UBND tỉnh Quảng Nam đã gửi văn bản tới Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản (VASEP) đề nghị hỗ trợ tiêu thụ gần 1.000 tấn mực khô tồn đọng tại cảng cá An Hòa, huyện Núi Thành.

quang nam nho cuu gan 1 000 tan muc kho u dong
Mực khô ở Quảng Nam được đánh bắt xa bờ, phơi và đóng kiện ngay trên thuyền. (Hình ảnh: qrt.vn)

Văn bản do ông Lê Trí Thanh, Phó chủ tịch tỉnh Quảng Nam ký đề nghị các cơ quan trên xem xét, hỗ trợ việc đàm phán với các bộ ngành, hải quan Trung Quốc để sản phẩm mực khơi khô được xuất khẩu sang thị trường nước này trong thời gian sớm nhất.

Ngoài ra, tỉnh Quảng Nam đề nghị được hỗ trợ xúc tiến đầu tư, kêu gọi các doanh nghiệp trong nước chế biến sâu các mặt hàng từ mực khơi khô để giúp ngư dân tiêu thụ được sản phẩm.

Trước đó, UBND huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam đã báo cáo về tình hình các chủ tàu khai thác mực xà không thể tiêu thụ được sản phẩm, tồn đọng gần 1.000 tấn mực khô.

Theo báo cáo, giá mực dao động trong khoảng 120.000-160.000 đồng/kg, nay các chủ tàu phải hạ giá thấp hơn nhưng vẫn không có người mua. Nguyên nhân do theo quy định mới của phía Trung Quốc, việc nhập khẩu một số sản phẩm nông nghiệp (trong đó có mực khô) phải theo đường chính ngạch. Điều này đặt ra yêu cầu phải truy xuất nguồn gốc, trong khi các đầu mối xuất khẩu Việt Nam vẫn chưa thay đổi để chuyển từ tiểu ngạch sang chính ngạch, dẫn đến hàng hóa bị ứ đọng. Trước đây, mực khô thường được thương lái thu mua, xuất khẩu sang Trung Quốc qua đường tiểu ngạch và một số ít xuất sang Thái Lan.

Tổng sản lượng mực khô trên địa bàn Núi Thành hiện nay chưa tiêu thụ được là 930 tấn, trong đó sản lượng mực khô hiện tồn kho trên các tàu khoảng 800 tấn; 3 tư thương thu mua mực khô xuất bán sang Trung Quốc tồn kho khoảng 130 tấn. Dự báo số tồn đọng có thể tăng lên trong thời gian tới.

quang nam nho cuu gan 1 000 tan muc kho u dong 1
Hơn 18 tấn mực khô trong hầm tàu của anh Trần Văn Mạnh (ngụ xã Bình Minh, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam) bị ứ đọng, không bán được do phía TQ từ chối thu mua theo đường tiểu ngạch. (Hình ảnh: qrt.vn)

Thông tin về việc Trung Quốc siết hoạt động nhập khẩu qua đường tiểu ngạch – quy định phải nhập chính ngạch với nhiều loại hàng hóa, có dán tem và truy xuất nguồn gốc – không phải là mới khi từ tháng 6/2014, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã cảnh báo và bàn bạc để “hạn chế rủi ro”. Bộ này xác định nếu quy định này đi vào thực tiễn thì những mặt hàng Việt Nam bị ảnh hưởng nặng sẽ là cao su, thanh long, một số loại rau củ quả và những mặt hàng tươi sống.

Từ thời điểm năm 2014 tới nay, nông sản của Việt Nam xuất sang Trung Quốc chủ yếu vẫn qua đường tiểu ngạch. Tháng 4 vừa qua, dứa chín đầy nương rẫy nhưng không xuất được sang Trung Quốc do dứa chưa phải là mặt hàng xuất được chính ngạch vào thị trường này. Với mức giá chỉ còn 1.800-2.000 đồng/kg, theo các hộ nông dân trồng dứa, dù bán hết, người trồng vẫn phải bù lỗ khoảng 1.000 đồng/kg. Chỉ tính riêng tại tỉnh Lào Cai, diện tích trồng dứa khoảng 1.200 ha.

Buôn bán tiểu ngạch (hay mậu dịch tiểu ngạch) là một phương thức xuất nhập khẩu được pháp luật thừa nhận với lượng hàng hóa giao dịch nhỏ, phương tiện vận chuyển đơn giản, thuế suất thấp và ít bị các ràng buộc rắc rối về thủ tục pháp lý thương mại quốc tế.

Buôn bán chính ngạch yêu cầu phải có hợp đồng ngoại, ngân hàng thanh toán, xuất nhập qua cửa khẩu quốc tế và quốc gia. Còn xuất nhập khẩu tiểu ngạch thì không có hợp đồng, mang hàng sang bên kia biên giới nhưng chưa xác định được người mua và địa điểm xuất nhập khẩu là các cửa khẩu phụ, cặp chợ đường biên.

Buôn bán tiểu ngạch vẫn phải kê khai hải quan, nộp thuế, phí kiểm dịch… tương tự buôn bán chính ngạch, theo đó, buôn bán tiểu ngạch khác với hình thức buôn lậu, trốn thuế…

Theo một con số thống kê do Bộ Công Thương công bố năm 2010, giá trị buôn bán tiểu ngạch giữa Việt Nam và Trung Quốc là khoảng 10 tỷ USD tại các cửa khẩu chính yếu tập trung ở Quảng Ninh, Lạng Sơn, Lào Cai, không kể những khối lượng giao dịch không qua kê khai, trốn thuế, hàng lậu…

Nguyễn Quân

Xem thêm: