Theo ông Hayden Ludwig, một nhà nghiên cứu điều tra cấp cao tại tổ chức phi lợi nhuận bảo thủ Capital Research Center, đã tới lúc chúng ta cần phải lưu tâm đến Thỏa thuận Xanh Mới vì ý tưởng này bao hàm những chính sách cấp tiến bậc nhất, có nguy cơ chuyển đổi nền kinh tế của chúng ta sang hình thức xã hội chủ nghĩa và cho phép chính phủ thắt chặt kiểm soát đối với xã hội.

Embed from Getty Images

Ông Ludwid đã trả lời trong chương trình Crossroads của tờ The Epoch Times: “Tôi có thể nói rằng Thỏa thuận Xanh Mới không liên quan gì đến biến đổi khí hậu, không liên quan gì đến môi trường và sự nóng lên toàn cầu. Mọi thứ đều liên quan đến việc tái tạo lại toàn bộ nước Mỹ theo phong cách của chính cánh tả cực đoan.”

Ông Saikat Chakrabarti, cựu chánh văn phòng của Hạ nghị sĩ Alexandria Ocasio-Cortez, vào năm 2019 đã nói với tờ Washington Post rằng: “Điều thú vị về Thỏa thuận Xanh Mới là… nó vốn dĩ hoàn toàn không phải là vấn đề về khí hậu… Chúng tôi thực sự nghĩ đến nó như một-cách-thức-mà-bạn-có-thể-thay-đổi-toàn-bộ-nền-kinh-tế.”

Theo cuốn sách “Red Hot Lies” (Tạm dịch: Những lời dối trá đỏ rực) của tác giả Christopher Horner: một thành viên trong ban tổ chức chiến dịch “Những người bạn của Trái đất” đã tuyên bố tại một hội nghị của Liên Hiệp Quốc: “Ứng phó với biến đổi khí hậu phải có trọng tâm là phân phối lại của cải và tài nguyên.”

Đảng Dân chủ tại Hạ viện cũng đã đề xuất một gói đầu tư cơ sở hạ tầng bao gồm khoảng 1 nghìn tỷ đô la cho đường xá, các cây cầu, các tuyến đường sắt, trạm sạc xe điện và mạng di động, cũng như những hạng mục khác. Mục tiêu được đưa ra là nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc chuyển đổi sang nguồn năng lượng sạch hơn đồng thời nâng cao khả năng cạnh tranh về kinh tế.

Mục đích thứ hai của gói đầu tư là đưa ra một số quyền lợi cho người lao động, bao gồm các trường cao đẳng cộng đồng miễn phí, phổ cập mầm non và chính sách nghỉ phép có lương đối với các vấn đề của gia đình.

Lãnh đạo phe thiểu số Thượng viện, ông Mitch McConnell (bang Kentucky) đã mô tả về gói đề xuất: “Họ đã công bố một kế hoạch, một kế hoạch ngổn ngang trông có vẻ như là dự luật về đường cao tốc. Nhưng thực chất nó chỉ là một phiên bản dài-hàng-nghìn-trang khác của Thỏa thuận Xanh Mới.”

Ông McConnell cho biết: “Chúng tôi nghe nói rằng trong vài tháng tới [họ] có thể đưa ra một đề xuất gọi là ‘cơ sở hạ tầng’, thực chất đó là kế hoạch cho việc tăng thuế một cách đáng kể và các chính sách giết việc làm khác của cánh tả.”

“Nếu bạn đọc văn bản [Thỏa thuận Xanh Mới] từ vài năm trước, bạn sẽ nhận ra các tài liệu tham khảo, được che đậy bằng chủ đề về sự nóng lên toàn cầu, bỗng ngay lập tức chuyển sang những điều họ thực sự muốn nói đến.”, ông Ludwig nói: “Và đó là về ‘chống bất bình đẳng trong việc gia tăng thu nhập’ và ‘công bằng môi trường’, thực chất là một cách khác để ‘lái’ sang vấn đề về ‘sự đền bù cho các cộng đồng da đen và da nâu vì họ đã bị các nhóm người da trắng áp bức một cách có hệ thống’ và điều này không liên quan gì đến môi trường.”

Ông Ludwig giải thích rằng “công bằng môi trường” là một khái niệm của chủ nghĩa Mác nói về tầng lớp áp bức và bị áp bức, được áp dụng trong bối cảnh về sự nóng lên toàn cầu. “Những người giàu gây ô nhiễm, đúng vậy, họ là những người sở hữu nhà, những người sở hữu nhiều ô tô, những người mà bản chất việc gây ô nhiễm của họ đang đè nặng tầng lớp bị áp bức, vốn là những người khốn khổ sống trong các cộng đồng nghèo nàn, những người dân tộc thiểu số.” Theo cách này “bất kỳ hình thức tái phân phối toàn diện hay các chương trình đền bù nào đều [có thể được biện minh] bằng cách chỉ ra rằng tất cả đều liên quan đến khí hậu”, ông Ludwig nói thêm.

Cốt lõi của học thuyết Mác là tạo ra xung đột giữa “tầng lớp áp bức” và “tầng lớp bị áp bức”. Ông Ludwig phân tích: “Những người theo chủ nghĩa Mác về cơ bản nhìn nhận thế giới dưới góc độ rằng giai cấp áp bức đang bóc lột giai cấp bị áp bức và đó từng là việc giai cấp tư bản chèn ép giai cấp vô sản, giai cấp lao động”. Tuy nhiên ông Ludwig cho biết: “Việc đó thực sự không diễn ra.”

Theo nhà nghiên cứu, sự chia rẽ giữa tầng lớp áp bức và tầng lớp bị áp bức cũng được áp dụng cho khái niệm phân biệt chủng tộc, như giữa người da trắng và người da đen hoặc người da màu; hay giữa đàn ông và phụ nữ.

Từ chủ nghĩa môi trường tiến đến âm mưu kiểm soát dân số

Ông Ludwig nói rằng: “Chủ nghĩa môi trường thực sự sẽ dẫn đến việc kiểm soát dân số.” Ông cho biết mình đã rút ra kết luận này sau khi truy tìm “nguồn gốc của chủ nghĩa môi trường từ phong trào ưu sinh (học thuyết được vận động nhằm cải thiện nhân loại bằng cách chọn lọc những người phối ngẫu có các đặc điểm di truyền mong muốn cụ thể; mục đích là để giảm bớt sự đau khổ của con người khi “sinh ra” đã có nguy cơ mang bệnh, khuyết tật hoặc những cái gọi là các đặc điểm không mong muốn) và phong trào ủng hộ phá thai – nói ngắn gọn là phong trào kiểm soát dân số của thế kỷ 20.”

Thỏa thuận Xanh Mới giúp chính phủ liên bang biện minh cho các chính sách mà sau này sẽ kiểm soát cách mọi người đi lại, cách họ ăn uống và số con họ có, ông Ludwig phân tích: “Đó là lý do tại sao điều này rất nguy hiểm. Đó là một sự cai trị không có giới hạn, là kế hoạch chuyển đổi triệt để nhất mà chúng tôi từng thấy.”

“Ở đây có một lý do, theo tôi nghĩ, tại sao ngay lúc này Đảng Dân chủ lại đang thúc đẩy rất nhiều chính sách môi trường cấp tiến, không giống với bất cứ điều gì khác, như Chính sách Chăm sóc Y Tế Cho Tất cả, và lý thuyết của tôi là họ nhận ra rằng đây là cách nhanh nhất để đạt được quyền lực kiểm soát mà họ muốn đối với cuộc sống của mọi người”, ông nói và cho biết thêm: “Bạn cần phải mê hoặc được người khác, nếu bạn không qua được bước này, bạn không còn gì nữa, tất cả sẽ tan thành mây khói, có thể nói như vậy — nếu bạn vượt qua được bước này, bạn có thể biện minh cho bất cứ điều gì bạn muốn.”

Chủ nghĩa xã hội truyền thống, giống như ở Trung Quốc, tìm kiếm sự khống chế đối với tất cả mọi việc mà dân chúng đang làm và “chủ nghĩa môi trường là hệ tư tưởng duy nhất mà tôi biết thậm chí còn vượt xa hơn thế nữa; nó trao cho chính phủ quyền kiểm soát đối với hệ thống gen di truyền của chính bạn, đối với những gì bạn hít vào và thở ra — ý tôi là, loại kiểm soát đến tận cấp độ tế bào”, ông Ludwig nói và khẳng định: “Đây là thứ cùng cực nhất mà chúng tôi từng thấy.”

Ông Ludwig trích dẫn lời của nhà làm phim và nhà hoạt động Michael Moore, người mà bộ phim tài liệu “Planet of the Humans” (Tạm dịch: Hành tinh của loài người) vào năm 2019 của ông đã chỉ ra rằng nếu một người nghiêm túc xem xét việc cứu trái đất này thông qua biện pháp ngăn chặn biến đổi khí hậu, nhưng lại không lựa chọn phương án sử dụng các nguồn năng lượng phi-carbon như nhiều nhà môi trường khác đã làm, “vậy thì lựa chọn duy nhất chính là phải giảm thiểu số lượng con người còn lại trên hành tinh”, ông Ludwig nói. “Không có cách nào khác để giảm lượng khí thải carbon dioxide nếu không có các chương trình kiểm soát dân số quy mô lớn.”

