Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vừa góp ý về dự thảo Luật nhà ở (sửa đổi) của Bộ Xây dựng về việc không nên quy định thời hạn sở hữu chung cư. Bên cạnh đó, VCCI cho rằng có những quy định khác để bảo đảm an toàn cho người dân khi chung cư cũ, xuống cấp, gây mất an toàn.

bất dộng sản chung cư chung cư cũ bộ xây dựng quy dịnh niên hạn chung cư 1385110967
VCCI cho rằng việc quy định niên hạn chung cư can thiệp đến quyền sở hữu của người dân. (Ảnh: David Bokuchava/Shutterstock)

Bộ Xây dựng đang lấy ý kiến nội dung quy định thời hạn sở hữu chung cư với 2 phương án được đưa ra: Một là bổ sung mới quy định về thời hạn sở hữu nhà xác định theo thời hạn sử dụng của công trình; hai là giữ nguyên thời hạn sử dụng như quy định hiện nay, tức không quy định niên hạn.

VCCI cho rằng việc quy định thời hạn sở hữu nhà chung cư là can thiệp đến quyền sở hữu của người dân nên đề xuất không lựa chọn phương án này. Theo quy định của pháp luật, quyền sở hữu với tài sản được Nhà nước bảo vệ và đảm bảo trong Hiến pháp và Bộ luật Dân sự. Nhà nước chỉ hạn chế quyền sở hữu của người dân trong một số trường hợp đặc biệt để bảo vệ lợi ích công cộng, theo báo Vnexpress.

Bên cạnh đó, mặc dù mục tiêu hướng đến bảo đảm sự an toàn về tính mạng, sức khỏe của người dân, cách thức quy định theo hướng hạn chế quyền sở hữu như tại Dự thảo là chưa phù hợp, trong khi Nhà nước có công cụ khác để đảm bảo mục tiêu này.

Thứ hai là tác động của quy định đến thị trường bất động sản. VCCI cho biết quy định về thời hạn sở hữu nhà chung cư sẽ ảnh hưởng đến tâm lý khách hàng (không muốn mua nhà chung cư với quyền sở hữu bị hạn chế bởi thời hạn), dẫn đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp bị ảnh hưởng vì khó bán sản phẩm.

Do vậy, chính sách này nếu được ban hành, sẽ thúc đẩy người dân tìm mua nhà đất, ít sử dụng chung cư, việc sử dụng quỹ đất nhà ở (vốn rất hạn chế) sẽ theo xu hướng không tiết kiệm và hiệu quả.

Mặt khác, quy định về thời hạn sở hữu chỉ áp dụng cho các chung cư xây dựng kể từ khi Luật này có hiệu lực mà không áp dụng cho chung cư đang sử dụng, điều này có thể khiến cho khách hàng có xu hướng tìm mua chung cư cũ và đẩy giá của chung cư cũ đi lên.

Thứ ba, VCCI nhìn nhận dù không có quy định về thời hạn sở hữu chung cư, Nhà nước vẫn có cách khác để sửa chữa, cải tạo chung cư cũ.

Thứ tư, việc quy định thời hạn sở hữu chung cư sẽ làm phát sinh thêm thủ tục hành chính cho chủ sở hữu căn hộ chung cư.

Theo quy định trong dự thảo, trường hợp nhà chung cư hết thời hạn sở hữu nhưng vẫn còn đủ điều kiện tiếp tục được sử dụng, chủ sở hữu đề nghị cơ quan chức năng cấp Giấy chứng nhận gia hạn thời hạn sở hữu trong Giấy chứng nhận theo thời hạn nêu trong kết luận kiểm định.

Việc yêu cầu chủ sở hữu phải thực hiện gia hạn thời hạn trong Giấy chứng nhận sẽ phát sinh rất lớn thủ tục hành chính, tạo sự phiền phức cho người dân.

Quy định khác có thể tháo gỡ khó khăn trong việc cải tạo, sửa chữa chung cư cũ, kém an toàn

Theo đó, Nhà nước có thể quy định về thời hạn sử dụng của chung cư, yêu cầu thực hiện phá dỡ, cải tạo chung cư cũ khi công trình xây dựng hết hạn sử dụng, xuống cấp, đe dọa tính mạng của người sử dụng.

Do đây là hoạt động đảm bảo lợi ích công cộng và Nhà nước có khả năng để thực hiện. Vấn đề là cần phải thiết kế có hiệu quả hơn các quy định liên quan đến cải tạo, xây dựng lại chung cư.

“Ban soạn thảo cần đánh giá một cách kỹ càng, thận trọng đối với quy định mới này để đảm bảo quyền lợi của người mua nhà và sự phát triển của lĩnh vực đầu tư kinh doanh nhà chung cư, nhất là trong bối cảnh Nhà nước đang có chính sách khuyến khích phát triển các loại hình nhà chung cư”, VCCI nhận định, Zing đưa tin.

Trước đó, để lý giải cho việc đưa ra đề xuất áp thời hạn sử dụng chung cư 50-70 năm, Bộ Xây dựng cho biết trường hợp phải phá dỡ để xây lại, người sở hữu được tái định cư tại địa điểm cũ.

Theo đó, người dân vẫn được thực hiện các quyền của chủ sở hữu tài sản như mua bán, tặng cho,… trong thời hạn sở hữu nhà chung cư. Khi hết hạn sử dụng công trình, nếu kết quả kiểm định chất lượng chung cư còn đảm bảo an toàn, các chủ sở hữu tiếp tục được sở hữu theo thời hạn ghi trong kết luận kiểm định của cơ quan có thẩm quyền.

Trường hợp phải phá dỡ để xây dựng lại sẽ xử lý theo chính sách cải tạo, phá dỡ, xây dựng lại chung cư, người đang có sở hữu nhà có quyền được tái định cư tại địa điểm cũ mà không phải di chuyển đi nơi khác.

Còn nếu tại địa điểm cũ, Nhà nước có quy hoạch làm các công trình công cộng hoặc công trình an ninh, quốc phòng,… người dân sẽ phải tái định cư tại địa điểm khác theo chính sách tái định cư.

Đức Minh