Trưa ngày 28/3, trái với động thái khẳng định ông Trịnh Văn Quyết – Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) Tập đoàn FLC không bị bắt tạm giam như tin đồn, báo chí trong nước đưa thông tin trái ngược, hoặc mập mờ trước thông tin ông Quyết bị tạm hoãn xuất cảnh.

ong Trinh Van Quyet Tap doan FLC ong Quyet bi tam hoan xuat canh
Rộ tin đồn ông Trịnh Văn Quyết bị bắt trên mạng xã hội. Đến trưa ngày 28/3, báo chí trong nước xác nhận ông Quyết không bị bắt nhưng “úp mở” về việc ông Quyết bị tạm hoãn xuất cảnh. (Ảnh minh họa: gialai.gov.vn)

Trưa ngày 28/3, dẫn nguồn tin riêng, báo Tuổi Trẻ đăng tin vào lúc 12h21 cho biết Cơ quan điều tra Bộ Công an đã ra quyết định tạm hoãn xuất cảnh trong vòng 1 tháng đối với ông Trịnh Văn Quyết – Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FLC từ ngày 26/3. Ngoài ra, cơ quan chức năng đã mời ông Quyết lên để làm việc, xác minh một số nội dung.

Cùng thời điểm, một số tờ báo khác nhanh chóng đưa tin cho biết ông Quyết không bị bắt, còn việc ông Quyết bị hoãn xuất cảnh 1 tháng thì chưa rõ thực hư.

Báo Thanh Niên đưa tin một vị lãnh đạo (không nêu danh tính) của Cơ quan điều tra Bộ Công an cho biết thông tin ông Trịnh Văn Quyết bị bắt giam là thất thiệt, không chính xác. Mặt khác, cơ quan này đã cử người “xác minh, truy tìm thông tin cho rằng cơ quan này đã ra quyết định tạm hoãn xuất cảnh đối với ông Quyết”.

Trao đổi với báo Dân Trí, một lãnh đạo (không nêu danh tính) của Văn phòng Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an cho biết việc ông Quyết bị bắt là chưa chính xác. Hiện nay, theo vị lãnh đạo này, cơ quan điều tra mới đang ở bước xác minh, nắm tình hình xem “đúng hay không đúng” về các thông tin liên quan đến Tập đoàn FLC.

Trái ngược với nguồn tin của báo Tuổi Trẻ, báo Dân Việt đưa tin “Thông tin Bộ Công an hoãn xuất cảnh Chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết không chính xác” vào lúc 13h42 ngày 28/3.

Theo nguồn tin của báo Dân Việt, lãnh đạo Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an “phủ nhận thông tin tạm hoãn xuất cảnh với ông Trịnh Văn Quyết” và cho biết cơ quan này cũng đã cử người xác minh, truy tìm thông tin cho rằng cơ quan này đã ra quyết định tạm hoãn xuất cảnh đối với ông Quyết.

Sự việc bắt nguồn từ những thông tin trên mạng xã hội vào tối ngày 27/3, một số diễn đàn lan truyền thông tin cho rằng ông Quyết bị bắt tạm giam. Đến trưa 28/3, báo chí trong nước lên tiếng phủ định thông tin trên, song đưa tin bất nhất về việc ông Quyết có bị tạm hoãn xuất cảnh hay không.

Trước đó, trong phiên giao dịch ngày 10/1, ông Trịnh Văn Quyết đã vi phạm việc bán 74,8 triệu cổ phiếu FLC không công bố thông tin, nhiều nhà đầu tư và báo chí phản ánh vấn đề này đến cơ quan nhà nước.

Ngày 18/1, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước ra quyết định phạt ông Quyết 1,5 tỷ đồng. Đồng thời, đình chỉ ông Quyết giao dịch chứng khoán trong vòng 5 tháng, kể từ ngày 18/1/2022. Bên cạnh việc hủy bỏ toàn bộ giao dịch ngày 10/1 của ông Quyết và hoàn trả tiền lại cho nhà đầu tư. Hiện ông Quyết vẫn nắm giữ hơn 215 triệu cổ phiếu FLC, tương ứng với 30,34% vốn điều lệ của Tập đoàn FLC.

Mở cửa phiên giao dịch sáng ngày 28/3, theo trang tin CafeF.vn, thị trường chứng khoán xuất hiện nhiều tín hiệu tiêu cực của họ cổ phiếu FLC gồm ROS, AMD, HAI, ART và KLF khi các mã này đồng loạt bị bán ra ở mức giá sàn. Tương tự, các mã chứng khoán bất động sản khác như DIG, HQC, NBB, QCG, LDG,… trong tình cảnh ít người mua, giá chạm sàn.

Đóng cửa phiên giao dịch sáng nay, chỉ số VN-Index giảm 15,32 điểm (1,02%) xuống 1.483,18 điểm; HNX-Index giảm mạnh 1,49% xuống 454,89 điểm và UPCom-Index giảm 0,85% xuống 116,01 điểm. Tính chung trên cả 3 sàn có tới 681 mã giảm điểm, trong đó có 35 mã giảm sàn.

Theo ghi nhận lúc 15h40 chiều ngày 28/3, giá cổ phiếu FLC giảm còn 13.600 đồng/cổ phiếu, so với mức đỉnh trong vòng gần 4 tháng đầu năm 2022, đạt đỉnh vào thứ Sáu ngày 7/1 với mức giá 22.600 đồng/cổ phiếu (trước phiên giao dịch ông Quyết bán cổ phiếu không công bố thông tin), tới nay cổ phiếu FLC đã giảm gần 40% giá trị.

Quang Minh