Dự trữ ngoại hối 7 tháng đầu năm của Trung Quốc giảm 130 tỷ USD, cán cân thương mại thặng dư mức cao nhất kể từ đầu năm, tuy nhiên thặng dư thương mại do kim ngạch nhập khẩu giảm sâu hơn xuất khẩu, cho thấy sản xuất, tiêu dùng của nền kinh tế này còn hết sức khó khăn.

Dự trữ ngoại hối của Trung Quốc giảm 130 tỷ USD so với đầu năm. Theo báo cáo của Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBoC), dự trữ ngoại hối của của Trung Quốc trong tháng 7/2016 là 3,20 nghìn tỷ, giảm 10 tỷ USD so với Tháng 6/2016 và giảm 130 tỷ USD so với đầu năm 2016.

Cả năm 2015, dự trữ ngoại hối của Trung Quốc giảm hơn 500 tỷ USD, còn 3,33 nghìn tỷ USD, thấp hơn dự báo 3,42 nghìn tỷ USD của các chuyên gia được Bloomberg phỏng vấn tại thời điểm đó. Sau đợt giảm kỷ lục 108 tỷ USD chỉ trong tháng 12/2015, dự trữ ngoại hối của Trung Quốc tiếp tục giảm cho tới nay.

Nguyên nhân khiến dự trữ ngoại hối của Trung Quốc suy giảm mạnh trong năm 2015 và tiếp tục giảm kể từ đầu năm 2016 cho tới nay là do đồng Nhân dân tệ (CNY) chịu sức ép mất giá ngày càng lớn, đặc biệt trong bối cảnh đồng USD mạnh lên, nền kinh tế Mỹ phục hồi tốt hơn và FED cân nhắc về việc tăng lãi suất; các dòng vốn chảy khỏi thị trường Trung Quốc bởi lo ngại suy giảm tăng trưởng và các bất ổn của nền kinh tế này. Việc này  khiến PBoC phải rút dự trữ ngoại hối để giữ giá đồng nội tệ, ổn định nền kinh tế trong nước.

Trong tháng 7, thặng dư thương mại của nền kinh tế này đạt mức cao nhất kể từ đầu năm song chủ yếu là do nhập khẩu giảm. Thặng dư thương mại tháng 7 đạt 52,3 tỷ USD, mức cao nhất kể từ tháng 12/2016 do kim ngạch nhập khẩu giảm 12,5% so với cùng kỳ, xuống còn 132,4 tỷ USD, xuất khẩu giảm 4,4% xuống còn 184,7 tỷ USD.

Nguyên nhân nhập khẩu giảm do cầu nội địa yếu, phản ánh tình trạng sản xuất, tiêu dùng nội địa tại nền kinh tế này còn rất khó khăn. Các diễn biến này củng cố thêm niềm tin của nhiều chuyên gia kinh tế về việc nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới đang phải đối mặt với một “kỷ nguyên suy thoái mới”.

Nguyên Hương

Xem thêm: