abrams, một chuyên gia bảo hiểm đã được chứng nhận và là người sáng lập công ty dịch vụ bảo hiểm và tài chính Abrams Insurance Solutions tại San Diego cho biết: “Thị trường tiền điện tử toàn cầu gần đây đã vượt qua ngưỡng 1 nghìn tỷ đô la, nhưng chỉ có khoảng 5 tỷ đô la bảo hiểm tiền điện tử được cung cấp”.

Ông Abrams nói. “Khoảng cách này có thể tiếp tục gia tăng khi các nhà đầu tư đã trở nên thoải mái hơn với tiền điện tử nhưng những nhà cung cấp dịch vụ bảo hiểm vẫn còn ngại rủi ro với thị trường đầy biến động này.”

Mặc dù tình hình hiện tại chưa thể hiện được tiềm năng của lĩnh vực bảo hiểm tiền điện tử, nhưng viễn cảnh tương lai có vẻ sẽ tươi sáng hơn – đặc biệt là đối với lĩnh vực bảo hiểm tài sản và tai nạn.

“Tiền điện tử có tiềm năng trong việc cách mạng hóa lĩnh vực bảo hiểm tài sản và tai nạn.”, ông Abrams nhận định: “Một rào cản lớn đối với lĩnh vực này là việc nhập các yêu cầu đòi bồi thường một cách thủ công. Các nhà cung cấp dịch vụ bảo hiểm phải xử lý những yêu cầu bồi thường theo cách thủ công và đó không chỉ là một quá trình tẻ nhạt mà còn có thể dẫn đến sai sót.”

Ông nói thêm: “Công nghệ blockchain có khả năng đẩy nhanh quy trình này và hạn chế những sai sót xảy ra khi xử lý các yêu cầu bảo hiểm. Ngoài ra, các chương trình hợp đồng thông minh cũng có thể giúp tự động hóa và tăng tốc quy trình.”

Tài chính phi tập trung (DeFi) – khái niệm mới trong ngành bảo hiểm

Phân khúc thị trường bảo hiểm về tài sản và tai nạn – hoặc bất kỳ lĩnh vực bảo hiểm nào khác – không nhất thiết sẽ bùng nổ với các gói bảo hiểm mới liên quan đến tiền điện tử.

Ông Jacob Decker, giám đốc của tổ chức tài chính Woodruff Sawyer, một công ty môi giới bảo hiểm độc lập đã hoạt động hơn một thập kỷ, có trụ sở tại Seattle, cho biết: “Nhìn chung theo quy định, thị trường bảo hiểm tài sản và tai nạn có nhiệm vụ giải quyết tổn thất của bên thứ nhất (ví dụ: bên bị trộm cắp, tài sản bị phá hủy hoặc hư hỏng, v.v.) hoặc rủi ro của bên thứ ba (ví dụ: bên vướng vào kiện tụng, tranh chấp do sơ suất, trách nhiệm dân sự, hình sự và trách nhiệm pháp lý).”

Ông nói thêm: “Những doanh nghiệp hoạt động theo cùng một hệ thống luật pháp và khu vực địa lý có các loại rủi ro kinh doanh tương tự nhau. Do đó, tôi không nhất thiết nghĩ rằng sẽ có những sản phẩm ‘bảo hiểm tiền điện tử’ đặc thù mới ra đời.”

Ông Decker đã nhìn thấy rằng việc thay đổi không có nghĩa là phát triển các khái niệm mới về bảo hiểm mà sẽ thiên về việc làm rõ và nâng cấp bản thân các hợp đồng bảo hiểm – và xác định chính xác những gì sẽ được bảo hiểm.

“Việc đó đảm bảo rằng chúng ta đang đề cập đến các khía cạnh cần được bảo hiểm của việc kinh doanh tiền điện tử.”, ông nói: “Khi bạn làm việc với các mô hình kinh doanh mới và với các doanh nghiệp mà một thập kỷ trước đây vẫn chưa tồn tại, có rất nhiều lối tư duy đổi mới được đưa ra để [giải quyết câu hỏi]: “Doanh nghiệp này sẽ cần xem xét điều gì để giảm thiểu và chuyển đổi rủi ro?””

Điều đó nói lên rằng ông Decker thực sự nhìn thấy “rất nhiều đổi mới đang được tiến hành”, cụ thể là trong môi trường tài chính phi tập trung (DeFi), khái niệm này có khả năng nằm ngoài thế giới bảo hiểm tài sản và tai nạn vốn được quản lý một cách truyền thống.  Ông lưu ý: “Đây có thể là một lĩnh vực mà các sản phẩm “tiền điện tử” mới lạ hơn được phát triển.”

Tài chính phi tập trung (thường được gọi là DeFi) là một loại hình tài chính dựa trên công nghệ blockchain, không phụ thuộc vào các trung gian tài chính tập trung như các công ty môi giới, sàn giao dịch hoặc ngân hàng để cung cấp những công cụ tài chính truyền thống, thay vào đó DeFi sử dụng các hợp đồng thông minh trên nền tảng blockchain, trong đó loại phổ biến nhất là Ethereum.

Những thay đổi mới sắp ra mắt vào năm 2021?

Với nhiều hiểu biết hơn về những gì các công ty tiền điện tử và các nhà đầu tư đang cần được đáp ứng, chúng ta sẽ nhìn thấy một bức tranh rõ ràng vào năm 2021.

Ông Decker nói: “Các vấn đề lớn đa phần vẫn giống như trong 2 hoặc 3 năm qua.”. Ông nhận định rằng các hoạt động thị trường quan trọng nhất cần tăng tốc trên 3 phương diện.

Cần một tiếng nói lớn hơn: một trong số những thách thức hàng đầu là công tác đào tạo giúp các bên liên quan như các tập đoàn, nhà hoạch định chính sách, công ty bảo hiểm, chính phủ và các nhà đầu tư hiểu được rủi ro và cơ hội của tiền điện tử. Ông Decker nhận định: “Vài năm qua, đã có rất nhiều tiến bộ trong lĩnh vực này nhưng vẫn còn một chặng đường dài phía trước.”

Cần phải xây dựng hệ thống các quy tắc, quy định một cách cẩn trọng và rõ ràng: việc này đóng vai trò rất quan trọng. Ví dụ, tổ chức Mạng lưới Thực thi Tội phạm Tài chính (FinCEN) của Bộ Ngân khố Hoa Kỳ gần đây đã đề xuất một số quy tắc xung quanh các yêu cầu thu thập dữ liệu gắn liền với nhiệm vụ của họ để bảo vệ hệ thống tài chính khỏi các hoạt động bất hợp pháp.

“Điều đó tạo ra những thách thức đặc biệt đối với tiền điện tử và chắc chắn có thể đe dọa hoặc hạn chế một số loại hình hoạt động nhất định.”, ông Decker nói: “Kết quả là, các công ty hoạt động với hệ thống quy định không rõ ràng sẽ tiếp tục gặp phải những thách thức đáng kể trong việc mua các loại bảo hiểm truyền thống cho đến khi một số ‘quy tắc thực hiện’ được xác định rõ ràng hơn.”

Cần ‘linh hoạt hóa’ thị trường bảo hiểm: cuối cùng, một vấn đề không liên quan trực tiếp đến bảo hiểm tiền điện tử – nhưng có thể ảnh hưởng đến nó – gọi là thị trường bảo hiểm “cứng”. Đây là thị trường nơi người mua phải cạnh tranh với nhau vì các công ty bảo hiểm không có nhiều quỹ cho khách hàng lựa chọn, do đó, các công ty bảo hiểm thường có quyền quyết định họ sẽ cung cấp bảo hiểm cho ai và tránh những trường hợp có rủi ro cao.

“Chi phí bảo hiểm đang tăng lên đối với một loạt các ngành (không liên quan đến tiền điện tử) và các loại sản phẩm bảo hiểm, do nhiều năm gặp phải thách thức về tình trạng ‘gia tăng tổn thất’ (loss development – khoản chênh lệch giữa số tiền tổn thất ở thời kỳ đầu và số tiền tổn thất ở thời kỳ cuối)”, ông Decker cho biết: “Điều này có nghĩa là so với nhiều năm trước đây, dịch vụ bảo hiểm thương mại trong điều kiện thị trường hiện tại đắt đỏ hơn và khó đảm bảo hơn cho tất cả người mua.”

Việc bổ sung loại hình bảo hiểm tiền điện tử, được coi là “rủi ro cao” và cũng chưa có nhiều người hiểu biết về dịch vụ này. Việc này có thể tạo ra nhiều thách thức hơn nữa cho ngành bảo hiểm. Ông Decker nói thêm: “Bạn không có một môi trường vĩ mô tối ưu mà có thể khiến các nhà quản lý bảo hiểm đẩy mạnh vào những lĩnh vực mới và phát triển các giải pháp phù hợp cho một ngành công nghiệp tiền điện tử vẫn đang trong giai đoạn phát triển.”

“Các chu kỳ trên thị trường bảo hiểm vẫn cứ xoay vòng, tuy nhiên việc ‘linh hoạt hóa’ thị trường này sẽ là một sự phát triển đáng hoan nghênh để cung cấp dịch vụ bảo hiểm cho ngành công nghiệp tiền điện tử.”

Vy An (Theo Newsmax)

Xem thêm: