Thông tư 26 của NHNN quy định người từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi được sử dụng thẻ tín dụng, thẻ ghi nợ, thẻ trả trước. Bên cạnh đó, hàng loạt quy định mới “mở đường” cho hình thức thanh toán không dùng tiền mặt cũng bắt đầu có hiệu lực.

thanh toan qua the
(Ảnh minh họa: pixabay)

Từ hôm nay (3/3), Thông tư 26 sửa đổi Thông tư 19 Quy định về hoạt động thẻ ngân hàng do Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam ban hành sẽ chính thức có hiệu lực. Trong đó có nhiều điều khoản sửa đổi, bổ sung đáng chú ý.

Trẻ từ đủ 15 tuổi được sử dụng thẻ tín dụng; Trẻ từ đủ 6 tuổi được cấp thẻ trả trước

Một trong những điểm đáng lưu ý ở Thông tư 26 là việc sửa đổi quy định về đối tượng được mở và sử dụng thẻ. Theo đó:

“Người từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi không bị mất hoặc hạn chế năng lực hành vi dân sự được sử dụng thẻ ghi nợ, thẻ tín dụng, thẻ trả trước.”

“Người từ đủ 6 tuổi đến chưa đủ 15 tuổi nếu được người đại diện theo pháp luật của người đó đồng ý bằng văn bản thì được sử dụng thẻ ghi nợ, thẻ trả trước.”

Quy định mới về trẻ từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi được sử dụng thẻ tín dụng có thể khiến các ngân hàng cân nhắc khi xét duyệt mở thẻ bởi hầu hết nhóm tuổi này không chứng minh được thu nhập, không có tài sản đảm bảo, khó chứng minh được khả năng trả nợ.

Nhiều quy định mở đường cho thanh toán không dùng tiền mặt

Thông tư 26 cũng bổ sung điều khoản về hạn mức rút ngoại tệ tại nước ngoài. Cụ thể, từ ngày 3/3, một chủ thẻ tín dụng khi đi ra nước ngoài chỉ được phép rút ngoại tệ tối đa 30 triệu đồng/ngày/thẻ (hơn 1.300 USD/ngày). Đây được xem là điều khoản nhằm siết chặt quản lý ngoại hối và hạn chế chảy máu ngoại tệ ra nước ngoài của Chính phủ.

Cùng với đó, Thông tư 26 còn bổ sung thêm một quy định mới về hạn mức thẻ tín dụng. Cụ thể, trường hợp phát hành thẻ tín dụng có tài sản bảo đảm: hạn mức tín dụng cấp cho chủ thẻ do tổ chức phát hành thẻ (TCPHT) xác định theo quy định nội bộ của TCPHT về cấp tín dụng qua thẻ tín dụng và tối đa là 01 (một) tỷ đồng Việt Nam; nếu không có tài sản đảm bảo thì hạn mức thẻ chỉ được nhiều nhất là 500 triệu đồng. Điều này được cho là sẽ gây khá nhiều phiền phức cho các chủ thẻ khách hàng VIP – những người có nhu cầu chi tiêu số tiền lớn.

Thông tư 26 còn cho phép hình thức thanh toán tiền hàng hóa, dịch vụ bằng Mã phản hồi nhanh (QR code) tại những điểm chấp nhận.

Những quy định được sửa đổi, bổ sung trên của Thông tư 26 chính thức có hiệu lực được xem như một thành công bước đầu trong kế hoạch hạn chế lưu thông tiền mặt đã được Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng nêu ra trong Kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XIV (tháng 11/2017).

Với sự mở đường từ chính sách, dự kiến ngành thanh toán di động (không dùng tiền mặt) sẽ có những chuyển biến nhanh chóng trong thời gian tới.

Đón bắt xu thế này sớm nhất, từ cuối năm 2017, Tập đoàn Thương mại Điện tử Alibaba của Trung Quốc đã gia nhập thị trường thanh toán di động Việt Nam bằng việc thiết lập quan hệ hợp tác chiến lược với Công ty Cổ phần Thanh toán Quốc gia Việt Nam (NAPAS). Theo đó, NAPAS và Alipay (công ty ví điện tử chủ chốt thuộc sở hữu của Alibaba) sẽ bắt tay nhau trong việc thúc đẩy phát triển thị trường thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam.

Chân Hồ

Xem thêm: