Theo bản Dự thảo vừa được Bộ Kế hoạch và Đầu tư gửi Bộ Tư Pháp thẩm định, TP.HCM sẽ chưa thực hiện việc thí điểm tăng thuế sử dụng đất phi nông nghiệp với đất ở, thuế thu nhập cá nhân khi chuyển nhượng từ bất động sản (BĐS) thứ 2 trở lên. Bên cạnh đó, Chính phủ Việt Nam vừa đưa ra một số giải pháp để doanh nghiệp bất động sản tiếp cận các nguồn vốn.

chung cu du an bat dong san ha noi bat dong san 204373546
HoREA nhận định thị trường BĐS năm 2023 sẽ là năm quyết định ‘sống còn’. (Ảnh minh họa: Ovu0ng/Shutterstock)

Trong các kiến nghị được đưa ra để sửa đổi Nghị quyết 54, TP.HCM có đề xuất thu thuế nhà, đất thứ hai; tăng thuế sử dụng đất phi nông nghiệp với đất ở; tăng thuế thu nhập cá nhân khi chuyển nhượng BĐS thứ 2 trở lên. Tuy vậy, tại bản dự thảo mới nhất vừa được Bộ Kế hoạch & Đầu tư gửi Bộ Tư pháp thẩm định, các chính sách này đều được bỏ, báo Vnexpress đưa tin.

Cụ thể, sau khi bỏ thí điểm cơ chế đánh thuế với nhà, đất ở thứ 2 tại TP.HCM, dự thảo cập nhật mới cũng bỏ đề xuất tăng thuế sử dụng đất phi nông nghiệp với đất ở, thuế suất thu nhập cá nhân khi chuyển nhượng nhà đất thứ 2 trở lên.

Vào tuần trước, Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) khi góp ý kiến với thành phố cũng đề nghị không thí điểm hai chính sách này trong 2 năm tới. Lý do là thực hiện lúc này có thể dồn thêm gánh nặng cho người dân trong bối cảnh kinh tế còn nhiều khó khăn, thu nhập các hộ gia đình, cá nhân giảm hậu đại dịch COVID-19 (Viêm phổi Vũ Hán).

Góp ý trước đó, Bộ Tài chính cũng phản đối việc đánh thuế với nhà ở, đất ở thứ 2 vì lo ngại không đảm bảo công bằng trong nhiều trường hợp. Thực tế, giá trị nhà ở, đất ở có chênh lệch rất lớn, nếu đánh thuế sẽ có trường hợp BĐS có giá trị không lớn lại thuộc đối tượng chịu thuế, và ngược lại. Do đó, nếu áp dụng không đáp ứng mục tiêu chính sách thuế là điều tiết hợp lý thu nhập của người sở hữu nhiều nhà, đất.

Về thị trường bất động sản, Chính phủ Việt Nam vừa ban hành Nghị quyết 33 đưa ra một số giải pháp để giải quyết vướng mắc pháp lý và tắc dòng vốn (tín dụng, vốn trái phiếu doanh nghiệp). Cụ thể, về vốn, doanh nghiệp BĐS khó khăn sẽ được ngân hàng xem xét giãn nợ gốc, lãi vay, cơ cấu lại nhóm nợ.

Bên cạnh đó, các dự án đáp ứng nhu cầu thực của người dân, có hiệu quả, thanh khoản tốt, như nhà ở xã hội, cải tạo chung cư cũ, văn phòng cho thuê, BĐS phục vụ sản xuất, công nghiệp, du lịch cũng được tạo điều kiện vay vốn.

Ngoài ra, các dự án BĐS có đủ điều kiện pháp lý, khả năng tiêu thụ sản phẩm và kế hoạch trả nợ cũng sẽ được tạo điều kiện tiếp cận tín dụng. Trong đó, sẽ ưu tiên cho vay với các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân và các loại hình BĐS phục vụ sản xuất, kinh doanh, an sinh xã hội. “Dòng vốn sẽ tập trung cho các dự án, phương án vay khả thi, khách hàng có năng lực tài chính, khả năng trả nợ đầy đủ và đúng hạn”, Nghị quyết 33 cho biết.

Báo cáo BĐS nghỉ dưỡng mới nhất của DKRA Việt Nam cho biết trong hai tháng đầu năm 2023, thị trường ven biển “đóng băng”. Biệt thự nghỉ dưỡng ghi nhận nguồn cung và sức cầu giảm mạnh so với cùng kỳ, thị trường ngủ đông trong 2 tháng vừa qua khi hàng loạt dự án đóng giỏ hàng và dời thời gian triển khai bán hàng giữa bối cảnh khó khăn hiện nay.

Thanh khoản thị trường ở mức kém kỷ lục, lượng giao dịch ghi nhận mức thấp nhất trong 10 năm qua. Các dự án sơ cấp lẫn dự án mới đều có tình hình bán chậm dù những chính sách như hỗ trợ lãi suất, ân hạn nợ gốc vẫn tiếp tục được nhiều chủ đầu tư áp dụng để hỗ trợ khách hàng.

Ở phân khúc nhà phố – shophouse biển, nguồn cung và thanh khoản ghi nhận xuống thấp nhất từ trước đến nay khi không có giao dịch thành công nào trong 2 tháng qua. Trước thực tế nghẽn dòng vốn của ngành địa ốc cũng như những bất ổn kinh tế, thanh khoản shophouse biển lao dốc. Một số chủ đầu tư đưa ra chính sách chiết khấu shophouse biển lên đến 30-40% giá bán nhằm kích cầu thị trường giữa bối cảnh khó khăn như hiện nay song không thể vực dậy lực cầu đang rất yếu.

Cushman & Wakefield Việt Nam cũng cho biết cả nguồn cung lẫn thanh khoản của nhiều dự án BĐS nghỉ dưỡng đều lao dốc trong 2 tháng đầu năm 2023. Đơn vị này đánh giá, do các tài sản ven biển phụ thuộc lớn vào thị trường đầu tư và khai thác hơn là mua để ở (sử dụng) nên trong quý đầu năm 2023 vẫn chịu nhiều sức ép bởi thắt chặt tín dụng, lãi suất cao và tâm lý người mua xuống thấp.

Đức Minh