“Chúng ta phải cảnh giác với những thứ này vì cuối cùng chúng sẽ dẫn đến việc kiểm soát số lượng con cái mà bạn có thể có.” Ông Ludwig lưu ý rằng từ những năm 1960 đã có những tổ chức ủng hộ các chính sách này, chẳng hạn như Tổ chức Kết nối Dân số.

Tổ chức Kết nối Dân số được thành lập vào năm 1968 dưới tên gọi “Không tăng trưởng dân số (ZPG)” với sứ mệnh “nâng cao nhận thức của cộng đồng về mối liên hệ giữa gia tăng dân số và suy thoái môi trường, đồng thời khuyến khích mọi người xây dựng gia đình với quy mô nhỏ hơn, giới hạn trong 2 con”, theo trang web của tổ chức này.

Tổ chức đã đổi tên vào năm 2002, nhưng trang web tuyên bố: “sứ mệnh của nó không bao giờ thay đổi”. Việc đổi tên cho phép tổ chức tiếp cận vào khu vực chính trị Đồi Capitol, các trường công lập, đồng thời thu hút các thành viên và những người ủng hộ trẻ tuổi.

Năm 1970, ông Paul Ehrlich, giáo sư danh dự về Nghiên cứu Dân số tại Đại học Stanford đã viết trên tờ Phóng viên Quốc gia ZPG, ban đầu ZPG nhắm đến tầng lớp trung lưu da trắng bởi vì “đa số tầng lớp trung lưu da trắng sử dụng tài nguyên của họ nhiều hơn và gây ô nhiễm nhiều hơn.” Sau đó, tổ chức quyết định mở rộng thông điệp của mình, bao hàm cả “người giàu, người nghèo và tầng lớp trung lưu”.

Tháng 2/2021, Hạ nghị sĩ Earl Blumenauer và Alexandria Ocasio-Cortez, với sự hỗ trợ của Thượng nghị sĩ Bernie Sanders, đã đề xuất Đạo luật Khẩn cấp về Khí hậu Quốc gia, trong đó trao cho tổng thống “quyền lực to lớn để ứng phó với tình huống khẩn cấp”.

Vào tháng Giêng, Lãnh đạo Đa số Thượng viện Chuck Schumer trả lời tờ MSNBC rằng: “Tôi nghĩ việc Tổng thống Biden ban bố tình trạng khẩn cấp về khí hậu có thể là một ý tưởng hay. Sau đó, ông ấy có thể làm rất nhiều việc dưới quyền hạn khẩn cấp của tổng thống mà không cần phải thông qua, ônh ấy có thể làm mà không cần thông qua pháp luật.”

Phụ thuộc vào năng lượng tái tạo

Ông Ludwig cho biết các nguồn năng lượng tái tạo như tuabin gió hoặc các tấm pin năng lượng mặt trời đòi hỏi một lượng lớn đất đai, do đó việc ứng dụng chúng trên quy mô lớn có thể dẫn đến tình trạng phá hoại toàn bộ đất rừng của Hoa Kỳ.

Nền móng của các tuabin gió cần được xây bằng hàng trăm tấn bê tông được chôn rất sâu vào lòng đất, hàng tấn thép và hàng tấn dây đồng, nhiều trong số đó cần được thay mới sau một thập kỷ và không dễ tái chế. Ông Ludwig phân tích: “Những thứ được cho là sẽ cứu hành tinh này, trên thực tế, chúng lại đang làm ô nhiễm trái đất với đủ loại vật liệu dư thừa, các tài nguyên đáng ra có thể được sử dụng tốt hơn ở những nơi khác.”

Theo ông Ludwig, các nguồn năng lượng tái tạo như năng lượng gió và năng lượng mặt trời nổi tiếng về tính không ổn định vì có những thời điểm mà mặt trời không chiếu sáng hoặc gió không thổi đến. Do đó, bất kỳ mạng lưới điện nào sử dụng năng lượng mặt trời hoặc năng lượng gió vẫn phải cần đến các nguồn năng lượng ổn định đáng tin cậy như điện hạt nhân, khí đốt tự nhiên, dầu mỏ hoặc than đá.

Cho đến nay, chưa có công nghệ nào cho phép dự trữ năng lượng được tạo ra từ các nguồn không liên tục trên quy mô lớn.

Mạng lưới điện không hoạt động một cách đơn giản như bộ điều chỉnh độ sáng của bóng đèn, vốn thu vào và phát ra lượng điện ít hơn. “Nó giống như một chiếc máy tính hoặc tivi hơn. Nếu bạn không thể đáp ứng chính xác lượng điện tối thiểu mà lưới điện yêu cầu vào mọi lúc, thì nó chỉ có thể ngừng hoạt động. “

Vy An biên dịch (Theo The Epoch Times)

Xem thêm: