Bộ Công Thương dự báo nhu cầu cung thịt lợn trong tháng 12/2019 và tháng 1/2020 khoảng 600.000 tấn, cao gấp 3 lần con số do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đưa ra vào cuối tháng 11. 

thịt lợn, dịch tả lợn
Việt Nam đang nhập khẩu thịt lợn nhiều nhất từ Ba Lan, đến Pháp, Đức, Mỹ. Tổng lượng thịt lợn nhập khẩu trong tháng 10 cao hơn cả năm 2018, song Bộ Công thương dự báo lượng thịt nhập khẩu sẽ không đủ tiêu dùng. (Ảnh: Shutterstock)

Về tình hình giá thịt lợn và công tác bình ổn tháng cuối năm, Bộ Công thương cho biết xét về tổng thể, dịch tả lợn châu Phi đã khiến cơ cấu tiêu dùng thay đổi, giảm 380.000 tấn (tương đương gần 10%) so với năm ngoái.

Trong 10 tháng năm 2019, Việt Nam đã nhập khẩu 96.000 tấn thịt lợn với tổng trị giá hơn 108 triệu USD, tăng 101,7% về lượng và tăng 94,9% về trị giá so với cùng kỳ năm trước.

Năm 2018, lượng thịt lợn nhập khẩu là 14.295 tấn với tổng giá trị 23,625 triệu USD. Năm 2017, nhập khẩu là 6.332 tấn thịt lợn với giá trị 10,6 triệu USD. Theo đó, lượng thịt lợn nhập khẩu trong 10 tháng năm 2019 cao gấp 6,7 lần so với cả năm 2018, gấp 15 lần so với năm 2017.

Trong tháng 10, Việt Nam đã nhập khẩu khoảng 17.000 tấn thịt lợn. Sản phẩm nhập khẩu chủ yếu là thịt cắt miếng, chân giò, móng giò… từ các nước Ba Lan, Pháp, Đức, Mỹ.

Bộ Công thương cho hay theo thông lệ, nhu cầu thịt lợn dự báo sẽ tăng cao trong dịp cuối năm và Tết Nguyên đán, tăng cao nhất trong tháng 1/2020. Bộ này cho biết do giá quá đắt nên dự báo nhu cầu tiêu dùng những tháng cuối năm sẽ giảm nhẹ khoảng 5-10% so với năm 2018. Tuy nhiên, nhu cầu thịt lợn vẫn sẽ ở mức cao, khoảng 300.000 – 320.000 tấn/tháng. Theo Bộ này, lượng thịt nhập khẩu chưa đủ bù được lượng thiếu hụt và chủng loại thịt có nhu cầu tiêu dùng trong dịp Tết.

Ngoài nguyên nhân do ảnh hưởng dịch tả lợn châu Phi, không thể tái đàn tại vùng dịch, Bộ Công Thương cho rằng việc kiểm soát dịch bệnh, hạn chế lưu thông giữa các địa phương đã làm mất cân đối cung cầu cục bộ, đẩy giá tăng cục bộ ảnh hưởng chung tới thị trường. Ngoài ra, một bộ phận người chăn nuôi, nhà sản xuất giữ hàng chưa bán để chờ giá tăng cao hơn cũng đẩy giá lên.

Hiện tại, Bộ Công Thương dự báo nhu cầu cung thịt heo trong tháng 12/2019 và tháng 1/2020 khoảng 600.000 tấn. Theo đó, lượng thịt thiếu hụt dịp cuối năm và Tết Nguyên đán dự báo đang cao hơn gấp 3 lần con số do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đưa ra vào cuối tháng 11 là 200.000 tấn.

Theo Vụ thị trường trong nước (Bộ Công Thương), từ tháng 6/2019, giá thịt lợn có xu hướng tăng dần, tăng mạnh nhất từ cuối tháng 10 đến nay. Hiện giá lợn hơi đang ở mức rất cao, dao động từ 80.000 – 90.000 đồng/kg, giá thịt lợn thành phẩm có nơi đã lên tới từ 160.000 – 180.000 đồng/kg.

Nguyễn Sơn

Xem thêm: