Khu tái định cư Bình Khánh, TP. Thủ Đức (TP.HCM) đã “ngủ đông” 8 năm sau 3 lần đấu giá thất bại, gây lãng phí lớn với gần 3.800 căn hộ không có người ở. Trong khi đó, chính quyền nâng giá khởi điểm của dự án lên 9.900 tỷ đồng ở lần đấu giá thứ ba, tăng thêm 1.100 tỷ đồng so với lần đầu chào bán.

khu tai dinh cu binh khanh 3
Khu tái định cư Bình Khánh bỏ hoang 8 năm, lãng phí gần 3.800 căn hộ không có người ở. (Ảnh chụp màn hình video: antv.gov.vn)

Thông tin dự kiến chào bán lần thứ tư Khu tái định cư (TĐC) Bình Khánh, TP. Thủ Đức được dư luận quan tâm khi dự án này dù đã hoàn thành vào năm 2015 nhưng đến nay vẫn bỏ hoang gần 3.800 căn hộ, gây lãng phí rất lớn trong khi nhiều người dân có nhu cầu mua căn hộ giá thấp.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA cho biết lần đầu tiên thành phố đưa ra đấu giá là năm 2017, với mức giá khởi điểm là 8.800 tỷ đồng nhưng không đơn vị nào tham gia, theo Tạp chí Đầu tư Tài chính.

Đến năm 2018, đấu giá lần thứ 2 với mức giá khởi điểm 9.100 tỷ đồng và lần thứ 3 vào năm 2019 với giá khởi điểm 9.900 tỷ đồng. Nhưng cả 3 lần đều không thành công.

Theo ông Châu, doanh nghiệp không tham gia vì các khu TĐC xuống cấp nhiều nên khi mua về đầu tư sửa chữa kinh phí còn nhiều hơn xây dựng mới. Ngoài ra, nếu chuyển sang nhà ở thương mại thì chủ đầu tư phải đóng thêm tiền sử dụng đất nên họ không mặn mà.

Bên cạnh đó, do số lượng căn hộ đưa ra một lần cho nhà đầu tư mua như vậy là quá lớn, không có nhiều doanh nghiệp đủ năng lực tài chính tham gia. Đó là chưa kể, mức giá căn hộ tái định cư được đưa ra cao so với chất lượng của công trình.

Đáng nói là dự án đã bị bỏ hoang trong thời gian dài (gần 8 năm), khó tránh khỏi tình trạng xuống cấp và cần bảo trì, bảo dưỡng mới có thể vận hành đưa vào sử dụng. Điều này có thể tạo rào cản tâm lý cho khách mua, phần diện tích khối đế thương mại cũng khá lớn và giá cao, không dễ để tìm nhà đầu tư mua lại.

Về phương thức, khi tham gia đấu giá phải đặt cọc trước 20% giá khởi điểm. Nếu trúng đấu giá, trong vòng một tháng phải nộp 50% giá trị trúng đấu giá (bao gồm 20% đã đặt cọc trước đó), 50% còn lại trong vòng 90 ngày phải thanh toán đủ thì các nhà đầu tư tổ chức khó sắp xếp vốn để tham gia.

Tại TP.HCM, hiện có khoảng 9.430 căn hộ và một số được quản lý để chờ bán đấu giá, số khác chờ sắp xếp tái định cư. Việc quản lý, bảo trì những căn hộ này rất tốn kém, theo báo Tuổi Trẻ.

Tuy vậy, giá cả căn hộ tái định cư nhiều nơi cũng cao chót vót, người lao động thu nhập thấp không đủ tiền mua.

Về vấn đề này, bạn đọc Dân bình luận trên tờ Tuổi Trẻ: “Nếu thông qua quy định căn hộ chung cư chỉ được sử dụng tối đa 50 năm tính từ thời điểm xây chung cư, vậy thì mấy căn hộ này xây từ khi nào? Thời hạn sử dụng còn bao nhiêu năm?

Cái chung cư đã xây 20 năm thì người mua chỉ được phép sử dụng 30 năm thôi, thì chả khác nào đi ở trọ dài hạn cả. Nếu bán thì bán giá bằng 1/2 hoặc 1/3 giá thị trường thì may ra có người quan tâm, còn muốn giá bằng chung cư mới thì chả ai thèm mua đâu. Đợi thêm tầm 20 năm nữa thì mấy căn này chỉ có nước đem cho thuê giá rẻ chứ chả ai dám mua cả.”

binh luan4
Ảnh chụp màn hình: Tuoitre.vn

Còn tài khoản Minh Cảnh nhận định: “Mức giá khởi điểm quá cao so với thực tế những căn hộ tái định cư, chất lượng thấp và đã để trống nhiều năm. Thế này thì vô cùng lãng phí nguồn lực nhà nước, lãng phí tiền của tiền thuế của dân vì “giá cao nhưng chất lượng thấp”. Đây là điều không ai có thể chấp nhận được.”

bih luan
Ảnh chụp màn hình: Tuoitre.vn

Độc giả Nguyen cho rằng: “Chính quyền đặt mục tiêu bán giá hợp lý cho người dân có nhu cầu chứ đừng nên suy nghĩ theo kiểu bán được giá cao nhất”.

Tại huyện Bình Chánh (TP.HCM), khu TĐC Vĩnh Lộc B thuộc “Chương trình chỉnh trang đô thị” cũng bị bỏ hoang từ nhiều năm nay. Các hạng mục như: tường, lan can… bị bong tróc, xuống cấp, khuôn viên xung quanh cỏ mọc khắp nơi. Đến nay vẫn còn gần 1.600 căn hộ để trống.

Tuấn Minh