Chiều 26/5, Thứ trưởng Bộ Công thương – Đặng Hoàng An cho biết Việt Nam mua điện của Trung Quốc đã diễn ra từ 18 năm về trước (từ năm 2005), trong bối cảnh 24 nhà đầu tư điện tái tạo trong nước vừa chấp nhận mức giá tạm thời bằng 50% khung giá mà Bộ Công thương ban hành để có cơ hội phát điện lên lưới.

thu truong bo cong thuong tran hoang an EVN dien tai tao mua dien tu trung quoc lao
Nhiều người dân bất ngờ trước thông tin Việt Nam đã mua điện từ Quảng Tây, Trung Quốc từ năm 2005. (Ảnh: Thứ trưởng Đặng Hoàng An/baochinhphu.vn)

Câu chuyện liên quan nhiều dự án điện tái tạo (điện gió, mặt trời) chuyển tiếp chậm được vận hành, phát điện gây lãng phí, trong khi Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết sẽ tăng mua điện từ Lào và Trung Quốc. Điều này đã gây bất bình trong dư luận và nghị trường Quốc hội hôm 25/5.

Tại buổi họp báo chiều 26/5, Thứ trưởng Bộ Công thương – ông Đặng Hoàng An cho biết Việt Nam đã mua điện của Trung Quốc từ năm 2005 và nhập khẩu điện từ Lào từ năm 2016.

Lượng điện nhập khẩu từ Lào khoảng 7 triệu kWh một ngày và Trung Quốc 4 triệu kWh. So với sản lượng điện tiêu thụ tại miền Bắc 445 – 450 triệu kWh một ngày thì “tỷ trọng điện nhập khẩu này rất thấp”, ông An cho biết, Vnexpress đưa tin.

Hiện Việt Nam có các đường dây 220 kV liên kết với Lào và 110 kV với Trung Quốc. Tổng công suất nhập điện từ Lào đến 2025 tối thiểu 3.000 MW và đến 2030 là 5.000 MW, theo cam kết giữa hai chính phủ.

Giai đoạn hiện nay Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt chủ trương nhập khẩu điện từ các dự án, cụm dự án của Lào, với tổng công suất 2.689 MW.

Theo Bộ Công thương, giá mua điện từ Trung Quốc khoảng 6,5 cent (gần 1.540 đồng một kWh); còn Lào là 6,9 cent một kWh, tương đương 1.632 đồng một kWh. Trong khi đó, theo số liệu từ EVN, chi phí điện sản xuất trong nước bình quân 3 tháng đầu năm khoảng 1.845 – 2.200 đồng một kWh.

Về các dự án điện tái tạo, ông An cho biết đã có 16 dự án hòa lưới để thí nghiệm, 5 dự án đã đủ hồ sơ (391 MW) và đủ điều kiện phát điện thương mại trong vài ngày tới hoàn tất thủ tục thì sẽ đưa vào vận hành chính thức được, theo báo Tuổi Trẻ.

Mức giá tạm thời mà các nhà đầu tư phải chấp nhận là 50% so với khung giá mà Bộ Công thương ban hành.

Cụ thể, mức giá trần của khung giá với nhà máy điện mặt trời mặt đất là 1.184,90 đồng/kWh; nhà máy điện mặt trời nổi là 1.508,27 đồng/kWh; nhà máy điện gió trong đất liền là 1.587,12 đồng/kWh; nhà máy điện gió trên biển là 1.815,95 đồng/kWh.

Như vậy, giá tạm thời của các dự án điện tái tạo trong nước nằm trong khoảng 550 đồng – 900 đồng một kWh, rẻ hơn gần gấp đôi so với các mức giá nhập khẩu điện.

Hiện tổng công suất số dự án điện tái tạo bị chậm vận hành là hơn 4.600 MW. Trong đó, gần 2.100 MW của 34 dự án chuyển tiếp đã hoàn thành thi công, thử nghiệm.

Các dự án này không được hưởng giá ưu đãi (giá FIT) trong 20 năm và phải đàm phán giá điện với EVN, với mức trần khung giá thấp hơn 20-30% so với giá trước đây.

Vào tháng 2/2023, Tập đoàn EVN có văn bản gửi Bộ Công thương về tình hình đàm phán, ký kết Hợp đồng mua bán điện (PPA) các dự án nhập khẩu điện từ Lào.

Theo EVN, Công ty Điện lực Lào lại có văn bản thông báo không tiếp tục bán điện cho EVN với lý do không hiệu quả về kinh tế. Trong trường hợp Thủ tướng phê duyệt cho các dự án còn lại, EVN chỉ có khả năng nhập 226 MW (khoảng 8% so với chủ trương được phê duyệt) qua 2 đường dây liên kết.

Đức Minh