Tối muộn ngày 27/7, Bộ Công Thương Việt Nam công bố việc đề xuất Thủ tướng cho phép hàng hoá được lưu thông nếu không nằm trong danh mục hàng hóa “cấm lưu thông”. Danh mục này cũng sẽ thay thế cho việc liệt kê danh mục “hàng hóa thiết yếu” vốn đang vướng mắc khi giới chức nhiều tỉnh thành lý giải bất nhất, gây “nghẽn” lưu thông. 

tac nghen van chuyen hanoi
Cửa ngõ Hà Nội tắc nghẽn, nhiều xe buộc phải quay đầu khi Hà Nội ra quyết định giãn cách theo Chỉ thị 16 vào tối 23/7, áp dụng ngay từ 6h ngày 24/7. (Ảnh: thanhuytphcm.vn)

Công văn số 4482 do Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải ký chiều ngày 27/7/2021 cho biết thời gian vừa qua, khi một số tỉnh, thành phố thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, đã xuất hiện tình trạng một số địa phương còn lúng túng và thực hiện thiếu thống nhất trong việc cho phép lưu thông hàng hóa.

Trước các văn bản hướng dẫn của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương, Bộ Y tế và Bộ Giao thông Vận tải, mỗi địa phương lại có cách hiểu và triển khai khác nhau “nên xảy ra tình trạng một số hàng hóa là nguyên liệu đầu vào của sản xuất hoặc phục vụ nhu cầu thiết yếu cho đời sống gặp khó khăn, thậm chí ách tắc khi lưu thông trong nội tỉnh hoặc giữa các tỉnh thành với nhau.

Theo đó, Bộ Công thương kiến nghị Thủ tướng Chính phủ “cho phép lưu thông như trong điều kiện bình thường các hàng hóa cần vận chuyển với điều kiện bảo đảm phòng, chống dịch COVID-19“, ngoại trừ những hàng hóa cấm kinh doanh hoặc hàng hóa hạn chế kinh doanh.

Bộ Công thương cho hay nếu đề xuất này được thông qua, các cơ sở kinh doanh, doanh nghiệp chỉ cần tham chiếu theo danh mục hàng hóa, dịch vụ cấm kinh doanh (19 loại) và danh mục hàng hóa, dịch vụ hạn chế kinh doanh (7 loại) – vốn đã được ban hành kèm theo Nghị định 59/2006/NĐ-CP ngày 12/6/2006, để xác định.

Các hàng hóa, dịch vụ còn lại không nằm trong danh sách này sẽ được cấp “thẻ xanh” để lưu thông trong các tỉnh thành, hoặc giữa các tỉnh thành với nhau – Bộ Công thương đề nghị.

Những hàng hóa, dịch vụ bị cấm kinh doanh và hạn chế kinh doanh được quy định theo danh mục sau:

phu luc 1 1
Danh mục hàng hóa, dịch vụ cấm kinh doanh. (Nguồn: Bộ Công thương)
phu luc 2
Danh mục hàng hóa, dịch vụ cấm kinh doanh. (Nguồn: Bộ Công thương)
phu luc 3
Danh mục hàng hóa, dịch vụ cấm kinh doanh. (Nguồn: Bộ Công thương)
phu luc 4
Danh mục hàng hóa, dịch vụ hạn chế kinh doanh. (Nguồn: Bộ Công thương)

Cùng ngày, Bộ Công thương ra văn bản gửi Sở Công thương các tỉnh thành rà soát, đề xuất với UBND cấp tỉnh cho phép lưu thông hàng hoá khi thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16, trong đó yêu cầu là làm rõ danh mục hàng thực phẩm có mặt hàng đồ uống, sữa. Vừa qua, nhiều xe chở sữa, đồ uống bị buộc phải quay đầu do các giới chức các tỉnh thành cho rằng đây không phải hàng hoá thiết yếu.

Trong cuộc họp trực tuyến giữa Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) với 19 tỉnh thành phía Nam vào hôm 18/7, nhiều hiệp hội ngành hàng cho biết mặt hàng sữa được xếp vào nhóm hàng hoá thiết yếu ở tỉnh này, nhưng không thuộc nhóm hàng hoá thiết yếu ở tỉnh khác, nên các doanh nghiệp sữa không thể giao hàng tới đại lý. Nông dân, doanh nghiệp buộc phải đổ bỏ từ vài chục đến hàng ngàn lít sữa mỗi ngày.

Ngoài ra, mặt hàng đồ uống (nước đóng chai, nước đóng lon…) vì không nằm trong nhóm hàng hoá thiết yếu nên không phải địa phương nào cũng đưa mặt hàng này vào danh sách hàng hóa thiết yếu khi giãn cách xã hội, trong khi thời hạn sử dụng của loại mặt hàng này chỉ 2-3 tháng.

Minh Sơn

Xem thêm: