Sở Công thương Tp.HCM cho biết Tổng Công ty 28 (Bộ Quốc phòng) đang gấp rút sản xuất 2,5 triệu chiếc khẩu trang vải kháng khuẩn để đáp ứng nhu cầu sử dụng khẩu trang trong giai đoạn hiện nay.

khẩu trang vải kháng khuẩn
Khẩu trang vải kháng khuẩn tại xưởng may của Cty Dệt kim Đông Xuân (Hà Nội). (Ảnh: vinatex.com.vn)

Sở Công Thương TP cho biết qua giới thiệu của Hội Dệt may Thêu đan TP, Sở này đã làm việc với Tổng công ty X28 (Bộ Quốc phòng), là doanh nghiệp có khả năng sản xuất khẩu trang vải kháng khuẩn với khoảng 200.000 khẩu trang/ngày.

Về việc phân phối, cung ứng khẩu trang vải kháng khuẩn ra thị trường, Sở Công Thương đã đề nghị Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại TP.HCM (Saigon Co.op) liên hệ với Tổng công ty X28 để ký hợp đồng phân phối, cung ứng sản phẩm này. Sở này cũng đề nghị Saigon Co.op đăng ký với Tập đoàn Dệt may Việt Nam 5 triệu khẩu trang vải kháng khuẩn để đảm bảo cung ứng cho thị trường TP.

“Tổng Công ty 28 đang gấp rút sản xuất 2,5 triệu chiếc khẩu trang vải kháng khuẩn và Liên hiệp Hợp tác xã thương mại (Saigon Co.op) đã ký hợp đồng tiêu thụ số khẩu trang này. Các doanh nghiệp có nhu cầu mua số lượng lớn để phát cho người lao động có thể liên hệ với Hội Dệt may Thêu đan để đăng ký đặt hàng. Từ số lượng đăng ký của các doanh nghiệp, Hội Dệt may Thêu đan có thể đề nghị các doanh nghiệp trong Hội nâng công suất để đáp ứng nhu cầu thị trường” – ông Nguyễn Phương Đông, Phó Giám đốc Sở Công Thương TPHCM cho biết.

Riêng với khẩu trang y tế, Sở Công thương đã phối hợp Sở Y tế, Sở Tài chính, Cục Quản lý thị trường TP tổ chức khảo sát và làm việc với 20 doanh nghiệp sản xuất khẩu trang.

Theo báo cáo của các doanh nghiệp, năng lực sản xuất khẩu trang của 20 doanh nghiệp là 2.532.000 cái/ ngày. Tuy nhiên, theo ghi nhận của Sở Công Thương, tình hình sản xuất khẩu trang y tế của các doanh nghiệp sẽ không đáp ứng đủ nhu cầu của thị trường (do thiếu nguồn nguyên liệu từ Trung Quốc). 

Do vậy theo hướng dẫn của Sở Y tế, Sở Công Thương đã đề nghị ngành dệt may chỉ đạo các doanh nghiệp có vải kháng khuẩn sản xuất khẩu trang vải sử dụng nhiều lần, đảm bảo hợp quy với các tiêu chuẩn của Bộ Y tế trước khi đưa ra thị trường lưu thông để đáp ứng nhu cầu sử dụng của người tiêu dùng.

Đối với tình trạng thiếu nguyên liệu sản xuất, Sở Công thương TP.HCM cho biết Bộ Công thương báo tin đã chỉ đạo hệ thống tham tán thương mại tại các nước có nguồn nguyên liệu là vải không dệt (như Ấn Độ, Malaysia) để kết nối nhập khẩu nguyên liệu.

Câu hỏi: Vải kháng khuẩn được các doanh nghiệp dệt may Việt Nam sản xuất như thế nào?

Nguyên Viện trưởng Viện Dệt may, TS. Nguyễn Văn Thông cho biết phương pháp chung nhất để có được sản phẩm dệt kháng khuẩn là đưa các chất kháng khuẩn và giữ chúng bền lên (hoặc vào trong) vật liệu dệt trong suốt quá trình sử dụng.

Các chất kháng khuẩn được đưa lên vải thường là những chất diệt khuẩn hoặc ức chế vi khuẩn phát triển. Hiện tại, các chất sử dụng trong sản xuất vải kháng khuẩn chủ yếu là chất diệt khuẩn.

Ngoài ra, chúng ta có thể đưa các chất kháng khuẩn vào dung dịch kéo sợi để tạo ra các loại xơ, sợi nhân tạo và tổng hợp có khả năng kháng khuẩn và độ bền kháng khuẩn cao. Các loại xơ sợi có tính kháng khuẩn bền có thể kể đến các loại xơ từ vixco tre, xơ sợi crabyon (chứa chitosan), và các sản phẩm sợi hóa học có chứa ion bạc, một số oxyt kim loại có đặc tính kháng khuẩn như oxyt kẽm trong sợi crystal I-COOL (talent).

Ưu điểm của phương pháp này là độ bền kháng khuẩn của vải thường được duy trình trong suất quá trình sử dụng vải. Hạn chế của phương pháp này là thời gian sản xuất lâu hơn, không đáp ứng được yêu cầu tức thời của thị trường.

Hiện tại, trên thế giới cũng như tại Việt Nam, việc đưa các chất kháng khuẩn lên vải chủ yếu được thực hiện sau công đoạn tẩy trắng, nhuộm màu hoặc in hoa theo các cách khác nhau: ngấm ép, tráng phủ hoặc phun… Xử lý theo phương pháp này, vải thành phẩm có khả năng diệt tới 90% vi khuẩn sau 1h tiếp xúc và giảm còn 60-70% sau một số lần giặt (sau 10 hoặc 20 lần giặt tùy theo loại chất kháng khuẩn sử dụng). Ưu điểm của công nghệ này là có thể xử lý các lô hàng nhỏ, nhanh và linh hoạt trong việc sản xuất và cung ứng sản phẩm cho khách hàng, phù hợp với yêu cầu cung cấp kịp thời vải kháng khuẩn cho sản xuất khẩu trang vải.

Theo Cổng thông tin điện tử Bộ Công thương (moit.gov.vn)

Sơn Nguyên