Chính phủ vừa có yêu cầu rà soát các điều kiện kinh doanh theo nguyên tắc thị trường của OECD, đề xuất bãi bỏ các điều kiện hạn chế cạnh tranh.

Thu tuong Nguyen Xuan Phuc
“Bộ trưởng thấy doanh nghiệp lên xếp hàng rất lâu thì phải xem lại cung cách làm việc của Bộ. Phải loại bỏ điều kiện kinh doanh mang tính áp đặt không hợp lý” – Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh trong phiên họp thường kỳ tháng 7/2017. (Ảnh: VGP)

Cụ thể, trong phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7/2017 diễn ra vào ngày 3/8, Thủ tướng đã yêu cầu các Bộ, ban ngành rà soát lại các điều kiện kinh doanh phù hợp theo nguyên tắc thị trường của Tổ chức hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), bãi bỏ các quy định không phù hợp đang làm cản trở hoạt động của doanh nghiệp và phải giải trình với Thủ tướng trước tháng 12/2017.

“Bộ trưởng thấy doanh nghiệp lên xếp hàng rất lâu thì phải xem lại cung cách làm việc của bộ. Phải loại bỏ điều kiện kinh doanh mang tính áp đặt không hợp lý”, Thủ tướng nêu rõ.

Được biết, OECD là diễn đàn của 34 nước có nền kinh tế phát triển nhất thế giới, bao gồm các nước như Mỹ, Canada và các nước Tây Âu, với mục đích là để tìm ra các chính sách phát triển kinh tế, nâng cao hiệu quả kinh tế thị trường, mở rộng thương mại tự do và hỗ trợ cho các nền kinh tế đang chuyển đổi sang kinh tế thị trường. Theo các chuyên gia, OECD đã đặt ra tiêu chí chuẩn mực nhất về các vấn đề chính sách kinh tế, quản lý công, và thị trường tài chính, ngân hàng.

Sau chỉ đạo của Chính phủ, một số bộ ngành đã bắt tay vào việc xử lý các điều kiện kinh doanh không phù hợp. Bộ Công Thương cho biết vừa thành lập Tổ công tác đặc biệt nhằm rà soát tổng thể thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh để lên phương án đơn giản hóa hoặc cắt giảm.

Trong danh mục rà soát thủ tục hành chính của Bộ Công Thương có 25 ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện như: Kinh doanh xăng dầu; kinh doanh khí; sản xuất, sửa chữa chai chứa khí dầu mỏ hóa lỏng (chai LPG); giám định thương mại; kinh doanh vật liệu nổ công nghiệp; kinh doanh dịch vụ nổ mìn; kinh doanh sản phẩm thuốc lá, nguyên liệu thuốc lá, máy móc, thiết bị thuộc chuyên ngành thuốc lá; kinh doanh rượu…

Trước đó, vào cuối tháng 7, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), và Viện Nghiên cứu và quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) gửi các báo cáo rà soát mới đây về điều kiện kinh doanh tới Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tư pháp.

Theo VCCI, trong 243 ngành nghề kinh doanh có điều kiện, hiện có tổng số 5.719 điều kiện kinh doanh (thường được gọi là giấy phép con), như vậy, trung bình mỗi ngành kinh doanh hiện có khoảng hơn 23 điều kiện ràng buộc khác nhau.

Trong đó, nhiều nhất là Bộ Công Thương có 27 ngành nghề kinh doanh có điều kiện thuộc phạm vi quản lý với 1.220 điều kiện kinh doanh, hơn 45 điều kiện chồng chéo khác nhau/ngành.

Ít nhất là Bộ Xây dựng cũng có tới 17 ngành nghề kinh doanh có điều kiện với 106 điều kiện kinh doanh, tương đương hơn 6 điều kiện kinh doanh/ngành.

Nhiều điều kiện kinh doanh được cho là bất hợp lý, không cần thiết, gây cản trở cho người dân và doanh nghiệp. Thủ tướng yêu cầu các bộ xem xét, tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 25/8, trong đó có kiến nghị phương án xử lý cụ thể tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh.

Điều này được cho là một động thái tích cực của Việt Nam nhằm cởi trói cho các doanh nghiệp Việt hơn nữa và tối đa hóa hoạt động doanh nghiệp, trong bối cảnh các doanh nghiệp trong nước đang không có được vai trò chủ động.

>>Việt Nam thâm hụt thương mại với Lào, Brunei; nhập siêu lớn từ Thái Lan, Malaysia

Ngoài ra, việc Việt Nam thực hiện các cải cách về chính sách kinh tế theo chuẩn mực của OECD cũng sẽ nhận được sự ủng hộ lớn từ phía tổ chức này (nhất là về phương diện chia sẻ kiến thưc, các kết quả nghiên cứu và kinh nghiệm thực tiễn đã có được), cũng như cái nhìn tích cực hơn từ phía các nền kinh tế lớn đối với Việt Nam, đặc biệt là sự ủng hộ từ các nước Châu Âu (vốn tiền thân của OECD ban đầu là tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế các nước châu Âu), Mỹ, Canada – vốn là các thị trường mà Việt Nam đạt được mức thặng dư thương mại lớn trong giao thương.

Chân Hồ

Xem thêm: