Từ 15h ngày 16/11, 48 đại biểu đăng ký chất vấn Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng về điều hành chính sách tiền tệ hỗ trợ sản xuất kinh doanh và tăng trưởng tín dụng hợp lý, hoạt động của các ngân hàng yếu kém và giải pháp đảm bảo an toàn, nâng cao hiệu quả của hệ thống ngân hàng.

thong-doc-ngan-hang-le-minh-hung
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng trả lời chất vấn chiều 16/11.

Mở đầu phiên chất vấn, Thống đốc Lê Minh Hưng cho biết trong thời gian qua, ngành Ngân hàng tập trung vào vấn đề tiền tệ, hoạt động ngân hàng, giữ ổn định lãi suất, giảm lãi suất cho vay với các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, tăng trưởng tín dụng hiệu quả an toàn, tỷ giá hoạt động ngoại tệ ổn định, dự trữ ngoại hối Nhà nước tăng lên mức cao nhất từ trước đến nay.  Dự trữ ngoại hối tăng thêm 1 tỷ đô la, đến nay mức ngoại hối tăng 46 tỷ (mua được 7 tỷ đô la từ đầu năm 2017 đến nay).

Thống đốc cũng cho biết thời gian qua, ngành ngân hàng thực hiện tái cơ cấu và xử lý nợ xấu, từ đó nợ xấu cơ bản được kiểm soát dưới 3%; về cải cách công tác hành chính nhằm bãi bỏ thủ tục hành chính, 2 năm liên tiếp ngân hàng nhà nước đứng đầu về chỉ số cải cách hành chính.

Dư nợ cho vay nông nghiệp công nghệ cao đạt 36.000 tỷ đồng

Trả lời chất vấn của đại biểu về giải pháp cho vay nông nghiệp công nghệ cao (NNCNC), nông nghiệp sạch, doanh nghiệp cần vốn nhưng khó tiếp cận, Thống đốc Lê Minh Hưng cho biết: “Có một thực tế, quá trình triển khai chính sách tín dụng cho NNCNC và NN sạch mới được triển khai khoảng 6 tháng, cho đến nay, dư nợ đã đạt khoảng 36.000 tỷ trong gói 100.000 tỷ. Trong đó, kỳ hạn dài chiếm xấp xỉ 60%”.

Theo Thống đốc, tín dụng cho NNCNC và NN sạch đã đáp ứng được nhu cầu đầu tư nguồn vốn lớn trung và dài hạn.

Thống đốc cũng cho biết có khoảng 6.400 khách hàng đã tiếp cận được nguồn vốn vay, trong đó khoảng hơn 6.000 là khách hàng cá nhân, còn lại là khách hàng doanh nghiệp.

Về vấn đề khó tiếp cận nguồn vốn, Thống đốc giải trình: “Một số lý do là: khu vực, vùng NNCNC và các doanh nghiệp được cấp giấy chứng nhận là doanh nghiệp đầu tư NNCNC còn hạn chế, khiến các ngân hàng khi cho vay các doanh nghiệp thì rất thận trọng;

Thứ hai, là thị trường tiêu thụ sản phẩm – là yếu tố quyết định trong việc các ngân hàng xem xét cho vay các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực NNCNC;

Thứ ba, có một số doanh nghiệp và người dân có nhu cầu đầu tư NNCNC, tuy nhiên, giấy chứng nhận tài sản trên đất để thế chấp vay vốn ngân hàng còn có những khó khăn nhất định.

Thống đốc cho biết trong thời gian tới sẽ đẩy mạnh tạo lập các khu, các vùng NNCNC, cũng như xem xét cấp giấy chứng nhận cho các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này nhằm tạo điều kiện cho các ngân hàng tiếp tục xem xét để cho vay vốn.

Nhóm PV

Xem thêm: