Bộ Công thương Việt Nam đang xây dựng dự thảo cơ chế giá điện mặt trời áp mái mới. Theo đó, giá điện dự kiến sẽ giảm chỉ còn 5,2 – 5,8 cent/kWh.

dien mat troi ap mai
Giá điện mặt trời áp mái dự kiến giảm còn 5,2 – 5,8 cent/kWh. (Ảnh: moit.gov.vn)

Trước đó, Chính phủ Việt Nam có quyết định số 13 về “Cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời áp mái”.

Theo đó, giá mua điện từ dự án điện mặt trời áp mái là 8,38 cent một kWh (tương đương 1.943 VNĐ/kWh), kéo dài trong 20 năm với các dự án đấu nối, vận hành thương mại trước 31/12/2020. Đây là mức giá cao nhất trong các loại hình đầu tư điện mặt trời (gồm điện mặt trời mặt đất, điện mặt trời nổi).

Cơ chế này đã kéo theo hàng loạt những hệ lụy như: người dân ồ ạt lắp nhưng không bán được; lưới điện sinh một số khu vực quá tải; chất lượng thiết bị khó kiểm soát; khó khăn trong việc quy hoạch và phát triển đồng bộ lưới điện ở các vùng miền; tạo điều kiện để nhiều người lách luật; tình trạng nhập pin giả kém chất lượng tràn lan; nguy cơ ô nhiễm môi trường từ pin mặt trời…

Trước tình trạng trên, hồi tháng 12/2020, EVN đã phát đi thông báo dừng tiếp nhận, giải quyết các yêu cầu về đấu nối và ký hợp đồng mua bán điện từ các hệ thống điện mặt trời áp mái phát triển sau ngày 31/12/2020 với lý do “mô hình, quy mô và giá mua bán điện tương ứng cho từng loại hình điện mặt trời áp mái vẫn đang được Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công thương) nghiên cứu”.

Đến nay, Bộ Công thương đang xây dựng dự thảo cơ chế giá điện mặt trời áp mái mới.

Theo đó, dự kiến, giá điện mặt trời áp mái sẽ giảm từ 8,38 cent/kWh xuống chỉ còn 5,2 – 5,8 cent/kWh (tương đương giảm gần 30%) với từng loại công suất dự án.

“Mức giá được xây dựng trên cơ sở cơ quan tư vấn nước ngoài nghiên cứu, đánh giá về sự thay đổi, phát triển của năng lượng tái tạo, giá thiết bị điện mặt trời ở Việt Nam và trên thế giới.

Đồng thời dựa trên các tính toán từ chi phí đầu tư, chi phí vận hành sửa chữa của hệ thống điện, chi phí lắp đặt, tính cả chi phí vay vốn, chi phí đấu nối và đời sống của dự án trong vòng 20 năm”, tờ Lao động dẫn lời ông Hoàng Tiến Dũng – Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo.

Đáng chú ý, dự thảo cũng quy định tỷ lệ tự dùng của các dự án này. Các bên mua lại điện từ các dự án cũng chỉ mua tối đa 80% sản lượng điện phát, còn lại phía nhà sản xuất phải cam kết sử dụng. Dự kiến, dự thảo này sẽ trình Chính phủ trong tháng 3/2021.

Với mức giá mới dự kiến, TS Nguyễn Duy Khiêm (Đại học Quy Nhơn) nhận định, nhiều gia đình từng vay tiền để đầu tư làm điện mặt trời áp mái sẽ phải chịu áp lực không nhỏ để trả vốn và lãi cho ngân hàng.

“Một dự án với thời gian dự kiến trước đây hoàn vốn tầm 5 năm, nay phải lên 8 – 10 năm. Người dân sẽ vô cùng mệt mỏi vì nó kéo dài lê thê”, ông Khiêm nói trên tờ Thanh Niên.

Chuyên gia năng lượng tái tạo Trần Văn Bình, thành viên Hội đồng năng lượng tái tạo thế giới, nhận xét chính sách về phát triển điện mặt trời áp mái của Việt Nam khá bất nhất và thay đổi quá nhanh. Tuổi thọ của một chính sách quá ngắn, từ khuyến khích phát triển ồ ạt, rồi quá tải, dẫn đến không tải điện lên được, rồi giảm cấp phép. Đến nay, giải pháp tiếp theo để hạn chế phát triển ồ ạt là siết về giá. Việc này sẽ “gây thiệt thòi cho các nhà đầu tư điện trên mái nhà xưởng”, ông Bình nói.

Tính đến hết 31/12/2020, theo EVN, đã có tới 101.029 công trình điện mặt trời áp mái được đấu nối vào hệ thống điện với tổng công suất lắp đặt gần 9.300 MWp (công suất phát trong điều kiện tối ưu).

Ông Nguyễn Đức Ninh, Giám đốc Trung tâm điều độ hệ thống điện quốc gia cho biết, trong năm 2021 sẽ cắt giảm khoảng 1,3 tỷ kWh năng lượng tái tạo do sự tăng trưởng đột biến, thay vì con số 365 triệu kWh như trong năm 2020 (gấp 3,56 lần). Trong đó, có hơn 500 triệu kWh do vấn đề thừa nguồn vào các thời điểm trưa, quá tải đường dây 500KV.

Hoàng Minh

EVN dừng ký hợp đồng mua bán ‘điện mặt trời mái nhà’ sau ngày 31/12