Việt Nam nợ quá hạn nước ngoài hơn 470 triệu USD; Việt Nam có 4 tỷ phú lọt vào danh sách Forbes 2018; Amazon chính thức vào Việt Nam và Tổng thống Mỹ ký sắc lệnh thuế mới… là những tin kinh tế nổi bật trong tuần qua.

no nuoc ngoai bang USD
(Ảnh: Pixabay)

Tin kinh tế Việt Nam

  • Việt Nam nợ quá hạn nước ngoài hơn 470 triệu USD. Tính đến 31/12/2016, dư nợ nước ngoài của Chính phủ gần 947.500 tỷ đồng, tương đương gần 43 tỷ USD, chiếm 39,8% tổng dư nợ. Trong đó, nợ quá hạn hơn 10.500 tỷ đồng (hơn 479 triệu USD), do gánh nặng nợ từ hàng loạt dự án không hiệu quả, trong đó phần lớn đến từ Vinashin.Về nợ công, Báo cáo kiểm toán cho biết nợ công năm 2016 sau kiểm toán lên đến 2,868 triệu tỷ đồng, tăng thêm 5.000 tỷ đồng (chủ yếu là nợ nước ngoài) so với con số công bố trước đó.
  • CPTPP chính thức được ký kết, điều này có ý nghĩa gì với Việt Nam? Vào ngày 8/3, tại Thủ đô Santiago (Chile), Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) chính thức được đại diện 11 nước thành viên chắp bút ký.
    Mặc dù vậy, trong ngày diễn ra buổi lễ ký kết, nhiều nhà phê bình ở các quốc gia khác nhau từ Canada, Chile cho đến New Zealand và Úc đều lên tiếng phản đối Hiệp định này.

    Đối với Việt Nam – vốn phụ thuộc quá nhiều vào các doanh nghiệp FDI (chiếm hơn 72% tổng lượng xuất khẩu) và nội lực còn yếu – việc tham gia CPTPP có chăng sẽ chỉ mang lại dòng vốn FDI và ngoại tệ lớn, khiến tài sản của một nhóm nhỏ siêu giàu theo đó tiếp tục tăng nhanh, mà như báo cáo mới đây của Knight Frank cho thấy Việt Nam là nước có số lượng người siêu giàu gia tăng nhanh nhất thế giới?

  • Amazon chính thức vào Việt Nam trong tháng 3. Thông tin vừa được ông Nguyễn Thanh Hưng, Chủ tịch Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) cho biết.Theo dự kiến ban đầu, Amazon sẽ hướng đến hợp tác với các công ty xuất nhập khẩu nhỏ và vừa trong nước, hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam bán hàng và xuất khẩu thông qua mạng lưới toàn cầu của Amazon.Trước đó vào cuối năm 2017, Tập đoàn thương mại điện tử lớn nhất Trung Quốc Alibaba cũng đã gia nhập thị trường Việt Nam. Điều này hứa hẹn sẽ mang đến nhiều chuyển biến mới trong ngành thương mại điện tử cũng như thói quen mua sắm của người Việt.

Tin tài chính – ngân hàng

  • 2 tháng đầu năm 2018: Chi thường xuyên chiếm hơn 83% tổng chi ngân sách nhà nước. Cơ cấu chi tiêu của Chính phủ đang gây ra nhiều áp lực đè nặng lên ngân sách, khi phải chu cấp gần 147.800 tỷ đồng cho khoảng bốn triệu công viên chức trong bộ máy quản lý, chiếm hơn 83% tổng chi ngân sách hai tháng đầu năm.Thực tế này đã tồn tại trong nhiều năm qua nhưng vẫn chưa có lời giải thỏa đáng, các kế hoạch tinh giản biên chế gần như không cho thấy một kết quả khả quan khiến chi thường xuyên tăng đều qua các năm.
  • Ngân hàng Hàn Quốc sắp trở thành cổ đông chiến lược của BIDV. Trang tin Business Korea của Hàn Quốc hôm mùng 9/3 vừa đưa tin Ngân hàng KEB Hana dự định sẽ mua lại cổ phần phát hành mới của BIDV để mở rộng hoạt động tại Việt Nam.
  • Forbes công bố danh sách tỷ phú năm 2018, Việt Nam đóng góp 4 người. Ngoài hai cái tên quen thuộc là tỷ phú Phạm Nhật Vượng và Nguyễn Thị Phương Thảo đều có thứ hạng tăng mạnh trong năm nay, còn có 2 tỷ phú mới được lọt vào danh sách, đó là ông Trần Đình Long – người sáng lập Tập đoàn Hòa Phát và ông Trần Bá Dương – Chủ tịch HĐQT Công ty ô tô Trường Hải (Thaco).Danh sách năm nay cũng cho thấy tài sản của những người siêu giàu tiếp tục tăng thêm khiến khoảng cách giữa họ với những người còn lại cũng được nới rộng. Đồng thời, đây cũng là năm có nhiều tỷ phú nhất trong 32 năm Forbes công bố dánh sách tỷ phú.
  • Theo Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia, trong 2 tháng đầu năm 2018, NHNN đã cung ứng ròng 70.000 tỷ đồng và mua lượng lớn ngoại tệ, điều này đã hỗ trợ đáng kể cho tính thanh khoản toàn hệ thống. Bên cạnh đó, báo cáo của tổ chức này còn cho biết trong tháng 1/2018, vốn huy động bằng VNĐ tăng nhẹ 0,6% (chiếm 90,3% tổng vốn huy động), trong khi vốn huy động bằng ngoại tệ giảm 0,3% và chỉ chiếm 9,7%.

Chứng khoán – Bất động sản

  • TTCK thế giới đồng loạt tăng điểm. TTCK từ Âu sang Mỹ đến Nhật Bản, Trung Quốc đều có tuần giao dịch tích cực khi nguy cơ về chiến tranh thương mại toàn cầu gần như bị đẩy lùi. Những chính sách quyết đoán của ông Trump dường như có tác động tích cực đến thị trường.Ở Mỹ, chỉ số S&P 500 đóng cửa ở mức 2.786 điểm (tăng 3,9%), chỉ số Dow Jones Industrial Average đóng cửa ở 25.335 điểm (tăng 2,5%), chỉ số Nasdaq Composite của nhóm ngành công nghệ cao xác lập kỷ lục mới khi đóng cửa ở 7.560 điểm (tăng 4,7%).

    Ở châu Âu, chỉ số FTSE 100 của Anh đóng cửa ở 7.224 điểm (tăng 2,2%), chỉ số CAC 40 của Pháp cũng tăng 3,2% khi đóng cửa ở 5.274 điểm và chỉ số DAX 30 của Đức đóng cửa ở 12.346 điểm (tăng 4,3%).

    Tại châu Á, chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản tăng 1,4% và đóng cửa ở mức 21.469 điểm. Trong khi đó, chỉ số Hang Seng Index của Trung Quốc đóng cửa ở 30.996 điểm (tăng 1,5%) và chỉ số Shanghai Composite đóng cửa ở 3.307 điểm (tăng 1,6%).

    Được hỗ trợ từ thông tin CPTPP chính thức được ký kết, TTCK Việt Nam đã vượt qua đà sụt giảm của phiên đầu tuần để có tuần giao dịch tăng điểm nhẹ. Cụ thể, chỉ số VnIndex đóng cửa ở 1.123,41 điểm (tăng 0,2%) và HNX-Index chốt phiên ở 127,58 điểm (tăng 0,52%).

  • Tập đoàn Thái Lan thâu tóm thành công gần 50% cổ phần Nhựa Bình Minh. Kết thúc phiên đấu giá vào chiều ngày 9/3, Công ty Nawaplastic Industries (Saraburi), thành viên của Tập đoàn SCG Thái Lan đã trúng thầu trọn lô 24,16 triệu cổ phiếu, tương đương 29,5% vốn Nhựa Bình Minh, qua đó nâng tỷ lệ sở hữu của người Thái tại Nhựa Bình Minh lên 49,91% vốn, tương đương 40,86 triệu cổ phiếu.Với mức giá trúng thầu bằng với mức giá khởi điểm là 96.500 đồng/cp, dự tính Nhà nước sẽ thu về hơn 2.330 tỷ đồng từ thương vụ này.
  • TP.HCM: Dư thừa hàng ngàn căn hộ tái định cư. Kiểm toán Nhà nước trích dẫn báo cáo từ Sở Xây dựng TP.HCM cho biết lũy kế từ năm 2004 – 2016, thành phố đã đầu tư xây dựng, hoàn thành và mua lại tổng cộng 36.566 căn hộ và nền đất để phục vụ cho việc tái định cư. Tuy nhiên, hoạt động đầu tư xây dựng và mua nhà đất phục vụ tái định cư của thành phố vẫn còn nhiều tồn tại…

Tin kinh tế thế giới

  • Mỹ thông qua sắc lệnh áp thuế mới, sẽ miễn trừ thuế thép cho Úc. Ngày 8/3, Tổng thống Mỹ Donald Trump ký sắc lệnh công bố áp mức thuế suất mới – 25% đối với mặt hàng thép và 10% đối với mặt hàng nhôm nhập khẩu. Quy định mới sẽ chính thức có hiệu lực trong 15 ngày tới.Theo đó, mức thuế suất mới sẽ được áp dụng cho tất cả các quốc gia ngoại trừ Mexico và Canada; Úc đang được cân nhắc. Phía Liên minh châu Âu (EU) và Nhật Bản ngay sau đó cũng bày tỏ mong muốn được xếp vào danh sách miễn thuế.Trước đó, phía EU đã lên tiếng đe dọa áp thuế trả đũa các hàng hóa của Mỹ, trong đó có các sản phẩm như rượu whisky ngô và quần jean.
  • Tự do thương mại hay bảo hộ thương mại thì sẽ tốt hơn? Những ngày này, các cuộc tranh cãi về tự do hay bảo hộ thương mại diễn ra từ khắp trong nước cho tới thế giới, mà nổi bật trong đó là chuyện Hoa Kỳ áp thuế nhập khẩu đối với thép và nhôm xuất khẩu vào Mỹ. Điều được giới chuyên gia nhận định là một chiến lược khôn ngoan và táo bạo của ông Trump nhằm kìm hãm sự thống trị ngành thép thế giới của Trung Quốc, qua đó đảm bảo an ninh quốc gia, ngành thép và các công nhân Mỹ.
  • Trung Quốc đang ôm khối nợ 30.000 tỷ USD. Theo Bloomberg, các công ty nhà nước đang trở thành chướng ngại lớn của nền kinh tế Trung Quốc. Nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang “chìm ngập” trong khối nợ 30.000 tỷ USD (tương đương 259% GDP) và con số này được dự báo sẽ tăng lên 327% GDP vào 2022 nếu Bắc Kinh không có biện pháp kiểm soát.

Minh Sơn (T/h)

Xem thêm: