Theo Bộ Công thương Việt Nam, hiệu quả và chuyển giao công nghệ từ các doanh nghiệp FDI ở mức thấp hơn nhiều so với các nước trong khu vực, trong khi tỷ lệ vốn FDI trong công nghiệp ở mức cao nếu so với nhiều nước khác. Có đến 76% thiết bị máy móc, dây chuyền công nghệ của các doanh nghiệp công nghiệp Việt Nam nhập từ nước ngoài từ những năm 1960-1970…

cong ty may vung tau
Một xưởng may gia công tại Vũng Tàu, tháng 12/2020. Hiện 60% trong ngành dệt may Việt Nam theo phương thức CMT (cắt-may-hoàn thiện), chỉ 5% theo phương thức ODM (ra mẫu, hoàn thiện mẫu, đặt may). (Ảnh minh họa: Dong Nhat Huy/Shutterstock)

Tại dự thảo báo cáo “Đánh giá thực trạng thi hành chính sách pháp luật  và thực trạng phát triển công nghiệp” (nằm trong hồ sơ xây dựng Luật Phát triển công nghiệp), Bộ Công thương công bố hiện nay, phần lớn doanh nghiệp công nghiệp Việt Nam vẫn đang sử dụng công nghệ tụt hậu so với mức trung bình của thế giới từ 2-3 thế hệ.

Trong đó, có đến 76% thiết bị máy móc, dây chuyền công nghệ nhập từ nước ngoài thuộc thế hệ những năm 1960-1970, 75% số thiết bị đã hết khấu hao, 50% thiết bị được tân trang lại.

Về cơ cấu, tỷ trọng giá trị sản xuất công nghiệp ngành chế biến, chế tạo, công nghệ thấp và trung bình chiếm đến hơn 60%. Tỷ trọng công nghệ cao trong các doanh nghiệp nhà nước ngành công nghiệp chế biến, chế tạo ở mức thấp và ngày càng giảm, trong khi tại các doanh nghiệp FDI ngày càng tăng.

Theo Bộ Công thương, dù công nghệ, thiết bị phục vụ sản xuất lạc hậu nhưng các doanh nghiệp công nghiệp, gồm cả những doanh nghiệp nhà nước lớn cũng chưa thực sự quan tâm đầu tư thỏa đáng cho đổi mới công nghệ, cũng như không có khả năng, không đủ nguồn lực đầu tư cho công nghệ. Tỷ lệ đầu tư đổi mới công nghệ của các doanh nghiệp Việt Nam là dưới 0,5% doanh thu (trong khi Ấn Độ là 5%, Hàn Quốc 10%). Tỷ lệ đổi mới máy móc, thiết bị hàng năm chỉ đạt khoảng 10% trong 5 năm vừa qua (các nước khác trong khu vực tỷ lệ tương ứng là 15-20%).

“Với thực trạng trình độ công nghệ và hoạt động đổi mới công nghệ như vậy, các doanh nghiệp nước ta chưa đủ năng lực để sản xuất các sản phẩm có giá trị gia tăng và khả năng cạnh tranh cao”, Bộ Công thương nhận định.

Trình độ cơ khí chế tạo (là trụ cột của sản xuất công nghiệp), đặc biệt là cơ khí chính xác, của Việt Nam còn lạc hậu so với nhiều nước từ 2-3 thế hệ. Bộ này cho hay tại các doanh nghiệp công nghiệp của Việt Nam, có đến 60-70% ở trình độ công nghệ những năm 1950 (dùng máy công cụ chạy bằng động cơ điện, điều khiển gia công do công nhân thực hiện), chỉ có 20-30% ở trình độ công nghệ sử dụng máy công cụ điều khiển bằng máy tính (CNC) và máy công cụ điều khiển số (NC) song chủ yếu sử dụng máy điều khiển số ở trình độ những năm 1950-1960.

Tỷ lệ máy móc được điều khiển bằng máy tính thấp. Ngành cơ khí chưa làm chủ được công tác thiết kế đối với các dự án công nghiệp có độ phức tạp cao như nhà máy nhiệt điện, alumin, dầu khí, hóa chất, lọc hóa dầu…

Bộ Công thương cho hay phần lớn các mặt hàng công nghiệp của Việt Nam có hàm lượng công nghệ thấp, ngoại trừ hàng điện tử chủ yếu do khu vực FDI nắm giữ. Trong khi tỷ lệ vốn FDI trong công nghiệp ở mức cao nếu so với nhiều nước khác, hiệu quả và chuyển giao công nghệ từ các doanh nghiệp FDI ở mức thấp hơn nhiều so với các nước trong khu vực.

Ngay cả với nhóm doanh nghiệp liên kết với các doanh nghiệp FDI, hiện nay, Việt Nam chủ yếu tham gia vào khâu gia công, lắp ráp có giá trị gia tăng thấp (ngành dệt may: 60% theo phương thức CMT, 35% theo phương thức FOB, 5% là ODM; Ngành điện tử chủ yếu là lắp ráp, gia công sản phẩm).

Chưa kể, Việt Nam nhập khẩu hầu hết nguyên, vật liệu đầu vào cho các ngành công nghiệp xuất khẩu (các ngành công nghiệp xuất khẩu chủ lực như dệt may, da giầy, điện tử đang nhập khẩu hơn 90% nguyên liệu) nên phụ thuộc rất lớn vào biến động của cung cầu thị trường thế giới, đặc biệt là các biến động về giá, dẫn đến giá trị gia tăng tạo ra trong nước thấp.

Ngoài tỷ trọng nhập khẩu tư liệu sản xuất trong tổng giá trị hàng hóa nhập khẩu ngày càng tăng, từ 88,6% năm 2011 lên 91,1% vào năm 2015, 91,2% vào năm 2019 và ước tăng 91,5% vào năm 2020, thị trường đầu vào của các ngành công nghiệp Việt Nam đang phụ thuộc quá lớn vào một số khu vực thị trường nhập khẩu như Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan…

Một tồn tại khác của nền công nghiệp Việt Nam là thiếu sức hút để tạo ra sự dịch chuyển cơ cấu lao động, chất lượng, năng suất lao động ngành công nghiệp còn thấp, có khoảng cách khá xa so với các nước khác

Theo dự thảo báo cáo, năng suất lao động của Nhật Bản cao gấp 39 lần của Việt Nam, Singapore cao gấp 26 lần, Hàn Quốc cao gấp 16 lần và Trung Quốc cao gấp 2 lần. So với các nước đang phát triển trong khu vực thì Malaysia cao gấp 6,5 lần, Thái Lan và Philippines cao gấp 1,5 lần năng suất lao động của Việt Nam.

Điều đáng quan ngại là năng suất lao động của các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo thấp hơn rất nhiều so với các phân ngành công nghiệp khác cũng như thấp hơn mức năng suất lao động chung của nền kinh tế. Từ năm 2011-2020, tốc độ tăng năng suất lao động trung bình của Việt Nam ước tăng 5,1% (trong đó, giai đoạn 2011-2015 tăng 4,35%; giai đoạn 2016-2020 ước tăng 5,85%). Tuy nhiên, tốc độ tăng năng suất lao động trong công nghiệp trong giai đoạn này chỉ đạt 2,71%; trong đó, giai đoạn 2016-2020 ước chỉ tăng 1,5%, tăng thấp nhất so với các ngành kinh tế và so với cả giai đoạn 2011-2015 vốn tăng 3,92%).

Vui lòng đọc toàn văn dự thảo báo cáo: Báo cáo tổng kết chính sách và thực trạng.

Nguyễn Minh