Việt Nam tiếp tục nằm trong số các nước có tình trạng tham nhũng cao trong bảng xếp hạng Chỉ số Cảm nhận Tham nhũng 2017 do Tổ chức Minh bạch Quốc tế (Transparency International) công bố ngày 22/2.

chi so cam nhan tham nhung cpi 2
(Ảnh minh họa: Shutterstock)

Chỉ số Cảm nhận Tham nhũng (CPI) 2017 của Tổ chức Minh bạch Quốc tế dựa theo đánh giá của chuyên gia và doanh nhân về mức độ tham nhũng trong khu vực công. Thang điểm được chấm từ 0 – 100, trong đó 0 là rất tham nhũng và 100 là rất trong sạch.

Việt Nam năm nay được đánh giá 35 điểm, cao hơn 2 điểm so với năm 2016, nhưng vẫn trong nhóm những quốc gia có mức độ tham nhũng cao.

Năm 2017, New Zealand và Đan Mạch được xếp ở thứ hạng cao nhất trên bảng xếp hạng với điểm số lần lượt là 89 và 88. Syria, Nam Sudan và Somalia bị xếp thấp nhất với điểm số tương ứng là 14, 12 và 9.

Khu vực được điểm cao nhất là Tây Âu (trung bình 66 điểm), thấp nhất là tiểu vùng Sahara châu Phi (32 điểm), khu vực Đông Âu và Trung Á (cùng được 34 điểm), khu vực châu Á – Thái Bình Dương có điểm trung bình là 44.

Tính riêng trong khu vực Đông Nam Á, Singapore vẫn giữ vị trí cao nhất, đứng thứ 6 trên bảng xếp hạng toàn cầu với 84 điểm. Indonesia và Thái Lan cùng được 37 điểm, xếp hạng 96. Việt Nam ở vị trí 107, cao hơn Philippines xếp thứ 111, Myanmar: 130, Lào: 135 và Campuchia ở vị trí 161.

chi so cam nhan tham nhung cpi
Chỉ số Cảm nhận Tham nhũng năm 2017 của một số nước ở Đông Nam Á. (Số liệu: Transparency International)

Về bức tranh toàn cảnh, Tổ chức Minh bạch Quốc tế đánh giá kết quả CPI 2017 vẫn đầy quan ngại, dù có những nỗ lực chống tham nhũng trên toàn thế giới. Đa số các nước tiến quá chậm trong những nỗ lực chống tham nhũng. Đáng chú ý, có tới hơn 2/3 quốc gia dưới 50 điểm trong khi điểm trung bình toàn cầu là 43.

Theo Tổ chức Minh bạch Quốc tế, trong khi việc ngăn chặn làn sóng tham nhũng cần phải có thời gian, nhưng trong 6 năm qua, nhiều quốc gia ít có tiến bộ nếu không nói là không có tiến bộ gì cả.

Tổ chức Minh bạch Quốc tế cũng xem xét mối quan hệ giữa mức độ tham nhũng và tự do mà các tổ chức dân sự có thể hoạt động được và ảnh hưởng đến chính sách công. Việc phân tích căn cứ trên dữ liệu từ Dự án Công lý Thế giới cho thấy hầu hết các quốc gia có điểm thấp về quyền tự do dân sự thường có điểm cao về tham nhũng.

Ông Delia Ferreira Rubio, Chủ tịch Tổ chức Minh bạch Quốc tế cho biết kết quả CPI không chỉ liên quan đến các cuộc tấn công vào tự do báo chí và các tổ chức xã hội dân sự, mà mức tham nhũng cao còn tương quan với luật pháp yếu, thiếu tiếp cận thông tin, kiểm soát của chính phủ về phương tiện truyền thông xã hội và giảm sự tham gia của người dân. Trên thực tế, điều đang bị đe dọa là các đặc tính căn bản nhất của nền dân chủ và tự do.

Tổ chức này cũng cho rằng tham nhũng không thể bị đẩy lùi nếu không có sự tham gia tích cực của báo chí, người dân và các tổ chức xã hội.

Trong một báo cáo gần đây của tổ chức Heritage Foundation về xếp hạng Chỉ số Tự do kinh tế 2018, Việt Nam cũng chỉ khiêm tốn xếp thứ 141/180, thấp hơn Lào, Campuchia và thuộc nhóm nước phần lớn không có tự do kinh tế (mostly unfree).

Ra đời kể từ năm 1995, bảng xếp hạng Chỉ số Cảm nhận Tham nhũng của Tổ chức Minh bạch Quốc tế dựa trên dữ liệu của 12 tổ chức quốc tế khác nhau trong đó có Ngân hàng Thế giới, Ngân hàng Phát triển châu PhiDiễn đàn Kinh tế Thế giới. Đây là một trong những chỉ số về tham nhũng được trích dẫn nhiều nhất trên thế giới.

Minh Sơn

Xem thêm: