Ngày 9/11, ông Jeff Carpoff, chủ một công ty năng lượng mặt trời ở vùng Vịnh San Francisco, California, bị kết án 30 năm tù vì đã điều hành một kế hoạch Ponzi táo bạo trị giá 1 tỷ USD lừa đảo các nhà đầu tư, bao gồm cả tỷ phú Buffett. Đây là vụ án lừa đảo hình sự lớn nhất trong lịch sử Quận Đông California.

Embed from Getty Images

Một kế hoạch siêu Ponzi

Jeff Carpoff, sinh năm 1970, được đào tạo thành thợ sửa xe trước khi thành lập RoverLand USA, nơi trở thành một trong những cơ sở sửa chữa Land Rover và Jaguar được chứng nhận độc lập lớn nhất ở Mỹ. Một cuộc gặp gỡ tình cờ với một khách hàng muốn lắp đặt các tấm pin mặt trời nhưng lo lắng về việc chúng bị đánh cắp, Jeff và vợ mình, Paulette, đã thành lập DC Solar, một công ty mới cung cấp máy phát điện năng lượng mặt trời di động.

Văn phòng luật sư Hoa Kỳ cho biết trong một tuyên bố hôm thứ Ba, Thẩm phán quận Hoa Kỳ John A. Mendez đã kết án Jeff Carpoff, 50 tuổi, chủ sở hữu của công ty năng lượng mặt trời DC Solar, 30 năm tù. Vào ngày 24/1/2020, Carpoff đã nhận tội âm mưu thực hiện hành vi gian lận điện tử và rửa tiền. Vợ ông, bà Paulette Carpoff, 47 tuổi, cũng nhận tội âm mưu thực hiện hành vi phạm tội chống lại Hoa Kỳ và rửa tiền, phải đối mặt với mức án 15 năm tù.

Khoảng 120 triệu USD tài sản đã được thu hồi từ kế hoạch này và sẽ được trả lại cho các nhà đầu tư, các công tố viên cho biết vào năm ngoái.

Ông Jeff Carpoff và vợ đã đồng sáng lập Công ty năng lượng mặt trời DC Solar có trụ sở tại Benicia, trong những năm đầu là một công ty hợp pháp sản xuất máy phát điện năng lượng mặt trời di động (MSG) có thể lắp đặt trên xe kéo.

Từ năm 2011 đến 2018, DC Solar đã quảng cáo máy phát điện của mình là có thể cung cấp điện khẩn cấp cho các tháp điện thoại di động hoặc chiếu sáng tại các sự kiện thể thao và các sự kiện khác.

Dựa vào những mánh lới quảng cáo như khái niệm năng lượng thay thế, giảm thuế, vợ chồng Jeff Carpoff đã lừa bán sản phẩm cho các nhà đầu tư, hứa hẹn với họ rằng họ có thể hưởng lợi từ các khoản tín dụng thuế năng lượng thay thế của liên bang bằng cách mua máy phát điện của DC Solar và sau đó cho công ty khác thuê lại thiết bị để thu được lợi nhuận cao.

Trên thực tế, các công tố viên nói rằng các máy phát điện không bao giờ cung cấp nhiều thu nhập, các nhà đầu tư đến trước được trả bằng tiền từ các nhà đầu tư đến sau (theo mô hình Ponzi).

Đồng thời, Jeff cũng phóng đại số lượng máy phát điện do công ty sản xuất, họ từng tuyên bố rằng công ty đã sản xuất và bán tới 17.000 máy phát điện năng lượng mặt trời di động.

Các công tố viên cho biết, Jeff đã che đậy kế hoạch này bằng các báo cáo tài chính và hợp đồng thuê giả mạo, tạo ra ảo tưởng về việc kinh doanh bùng nổ cho các nhà đầu tư. Trên thực tế, DC Solar đã ngừng sản xuất máy phát điện di động từ lâu, và hơn 50% số lượng máy mà công ty quảng cáo là sai sự thật.

Công ty cũng đã làm giả một số lượng lớn số nhận dạng xe (VIN) trên thiết bị sản xuất và bán một thiết bị nhiều lần nhằm đánh lừa sự dò xét của các nhà đầu tư.

Jeff và đồng bọn sau đó đã sử dụng khoản thanh toán định kỳ tương tự như kế hoạch Ponzi để thực hiện hành vi gian lận thu nhập kế toán và cho thuê.

Quyền Luật sư Hoa Kỳ Talbert cho biết: “Jeff Carpoff đã dàn dựng kế hoạch lừa đảo tội phạm lớn nhất trong lịch sử của Quận Đông California.” “Ông ta tự nhận là một nhà sáng tạo trong lĩnh vực năng lượng thay thế nhưng ông ta thực sự chỉ đang ăn cắp tiền từ các nhà đầu tư và khiến người dân Mỹ phải trả hàng trăm triệu tiền thuế.”

Tỷ phú Warren Buffett cũng bị lừa

Điều đáng kinh ngạc là công ty năng lượng mặt trời của vợ chồng Jeff thậm chí còn đánh lừa được cả nhà đầu tư nổi tiếng Warren Buffett.

Warren Buffett
Warren Buffet. (Ảnh: Wikimedia)

Công ty đầu tư Berkshire Hathaway của ông Warren Buffett đã tham gia đầu tư vào dự án năng lượng mặt trời của công ty lừa đảo này, cuối cùng chịu thiệt hại 340 triệu USD.

Jeff, chủ mưu của “kế hoạch Ponzi” này vốn là một thợ sửa xe, khi biết thiết bị năng lượng mặt trời có thể được sử dụng để cung cấp các khoản tín dụng thuế, ông ta đã cẩn thận thiết kế thủ đoạn lừa đảo trên và thu được khoản thu nhập bất hợp pháp khổng lồ.

Jeff Carpoff đã sống một cuộc sống xa hoa như một doanh nhân thành đạt. 148 chiếc xe sang trọng và sưu tập của Carpoff, bao gồm cả chiếc Firebird 1978 do nam diễn viên Burt Reynolds sở hữu trước đó, đã được bán đấu giá, thu về khoảng hơn 8 triệu USD. Văn phòng luật sư Hoa Kỳ cho biết thu nhập từ cuộc đấu giá lịch sử này sẽ được dùng để bồi thường cho các nạn nhân.

Ngoài bộ sưu tập xe sang, vợ chồng Jeff và Paulette Carpoff đặt hàng dịch vụ máy bay phản lực tư nhân với giá 19 triệu USD và thậm chí còn có một đội bóng chày liên đoàn nhỏ. 

Họ cũng đã sử dụng tiền từ kế hoạch lừa đảo này để tài trợ xe đua NASCAR, mua bất động sản sang trọng ở California, Nevada, Caribbean, Mexico…, một dãy phòng tại một sân vận động bóng đá chuyên nghiệp và đồ trang sức. 

“Kế hoạch Ponzi” này kéo dài gần 8 năm, có sự tham gia của 35 quỹ đầu tư và số tiền gian lận gần 1 tỷ USD.

Mô hình Ponzi là gì?

Theo thông tin trên Wikipedia, mô hình Ponzi (Ponzi Scheme) là một kỹ thuật gian lận tài chính bất hợp pháp, có nguồn gốc từ một vụ án đại diện nổi tiếng xảy ra ở Mỹ vào đầu thế kỷ 20. Tiền đề cơ bản của một kế hoạch Ponzi là “cướp Peter để trả cho Paul“. Thủ đoạn thực hiện là thu hút các nhà đầu tư bằng cách sử dụng tiền của các nhà đầu tư sau cùng để trả lãi cho các nhà đầu tư từ ban đầu. Cho đến ngày nay, nhiều biến thể khác nhau của mô hình Ponzi vẫn tồn tại trên thị trường tài chính.

Phương thức hoạt động của mô hình hầu hết dưới danh nghĩa đầu tư, lôi kéo nạn nhân đầu tư bằng lợi nhuận cao, nhìn qua không khác gì phương thức hoạt động của các quỹ chứng khoán thông thường, nhưng trong mô hình Ponzi thì lợi tức “đầu tư” là lấy tiền từ “nhà đầu tư” tham gia sau cuối, công ty thúc đẩy không kiếm lợi nhuận thông qua các khoản đầu tư chính đáng gì cả mà chỉ đơn giản là “dỡ bức tường phía đông để đắp bức tường phía tây”. Để liên tục thu hút các nhà đầu tư mới tham gia, ban đầu, việc chi trả lợi tức cho nhà đầu tư được thực hiện trong thời gian ngắn, sau đó thời gian trả lãi được kéo dài dần. Nhưng theo thời gian khi quá nhiều người tham gia thì quỹ dần dần không đủ duy trì, cho đến khi bong bóng lừa đảo vỡ khiến số lượng lớn nhà đầu tư trong giai đoạn sau sẽ bị thiệt hại.

Mộc Lan (t/h)

Xem thêm: