Với phương châm “người Mỹ trên hết”, ông Trump thực hiện chiến lược cải cách thuế, giảm thuế lớn nhất cho doanh nghiệp và người dân trong hơn 3 thập kỷ trở lại, trong khi đó, người Việt đang phải hứng chịu áp lực từ nhiều loại thuế phí gia tăng để bù đắp thiếu hụt ngân sách của Chính phủ.

Embed from Getty Images

Khác biệt trong điều hành chính sách giữa hai Chính phủ

Một trong những ưu tiên hàng đầu mà ông Trump nỗ lực thực hiện kể từ thời điểm lên nắm quyền là cải cách thuế, giảm thuế cho doanh nghiệp và loại bỏ thuế di sản cho người dân – một loại thuế đánh vào di sản của người đã khuất.

Còn ở Việt Nam mới đây vào hôm qua (13/4), Bộ Tài chính lại tiếp tục đưa ra đề xuất đánh thuế tài sản đối với nhà ở từ 700 triệu và ô tô từ 1,5 tỷ đồng trở lên. Đáng chú ý, đề xuất được đưa ra không lâu sau khi có thông tin nhiều khả năng đề xuất tăng thuế môi trường đối với xăng dầu lên kịch khung 4.000 đồng/lít trước đó của Bộ này có nhiều khả năng được thông qua tại kỳ họp Quốc hội tới.

Bên cạnh đó, hàng loạt các phương án tăng thuế VAT, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế tiền lãi tiết kiệm, thuế thu nhập cá nhân, thuế chi phí lãi vay… vẫn đang trong quá trình xem xét và thăm dò phản ứng dư luận.

Khác biệt thứ hai là trong khi Mỹ đang thực hiện chính sách bảo hộ thương mại nhằm gia tăng việc làm cho công dân Mỹ, thì Việt Nam xem việc ký kết được bao nhiêu Hiệp định thương mại tự do (FTA) với ASEAN, Trung Quốc, Hàn Quốc hay với nhiều nước khác như một thành tích mà không cân nhắc đến tính cần thiết của nó.

Hệ quả là có những FTA mà Việt Nam hoàn toàn bị các nước xuất siêu vào (như với Nga, Uzbekistan, Kazakhstan…) trong khi thuế xuất nhập khẩu ngày càng giảm, hàng ngàn dòng thuế bị đẩy về 0% theo tiến trình hội nhập. Điều này dẫn đến thiếu hụt nguồn thu lớn trong bối cảnh chi tiêu công vẫn cứ liên tục tăng đều. Để bù đắp khoản thiếu hụt này, Chính phủ tìm mọi cách tăng thu nội địa mà người dân là đối tượng chịu thuế chính.

Thứ ba, nếu như ông Trump sẵn sàng lên tiếng phản đối nạn ăn cắp bản quyền và chính sách trợ giá của Trung Quốc cho các công ty nội địa bán phá giá vào Mỹ, đồng thời không ngần ngại dùng biện pháp mạnh tay với Trung Quốc để ngăn chặn khoản thâm hụt thương mại lớn; thì ở Việt Nam, mặc cho nông sản trong nước bị rớt giá thê thảm, người nông dân nuốt nước mắt đổ bỏ, để phơi đồng củ cải, mía đường không buồn thu hoạch… nhập khẩu rau quả trong quý 1/2018 vẫn tăng mạnh với gần 8.000 tỷ đồng, tăng 51% so với quý 1/2017, trong đó chủ yếu nhập từ Trung Quốc và Thái Lan.

Đánh vào nền nông nghiệp, nông dân nghèo là đòn thâm hiểm mà Trung Quốc thường sử dụng. Và hơn bất cứ nơi đâu, Việt Nam đang hứng chịu hậu quả trầm trọng từ đòn hiểm của “người hàng xóm”.

Điều đó có thể dễ dàng thấy được qua các cuộc “giải cứu nông sản” xuất hiện nhiều trong những năm gần đây, hay như tình trạng nông dân bị thương lái Trung Quốc ép giá, thu mua ào ạt lúc đầu nhằm kích thích nông dân nuôi trồng sau đó đóng cửa cửa khẩu khi vào mùa thu hoạch khiến họ điêu đứng…

Trong đáp trả thương mại Mỹ – Trung đang diễn ra, một lần nữa Bắc Kinh cũng sử dụng biện pháp tương tự nhắm vào nông dân Mỹ. Nhưng không may cho Trung Quốc, họ đang phải đối mặt với một Trump thẳng thắn, bộc trực và sẵn sàng làm mọi cách để bảo vệ công dân nước Mỹ.

Và đó là một tham khảo chính sách hữu ích cho Việt Nam nếu không muốn nền nông nghiệp trong nước tiếp tục bị tàn phá bởi nông sản giá rẻ và thương lái Trung Quốc.

Sự khác biệt thứ tư là trong khi Mỹ cương quyết nói không với các dự án, công ty gây tổn hại đến môi trường, bằng chứng là vụ xử phạt 20 tỷ USD đối với sự cố tràn dầu của BP tại vịnh Mexico năm 2010, hay như việc buộc hãng xe hơi của Đức Volkswagen phải bồi thường hàng chục tỷ USD vì gian lận khí thải; thì Việt Nam lại đánh đổi môi trường biển, rừng, nước, không khí bằng những đồng tiền “lobby” chính sách chảy vào túi các quan chức xét duyệt.

Vụ xả thải ra môi trường gây ô nhiễm toàn bộ vùng biển 4 tỉnh miền Trung của Formosa, công ty được mệnh danh là “Hành tinh Đen 2009” vì những “thành tích” trong lĩnh vực tàn phá môi trường, vẫn còn hệ lụy kéo dài đến ngày nay.

>> Khi động lực tăng trưởng GDP đến từ Formosa và Samsung

Và trong khi Mỹ đang ra sức ngăn chặn các vụ thâu tóm của công ty Trung Quốc đối với công ty Mỹ vì lý do an ninh, mới đây nhất là thương vụ Broadcom mua lại Qualcomm đã bị ngăn chặn; thì Việt Nam lại chịu áp lực từ Trung Quốc đã buộc phải hủy bỏ các dự án thăm dò, khai thác dầu ngoài khơi với Tập đoàn Năng lượng Repsol của Tây Ban Nha.

Còn trên đất liền, các dự án do công ty Trung Quốc làm chủ đầu tư đang không ngừng bị đẩy lùi tiến độ, đội vốn mà dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông là một trong số đó. Mặc dù vậy, hàng tá các dự án thủy điện, công trình cơ sở hạ tầng quan trọng vẫn đang được đề xuất cho các nhà thầu Trung Quốc tham gia góp vốn đầu tư.

Trái với Mỹ, có thể thấy các công ty Trung Quốc đang nắm giữ các “yết hầu” kinh tế quan trọng của Việt Nam. Trong lĩnh vực thương mại điện tử và thanh toán điện tử là hai cái tên Alibaba (thông qua Lazada) và Alipay đang có những bước xâm nhập sâu rộng nhờ những mở đường chính sách từ Chính phủ Việt Nam, đồng thời các dự án có vị trí địa chính trị chiến lược của Việt Nam chưa bao giờ thiếu vắng sự xuất hiện của “người hàng xóm”, từ Tây Nguyên đến Đà Nẵng, biệt phủ Lăng Cô (Huế), Nha Trang, Hạ Long tràn ngập người Trung Quốc…

Lựa chọn nào cho Việt Nam?

My - Trung
(Ảnh minh họa: Shutterstock)

Những biện pháp cứng rắn của Chính quyền Hoa Kỳ dưới thời Tổng thống Trump đang làm lộ rõ bản chất nền kinh tế “hổ giấy” vốn phụ thuộc lớn vào xuất khẩu giá rẻ của Trung Quốc, mà như một bình luận cho rằng Trung Quốc đang tự lấy đá ghè chân mình khi đáp trả thương mại với Mỹ.

Thêm vào đó, nợ xấu của Trung Quốc cũng đang ở mức báo động (khoảng 304 tỷ USD tính đến tháng 5/2016), tỷ lệ tiết kiệm của người dân Trung Quốc rất cao đang cho thấy họ không tin tưởng vào triển vọng nền kinh tế Đại Lục.

Mới đây, người đứng đầu Bắc Kinh, ông Tập Cận Bình đã nói bóng gió về một số các nhượng bộ thương mại với Mỹ hòng thoát khỏi mớ bòng bong tự họ giăng ra trước đó. Không có gì chắc chắn rằng ông Tập sẽ thực hiện như lời nói hay đấy chỉ là sự đánh lạc hướng của Tập. Nhưng có một điều rằng nền kinh Trung Quốc đang trình diễn bộ mặt suy yếu và bạc nhược hơn bao giờ hết với đầy rẫy những bất cập tồn tại, đấy có thể là hệ quả của việc chạy theo tăng trưởng quá đà bằng phát triển ồ ạt các nhà máy công nghiệp bất chấp hậu quả môi trường, rác thải công nghiệp trong thập kỷ trước. Đồng thời các quốc gia khác sau khi trải qua kinh nghiệm “đau đớn” mất cảng, mất đất khi hợp tác với Trung Quốc cũng đã dần nhận ra được bộ mặt thật của Bắc Kinh đằng sau các khoản cho vay, dẫn đến việc hàng loạt các dự án xây dựng trên tuyến “con đường tơ lụa mới” gần đây của Trung Quốc đã bị đỗ vỡ ngay tại nước ngoài.

Với Mỹ, những chính sách táo bạo đang thay đổi thấy rõ bộ mặt nền kinh tế lớn nhất thế giới, các chỉ số chứng khoán nước này tăng mạnh khi dữ liệu việc làm Mỹ tích cực kể từ thời Trump lên nắm quyền. Và nhiều nước buộc phải nói theo “thứ ngôn ngữ” của Trump để tránh bị đánh thuế và hạn chế giao thương – một điều mà ông Trump không ngần ngại đối diện và thẳng thừng tuyên bố “Chiến tranh thương mại là tốt, dễ thắng” cho người Mỹ.

Trong Tam Quốc Diễn Nghĩa lưu truyền câu nói nổi tiếng rằng “kẻ thức thời mới là trang tuấn kiệt”. Nhìn về tình huống của Việt Nam, giữa những làn sóng biến chuyển lớn đang xảy ra, đặc biệt hai nền kinh tế hàng đầu thế giới đang phân định, xác lập vị thế dẫn đầu mà trong đó Trung Quốc đang cho thấy sự “hụt hơi” của nó. Việc lựa chọn các chính sách và hướng đi dẫn dân tộc Việt đến một tương lai tốt đẹp hay suy bại trở nên có ý nghĩa quan trọng với vận mệnh dân tộc.

Trong tình huống người Việt đang phải gánh chịu rất nhiều các loại thuế, phí chỉ để đổi lại môi trường sống bị ô nhiễm nghiêm trọng, thực phẩm bẩn tràn lan, các công trình kém chất lượng… Hơn bao giờ hết, họ rất cần một chính sách “người Việt trên hết” tương tự như cách Chính quyền Trump đang làm với dân Mỹ?

Chân Hồ