Tốc độ tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc trong quý 3/2018 đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2007-2009, các nhà điều hành chính sách tại Bắc Kinh buộc phải nhanh chóng đưa ra các biện pháp để trấn an tâm lý nhà đầu tư.

chien tranh thuong mai
Trung Quốc đang sử dụng mọi đòn bẩy để cứu vãn tăng trưởng. (Ảnh minh họa: Shutterstock)

Chính quyền Đảng Cộng sản Trung Quốc đang cố gắng chèo chống qua vô số thách thức, bởi tâm lý lo ngại từ cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung đã kích phát đà bán tháo trên diện rộng trong thị trường chứng khoán Đại Lục. Đồng thời, sự sụt giảm mạnh về giá trị của đồng Nhân dân tệ so với đồng Đô la cũng làm gia tăng lo ngại về triển vọng tăng trưởng kinh tế của Bắc Kinh.

Cơ quan thống kê Quốc gia Trung Quốc ngày 19/10 đã công bố tăng trưởng GDP trong quý 3 của nước này đạt 6,5%, thấp hơn mức dự kiến 6,6% của các chuyên gia và thấp hơn mức mục tiêu 6,7% đề ra trong quý 2/2018.

Đây đánh dấu là mức tăng trưởng GDP hàng quý thấp nhất kể từ quý 1/2009 – thời đỉnh điểm của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu.

“Xu hướng suy giảm vẫn chủ đạo bất chấp cam kết của chính quyền Bắc Kinh trong việc khuyến khích đầu tư trong nước để hỗ trợ nền kinh tế. Nhu cầu trong nước trở nên suy yếu hơn so với đà tăng trưởng xuất khẩu bất ngờ”, tờ Epoch Times dẫn lời ông Kota Hirayama, chuyên gia của Công ty chứng khoán SMBC Nikko Securities tại Tokyo cho biết.

Tăng trưởng trong quý 3 của Trung Quốc đã bị ảnh hưởng bởi sản lượng công nghiệp tháng Chín bị suy yếu mạnh nhất kể từ tháng 2/2016, do các nhà sản xuất ô tô cắt giảm sản lượng hơn 10% trong bối cảnh doanh số bán hàng sụt giảm.

Cụ thể, dữ liệu từ cơ quan thống kê Trung Quốc cho thấy doanh số bán xe hơi tại Đại Lục trong tháng Chín đã giảm xuống mức thấp nhất trong gần 7 năm qua, trong đó doanh số của GM và Volkswagen đều bị giảm tới 2 con số.

Bên cạnh đó, một số chuyên gia dự báo tăng trưởng có thể còn chậm hơn đáng kể trong năm 2019.

“Nhìn về phía trước, triển vọng kinh tế không lạc quan với việc xuất khẩu phải đối mặt với những cơn gió mạnh hơn khi thuế suất của Mỹ bắt đầu có hiệu lực và nhu cầu từ các nước mới nổi giảm dần. Tăng trưởng GDP [của Trung Quốc] có thể sẽ giảm xuống còn 6,0-6,2% trong năm tới”, Nie Wen, một nhà phân tích tại Công ty dịch vụ tài chính – chứng khoán Hwabao Trust Thượng Hải nói.

Sau khi thị trường một chứng khoán Trung Quốc bị giảm sâu vào ngày thứ Năm (18/10), các nhà hoạch định chính sách Bắc Kinh lập tức đưa ra các giải pháp nhằm xoa dịu thị trường. Thống đốc Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC), Yi Gang nói rằng thị trường không chịu ảnh hưởng bởi các nguyên tắc kinh tế cơ bản.

Trong những tháng qua, Bắc Kinh cũng không ngừng tăng cường các chính sách hỗ trợ nhằm cứu vớt đà tăng trưởng. Tuần trước, PBOC đã công bố giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc lần thứ 4 trong năm nay, đồng thời đẩy mạnh cải cách để giảm chi phí tài chính.

 Và các chuyên gia cho rằng các bước hỗ trợ sẽ còn được trông thấy nhiều hơn nữa trong thời gian tới, khi Bắc Kinh bắt đầu chịu đựng gánh nặng lớn hơn từ cuộc tranh chấp thương mại với Hoa Kỳ.

“Trung Quốc đang sử dụng tất cả các đòn bẩy để kích thích nhu cầu trong nước khi đối mặt với áp lực thương mại này. Đã có sự tăng tốc lớn trong việc thúc đẩy cho vay và hiện tại PBOC đang công bố các bước đi mới ”, Ray Attrill, chuyên gia chiến lược tiền tệ tại NAB Sydney cho biết – theo Epoch Times.

Dữ liệu công bố hôm 19/10 còn cho thấy tăng trưởng sản lượng công nghiệp Đại Lục đã giảm xuống mức 5,8% trong tháng 9, trong khi tốc độ đầu tư tài sản cố định (bất động sản, máy móc…) được mở rộng nhanh hơn dự kiến lên mức 5,4% trong 9 tháng đầu năm 2018.

Trong khi đó, đầu tư cơ sở hạ tầng chỉ tăng trưởng 3,3% trong 9 tháng, chậm hơn so với mức 4,2% trong 8 tháng đầu năm. Doanh số bán lẻ sau nhiều tháng tăng trưởng mờ nhạt đã tăng trưởng khá trở lại 9,2% trong tháng qua.

Chân Hồ

Xem thêm: