TP.HCM vừa kiến nghị tăng thu thuế nhà, đất khi người sở hữu “không trực tiếp sử dụng” hoặc “bất động sản thứ hai trở lên”. Bên cạnh đó, nhiều chuyên gia cho rằng cần phải giảm tình trạng đầu cơ nhà đất, nhưng phải xem xét phân tích kỹ nên đánh thuế vào loại hình bất động sản nào, giá trị và mục đích sử dụng thực tế của nó.

bat dong san chung cu nha pho thi truong nha dat tp.hcm 426209584
TP.HCM chọn phương án đề xuất tăng thu thuế nhà, đất để giảm tình trạng đầu cơ bất động sản. (Ảnh minh họa: Dorothy Pham/Shutterstock)

Vừa qua, UBND TP.HCM đã trình Bộ Kế hoạch và Đầu tư hồ sơ dự thảo nghị quyết thay thế nghị quyết 54/2017 của Quốc hội. Trong đó, một nội dung đáng chú ý là việc thu thuế đối với cá nhân sở hữu bất động sản thứ 2.

Cụ thể, thành phố đưa ra hai phương án: Phương án 1 thí điểm thu thuế đối với nhà và đất mà chủ sở hữu không trực tiếp sử dụng cho cá nhân và gia đình (nhà đất thứ 2 trở lên).

Phương án 2 chấp thuận cho thành phố tăng mức thu liên quan đến nhà đất thứ 2 trở lên gồm lệ phí trước bạ khi mua, nhận chuyển nhượng nhà đất; thuế sử dụng đất phi nông nghiệp và thuế thu nhập cá nhân từ hoạt động chuyển nhượng nhà đất…

Theo cơ quan này, phương án 1 có nhiều thách thức hơn và khó thực hiện trong thời điểm này. Do đó, UBND TP.HCM lựa chọn đề xuất phương án 2 và có cơ sở đánh giá hiệu quả thu ngân sách nhà nước.

Mức tăng do HĐND thành phố quyết định, gồm: thuế sử dụng đất phi nông nghiệp đối với đất ở (không quá 5 lần mức hiện hành) và thuế thu nhập cá nhân từ hoạt động chuyển nhượng nhà đất thứ hai trở lên (không quá 2 lần mức hiện hành); tăng tỷ lệ thu lệ phí trước bạ khi mua, nhận chuyển nhượng nhà đất thứ hai trở lên từ mức 0,5% giá trị chuyển nhượng lên mức 2%, và mức tối đa chuyển nhượng một hồ sơ từ mức 500 triệu đồng lên một tỷ đồng.

Thành phố sẽ hưởng 100% số thu tăng thêm từ khoản này và không dùng để xác định tỷ lệ phần trăm với các khoản thu phân chia giữa ngân sách Trung ương và địa phương.

Đánh thuế bất động sản thứ hai để giảm đầu cơ nhà đất?

Trước đó, TP.HCM đã từng nhiều lần đề xuất thí điểm việc đánh thuế sở hữu bất động sản thứ 2. PGS.TS Nguyễn Khắc Quốc Bảo – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế TP.HCM (UEH) cho rằng đánh thuế sẽ góp phần đưa giá trị bất động sản quay về giá trị thật, Dân Việt đưa tin.

Theo ông Bảo, khoản thuế này sẽ hạ thấp tỷ suất lợi nhuận của những người nắm giữ nhà, đất chờ lên giá sinh lời mà không đưa vào sử dụng.

Còn ông Lê Hoàng Châu – Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP HCM (HoREA) cho rằng việc tính đến thí điểm đánh thuế bất động sản thứ hai từ năm 2025 để chống đầu cơ là cần thiết cho thị trường.

Ông Châu cho biết rất cần thiết đánh thuế trên cơ sở kết hợp định tính (mục đích sử dụng), định giá (giá trị) và định lượng (số lượng) tài sản. Ví dụ: nếu là căn nhà thứ hai trở lên, không phục vụ mục đích để ở nhưng dùng vào việc kinh doanh có đóng thuế, không nên đánh thêm thuế tài sản trường hợp này vì phát sinh thuế chồng thuế.

Về giá trị, theo ông Châu không nên đánh thuế căn nhà thứ hai nếu tài sản này có giá trị thấp (ví dụ lấy mốc không đánh thuế nhà có giá trị dưới 2 tỷ đồng). Nếu căn nhà thứ hai nhưng diện tích quá nhỏ (TP.HCM có nhiều khu vực tồn tại loại nhà phố hẻm 10-15-20 m2 một căn) cũng không nên đánh thuế.

Một vấn đề cần lưu ý khác theo các chuyên gia là tiền sử dụng đất không được xem là thuế nhưng bản chất khoản thu này không khác gì công cụ thuế.

Ông Châu cho biết hiện tiền sử dụng đất tại Việt Nam rất cao, chiếm khoảng 10% giá trị căn hộ, chiếm trên dưới 30% giá trị nhà phố (nhà gắn liền với đất) và chiếm 50% giá trị nhà biệt thự. Do đó, Nhà nước nên giảm tiền sử dụng đất xuống để tạo sự đồng thuận cao của người dân trong quá trình đánh thuế tài sản, mục đích tránh tình trạng thuế chồng thuế.

Đức Minh