Hôm nay (14/3), Amazon chính thức đánh dấu sự hiện diện của mình tại Việt Nam bằng việc tham gia vào Diễn đàn Toàn cảnh Thương mại điện tử Việt Nam (VOBF 2018) diễn ra tại Hà Nội. Tại diễn đàn, tập đoàn thương mại điện tử hàng đầu của Mỹ sẽ công bố các chiến lược cụ thể tại thị trường Việt Nam.

Sự góp mặt của Amazon đã thu hút được nhiều sự chú ý và được cho là sẽ khiến thị trường thương mại điện tử (TMĐT) vốn đầy tiềm năng của Việt Nam sẽ càng trở nên sôi động.

Amazon-Alibaba
Sự góp mặt của Amazon sẽ làm đối trọng với sức ảnh hưởng từ các trang TMĐT Trung Quốc tại Việt Nam. (Ảnh: Shutterstock.com)

Thị trường mới còn nhiều tiềm năng

Theo trang web Statista.com, doanh thu ngành TMĐT Việt Nam năm 2017 vào khoảng 2,2 tỷ USD. Con số này còn khá thấp so với giá trị 118 tỷ USD và tốc độ tăng trưởng 10% của thị trường bán lẻ Việt Nam.

Năm 2018, doanh thu ngành TMĐT Việt Nam được ước tính khoảng 2,6 tỷ USD với tốc độ tăng trưởng hàng năm là 13,7% cho giai đoạn 2018 – 2022. Con số này ở Thái Lan là khoảng 3,5 tỷ USD và 13,2%; Hàn Quốc là 50,5 tỷ USD với tốc độ tăng 7%; Singapore 3.74 tỷ USD với tốc độ tăng trưởng khoảng 10,1%; Malaysia 1,3 tỷ USD với tốc độ tăng khoảng 17%.

So với các nước có nền thương mại điện tử phát triển hàng đầu trên thế giới, doanh thu ngành TMĐT của Việt Nam còn khá thấp. Chẳng hạn, doanh thu dự đoán năm 2018 của Mỹ khoảng 474 tỷ USD, Trung Quốc 596 tỷ USD, Nhật Bản 105 tỷ USD và Đức 69 tỷ USD.

Sự chênh lệch này phản ánh tiềm năng tăng trưởng của ngành TMĐT Việt Nam vẫn còn rất lớn. Điều đó được thể hiện qua việc hàng loạt các start-up thương mại điện tử liên tục gia nhập thị trường.

>> Làm thế nào một quốc gia giàu có: Tự Do Thương Mại hay Bảo Hộ Mậu Dịch?

Tham gia sớm vào lĩnh vực này phải kể đến FPT. Năm 2012, tập đoàn công nghệ này cho ra mắt trang thương mại điện tử Sen đỏ (Sendo.com), đến giữa năm 2014, FPT bổ sung thêm trang 123mua.vn qua mua lại từ Vinagame (VNG).

Tháng 08/2015, Vingroup góp mặt với trang TMĐT A đây rồi (Adayroi.com). Đến tháng 01/2017, hãng bán lẻ Thế giới di động cũng chính thức cho ra mắt trang thương mại điện tử Vuivui.com tập trung vào phân khúc bán lẻ di động và điện máy.

Bên cạnh đó, nhiều công ty nước ngoài cũng lần lượt gia nhập thị trường Việt Nam, điển hình là các công ty Trung Quốc.

Vào tháng 4/2016, Tập đoàn Alibaba của tỷ phú Jack Ma đã chi 1 tỷ USD để mua lại 51% cổ phần tại Lazada. Tháng 06/2017, Alibaba tiếp tục rót thêm 1 tỷ USD để nâng tỷ lệ sở hữu cổ phần lên 83% tại start-up được định giá 3,15 tỷ USD này.

Tháng 11/2017, Tập đoàn thương mại điện tử JD.com – đối thủ của Alibaba tại thị trường Trung Quốc – cũng đã đầu tư 44 triệu USD vào Tiki – một công ty liên kết của VNG với tỷ lệ sở hữu cổ phần tính đến 30/09/2017 là 38%.

Một doanh nghiệp nữa có ảnh hưởng gián tiếp từ Trung Quốc là Shopee – công ty con của SEA có trụ sở tại Singapore. Tháng 10/2017 vừa qua, SEA trở thành công ty công nghệ đầu tiên trong khu vực Đông Nam Á chào bán cổ phiếu trên sàn NYSE, thương vụ IPO đã thu về cho SEA 884 triệu USD.

Và mới đây nhất, Amazon – Tập đoàn TMĐT hàng đầu của Mỹ cũng đã chính thức gia nhập thị trường Việt Nam trong tháng 3 này.

Thách thức cũng không nhỏ

Bên cạnh những tiềm năng, ngành thương mại điện tử Việt Nam cũng đối mặt không ít thách thức.

Trước hết, nhóm đối tượng khách hàng của ngành này trong giai đoạn hiện nay chủ yếu là giới trẻ – những người sớm tiếp cận với công nghệ. Trong khi nhóm những người có thu nhập cao chủ yếu là những người trung niên vẫn quen với phương thức mua hàng truyền thống hơn. Họ là nhóm người khó thích nghi với sự thay đổi nhanh chóng của công nghệ mới.

Thứ hai, mức độ khả tín trong xã hội là điều khiến nhiều người lo lắng. Rủi ro đối với khách hàng là hàng hóa mua về không đúng như chất lượng được công bố trên trang web bán hàng khiến nhiều người còn ngần ngại khi mua hàng online.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp TMĐT cũng gặp không ít khó khăn trong vấn đề quản lý bởi ngành này còn khá mới.

Theo một số nhà cung cấp hoạt động trong lĩnh vực thương mại điện tử, chi phí bán hàng qua kênh này chưa hẳn là rẻ hơn so với phương thức bán hàng truyền thống.

Cụ thể, các nhà cung cấp phải chi trả mức phí khá cao cho các trang TMĐT, trong khi rủi ro về việc khách hàng đặt hàng nhưng lại không nhận hàng còn rất lớn, doanh nghiệp phải chịu hoàn toàn những phí tổn do việc trả hàng về, chất lượng hàng hóa qua nhiều khâu vận chuyển khó đảm bảo được chất lượng như ban đầu.

Thuong mai dien tu
Thị trường thương mại điện tử Việt Nam vẫn tồn tại một số thách thức không hề nhỏ. (Ảnh: Shutterstock)

Một vấn đề nữa là cơ sở hạ tầng công nghệ và luật pháp ở Việt Nam chưa hoàn thiện. Để thương mại điện tử phát triển thì hoạt động sử dụng thanh toán không dùng tiền mặt cũng cần phát triển mạnh.

Theo một khảo sát của Ngân hàng Thế giới (WB), số lượng giao dịch phi tiền mặt bình quân đầu người của Việt Nam là 5%, thấp hơn nhiều so với mức 60% của Thái Lan, 89% của Malaysia và tỷ lệ 26% của Trung Quốc.

Tỷ lệ thanh toán không dùng tiền mặt thấp sẽ khiến cho số người dùng sẵn sàng tham gia mua hàng online không cao. Bên cạnh đó, vì thương mại điện tử đang trong giai đoạn phát triển, hệ thống luật pháp hiện hành của Việt Nam còn chưa theo kịp với sự phát triển đó. Chẳng hạn, vẫn còn thiếu những quy định pháp lý liên quan đến trách nhiệm của các bên trong giao dịch điện tử hoặc những quy định về thuế, phí trong ngành này.

Thực tế cho thấy, nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực thương mại điện tử đang chịu áp lực cạnh tranh và hao tổn chi phí rất lớn đến từ các chương trình khuyến mãi giảm giá sản phẩm cũng như miễn phí giao hàng… Những điều này đã “ăn mòn” lợi nhuận và khiến hoạt động của các trang TMĐT đang không mấy hiệu quả.

Theo báo cáo của Rocket Internet, năm 2015, Lazada Group từng lỗ khoảng 390 triệu USD – thời điểm ngay trước khi được Alibaba mua lại vào năm 2016.

Còn theo Báo cáo tài chính hợp nhất Quý 3/2017 của VNG, giá trị khoản lỗ khi đầu tư vào Tiki hiện là 171 tỷ đồng trên tổng vốn đầu tư 384 tỷ đồng.

Trước đó, sàn thương mại điện tử Lingo.vn cũng đã phải đóng cửa sau khi lỗ khoảng hơn 150 tỷ đồng.

Với Amazon, họ sẽ chọn bước đi nào trong thời gian tới và điều đó ảnh hưởng như thế nào đến thị trường TMĐT Việt Nam. Chúng ta hãy cùng chờ đợi.

Liên Hương