Một trong những tổ chức đầu tư lớn nhất thế giới là Goldman Sachs cho biết họ đang rút khỏi Nga. Như vậy sau khi Ukraine bị xâm lược, Goldman Sachs trở thành ngân hàng lớn đầu tiên ở Phố Wall tẩy chay nước Nga.

shutterstock 2012934344
(Nguồn: rafapress/ Shutterstock)

Ngân hàng cho biết trong một tuyên bố gửi qua email cho CNBC vào thứ Năm (10/3) rằng họ đang nỗ lực trong thúc đẩy ngừng hoạt động ở Nga.

Người phát ngôn của ngân hàng cho biết: “Goldman Sachs đang trong quá trình cắt giảm hoạt động tại Nga để tuân thủ các yêu cầu về quy định và cấp phép. Chúng tôi đang tập trung vào việc hỗ trợ khách hàng trên toàn cầu trong việc quản lý hoặc chấm dứt các nghĩa vụ hiện có trên thị trường [nước Nga] và đảm bảo phúc lợi cho nhân viên của chúng tôi”.

Quyết định rút khỏi Nga của công ty có quyền lực nhất Phố Wall là một đòn tài chính khác đối với Moscow.

Citigroup đã rút khỏi Nga từ trước khi nổ ra cuộc chiến

Hầu hết các ngân hàng lớn của Mỹ đều có hoạt động khiêm tốn ở Nga, một quốc gia có khu vực địa lý rộng lớn nhưng nền kinh tế tương đối nhỏ.

Theo hồ sơ, Goldman ước tính mạo hiểm liên quan đến thị trường Nga của họ vào khoảng 940 triệu USD, trong đó 650 triệu USD là hoạt động tín dụng, chưa đến 10 điểm cơ bản trong tổng tài sản của họ. Trong khi đó, các ngân hàng bao gồm JPMorgan Chase, Bank of America và Morgan Stanley chưa tiết lộ mối quan hệ của họ với Nga, tuy nhiên theo giới chuyên gia phân tích thì giao dịch với Nga của họ rất hạn chế.  

Hồ sơ cho thấy Citigroup có mức đầu tư lớn nhất, ở mức 9,8 tỷ USD vào cuối năm 2021.

Từ trước khi xung đột Nga-Ukraine, vào năm ngoái Citigroup đã tiết lộ kế hoạch bán doanh nghiệp Nga của họ như một phần của cuộc đại tu chiến lược, đến nay được biết cuộc chiến đã buộc họ phải đóng cửa hoàn toàn các hoạt động ở Nga.

Citigroup đã xác nhận với CNN vào hôm thứ Tư (9/3) rằng họ đang tiếp tục rút khỏi hoạt động kinh doanh tiêu dùng ở Nga. Ngân hàng này đang hỗ trợ các khách hàng doanh nghiệp ở Nga, bao gồm nhiều công ty đa quốc gia của Mỹ và châu Âu đã tạm ngừng hoặc hủy bỏ hoạt động ở đó.

Theo Bloomberg, tuy Goldman Sachs tại New York đang đóng cửa các hoạt động tại Nga, nhưng họ vẫn đang tạo điều kiện thuận lợi cho các giao dịch chứng khoán nợ liên quan đến Nga. Ngân hàng cho biết: “Với tư cách là nhà tạo lập thị trường giữa người mua và người bán, chúng tôi đang giúp khách hàng của mình giảm mức độ tiếp xúc với chứng khoán Nga. Những chứng khoán này được giao dịch trên thị trường thứ cấp thay vì tìm kiếm đầu cơ”.

Điện Kremlin: Ảnh hưởng đối với nền kinh tế Nga là chưa từng thấy

Điện Kremlin hôm thứ Năm (10/3) cho biết nền kinh tế Nga đang trải qua một cú sốc, họ đang thực hiện các bước để giảm thiểu ảnh hưởng “chưa có tiền lệ” của cuộc chiến kinh tế mà Moscow phải hứng chịu.

Sau cuộc xâm lược Ukraine ngày 24/2 của Moscow, phương Tây đã áp đặt các biện pháp trừng phạt cứng rắn đối với gần như toàn bộ hệ thống tài chính và doanh nghiệp của Nga. Các công ty công nghệ bao gồm Apple và Google cũng như các công ty thanh toán Visa và Mastercard là những công ty đầu tiên rút khỏi Nga theo lệnh trừng phạt, theo sát phía sau là các thương hiệu bán lẻ như McDonald’s và Starbucks.

Tổng thống Mỹ Biden hôm 8/3 tuyên bố ngừng nhập khẩu dầu mỏ, khí đốt tự nhiên và than đá từ Nga. Phía Mỹ tuyên bố rằng động thái này là để cắt đứt huyết mạch kinh tế của Nga, trong khi phía Nga cho biết họ đã phát động cuộc chiến kinh tế chống lại Mỹ.

Trong hội nghị trực tuyến vào hôm thứ Năm, người phát ngôn Dmitry Peskov của Điện Kremlin nói với các phóng viên: “Nền kinh tế của chúng ta đang trải qua những cú sốc, hậu quả là tiêu cực nhưng sẽ được giảm thiểu”.