Hoạt động đón Tết vấp phải nhiều vướng mắc vì chính sách phòng dịch khác nhau tại các địa phương, chi phí vật tư nông nghiệp tăng cao, đến thời điểm này vẫn chưa có thương lái đặt hàng… khiến thị trường hoa Tết năm nay đứng trước nhiều nỗi lo.

baodongthap.vn
Ảnh: người dân chăm sóc hoa Tết (Nguồn: baodongthap.vn)

Theo nhiều nông dân trồng hoa cho biết, thị trường năm nay nguồn cung giảm mạnh do diện tích trồng hoa Tết thu hẹp đáng kể. Tuy nhiên, sức mua năm nay chưa biết sẽ ra sao, một phần vì thời điểm này thương lái và đầu mối tiêu thụ hoa Tết vẫn chưa dám mạnh tay đặt mua hàng. Ngoài ra, tình hình vui chơi đón Tết vẫn chưa biết có nhộn nhịp trở lại hay không vì tâm lý lo ngại dịch bệnh, bị đưa đi cách ly, khiến thị trường năm nay rất khó dự đoán.

Đại diện vườn hoa Ngọc Thắng (quận 12, TP.HCM) cho biết: “Mọi năm thời điểm này các mối lái thu mua đã liên hệ hỏi thăm, thậm chí đặt cọc trước nhưng năm nay vẫn chưa thấy đâu. Nhiều người mua cho biết tầm 23, 24 tháng chạp mới vào xem hoa và tùy theo nhu cầu để mua, chứ không dám bao tiêu trước”. Hiện tại lượng hoa tại vườn khoảng 10.000 chậu, chỉ bằng phân nửa năm ngoái, chủ yếu vẫn là hoa cúc, còn lại hướng dương, mào gà năm nay trồng khá hạn chế, theo báo Tuổi Trẻ đưa tin.

Tương tự, với hơn 8.000 chậu hoa các loại trồng để bán Tết, trong đó hoa cúc chiếm khoảng 5.000 chậu, bà Trịnh Thị Kim Lan (phường Thới An, quận 12) cho biết, hoa cúc được trồng nhiều hơn do dễ tiêu thụ hơn so với hướng dương, mào gà… Không chỉ lo lắng về sức mua, bà Lan cho biết chi phí đầu vào tăng 20 – 30% so với năm ngoái nên nhiều nông dân ngại đầu tư.

Là hộ trồng hoa lâu năm ở làng hoa Bà Bộ, ông Trần Tuấn Quang cho biết, mùa Tết năm nay người dân bỏ nghề rất nhiều. “Đợt dịch COVID-19 cả thành phố Cần Thơ áp dụng Chỉ thị 16, người dân lỡ xuống giống hoa, tới khi cây bị sâu bệnh, không ra đường mua thuốc được rồi bỏ luôn, mất trắng. Đến nay nhiều gia đình không tái sản xuất được nữa. Những hộ ráng bám nghề thì cũng không dám bung ra làm như mọi năm”, ông chia sẻ trên báo Thanh Niên.

Ông Huỳnh Quang Tĩnh (ấp Tân Lợi, xã Tân Quy Tây, TP. Sa Đéc) kể ông chỉ trồng hơn 700 chậu cúc Đài Loan, vạn thọ, hướng dương… giảm hơn 800 chậu hoa các loại so với tết năm rồi. “Không chỉ khó khăn vì dịch bệnh, thời tiết năm nay mưa nhiều cũng khiến chi phí phân thuốc xử lý hoa tăng gấp đôi. Nhưng bà con ai cũng hồi hộp là đến thời điểm này chưa có thương lái hỏi mua hoa, trong khi tầm này năm ngoái họ đến hỏi mua rất nhiều”, ông Tĩnh lo lắng.

Hộ trồng mai kiểng nổi tiếng ở Vĩnh Long của ông Trương Văn Phúc Em cho biết, ông chuẩn bị 50 chậu mai vàng bán tết nhưng vẫn vừa chăm sóc vừa chờ đợi. “Dịch bệnh thế này, nhà vườn trồng mai khó khăn dữ lắm. Tết chuẩn bị đi chợ khoảng 40 – 50 cây, nhưng không biết chợ có cho bán không…”, ông Phúc Em nói.

Ông Lê Văn Tý, Chủ tịch HĐQT Hợp tác xã làng nghề mai vàng Phước Định, cho biết: “Bà con trong hợp tác xã không dám chuẩn bị nhiều vì vô chậu cây sẽ mất sức, chỉ chuẩn bị khoảng 300 chậu thôi, có gì bán trong tỉnh chứ không dám đi xa”, ông Tý cho biết thêm.

Bộ trưởng Bộ Công thương, ông Nguyễn Hồng Diên lý giải một số nguyên nhân khiến giá vật tư nông nghiệp tăng cao trong thời gian qua:

  • Phân bón không thuộc danh mục chịu thuế VAT. Do vậy, nguyên vật liệu đầu vào không được khấu trừ thuế, làm tăng giá thành sản phẩm.
  • Giá nguyên liệu đầu vào (chủ yếu nhập khẩu) và chi phí vận tải, logistics vì giãn cách xã hội tăng cao.
  • Nhu cầu tiêu thụ mặt hàng phân bón của thế giới tăng cao do đứt gãy chuỗi cung ứng.

Quang Minh (t/h)

Xem thêm: