“Riêng chuyện GDP này tôi nghe nhiều chuyên gia nói rằng Việt Nam đã bỏ sót trong quá trình tính GDP rất cao, ít nhất là 30%”, Thủ tướng nói.

Nguyen Xuan Phuc
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Hội nghị Toàn quốc về phát triển bền vững 2018. (Ảnh: VCCI)

Ngày 5/7, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tham gia “Hội nghị Toàn quốc về phát triển bền vững 2018”. Tại đây, người đứng đầu Chính phủ đã có phát biểu tổng quan về nền kinh tế – xã hội – môi trường.

Theo Thủ tướng, kinh tế Việt Nam sau 30 năm đổi mới đã đạt được nhiều thành tựu. Tăng trưởng kinh tế bình quân giai đoạn 1986 – 2017 đạt 6,63%/năm, riêng 6 tháng đầu năm 2018 đạt 7,08% so với cùng kỳ, là mức tăng trưởng cao nhất trong 7 năm gần đây.

Thu nhập bình quân của người dân đã tăng từ mức 94 USD năm 1990 lên gần 2.400 USD năm 2017. Và sẽ sớm đưa Việt Nam thành nước có mức thu nhập trung bình cao trong 20 năm tới.

Chưa dừng ở đó, Thủ tướng Phúc cho rằng GDP trên thực tế có thể còn cao hơn nhiều. Cụ thể, ông cho biết một số nước tính kim ngạch xuất khẩu rất cao, trong khi Việt Nam tính thấp vì có nhiều khâu chưa kiểm soát được.

“Riêng chuyện GDP này tôi nghe nhiều chuyên gia nói rằng Việt Nam đã bỏ sót trong quá trình tính GDP rất cao, ít nhất là 30%”, Thủ tướng nói.

Về kinh tế vĩ mô, ông cho biết các chính sách cân đối vĩ mô luôn được duy trì ổn định, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực với kim ngạch xuất khẩu luôn ở mức cao. Nền kinh tế hội nhập ngày càng sâu rộng và trở thành điểm đến hấp dẫn cho các nhà đầu tư nước ngoài.

“Lạm phát được kiểm soát tốt, khả năng chống chịu của nền kinh tế cao, dự trữ ngoại hối và đơn đặt hàng tăng cao nhất khu vực ASEAN”, Thủ tướng cho hay.

Bên cạnh đó, Thủ tướng cho biết nhờ tăng trưởng kinh tế cao, tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn đa chiều đã giảm còn 7% vào cuối năm 2017.

Ông còn cho biết tuổi thọ trung bình người Việt Nam thuộc nhóm cao của thế giới, khoảng 73,5 tuổi.

“Việt Nam tuy thu nhập thấp hơn nhiều nước nhưng được đánh giá là quốc gia có Chỉ số Hành tinh Hạnh phúc đứng thứ 5 thế giới, thứ 2 ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương”, người đứng đầu chính phủ cho hay.

Ngoài phát triển về kinh tế – xã hội, theo Thủ tướng, Việt Nam từ lâu luôn coi trọng vấn đề bảo vệ môi trường, đã xử lý nghiêm khắc các sự cố gây ô nhiễm môi trường trong thời gian qua cũng như chuyển đổi mô hình kinh tế từ chiếm dụng tài nguyên sang các ngành thân thiện với môi trường.

Tú Mỹ

Xem thêm: