Theo các chuyên gia UNDP, việc sử dụng ưu đãi lớn về thuế để thu hút vốn FDI của Việt Nam đang mang lại kết quả không tương xứng và tạo ra sân chơi chưa thật sự bình đẳng cho khối doanh nghiệp trong nước, đặc biệt là khối doanh nghiệp tư nhân.

UNDP cong bo bao cao ve VN
Các chuyên gia tại buổi công bố Báo cáo đánh giá về tài chính cho phát triển của Việt Nam. (Ảnh: UNDP)

Khuyến nghị vừa được các chuyên gia của Chương trình Phát triển Liên Hiệp Quốc (UNDP) đưa ra cho nền kinh tế Việt Nam tại buổi công bố báo cáo “Tài chính cho phát triển bền vững ở Việt Nam” hôm 11/9.

Cần chấm dứt sử dụng ưu đãi thuế để thu hút FDI

Báo cáo của UNDP nhận định bối cảnh tài chính cho phát triển ở Việt Nam đang thay đổi nhanh chóng, đặc trưng bởi đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và dòng kiều hối cao tương phản với sự giảm sút của dòng vốn ODA và doanh thu của chính phủ không đủ để đáp ứng nhu cầu cao về chi tiêu công và nghĩa vụ trả nợ ngày càng gia tăng.

Chia sẻ tại buổi công bố, chuyên gia của UNDP ông Hồ Đình Bảo cho biết vốn FDI có vai trò thúc đẩy nền kinh tế tăng trưởng, tuy nhiên vẫn chưa tương xứng với những ưu đãi về thuế và khả năng tiếp cận đất đai mà Chính phủ dành cho khu vực này.

Bên cạnh đó, chính sách thu hút FDI bằng mọi giá, theo ông Bảo, đã tạo nên sân chơi chưa thật sự bình đẳng cho khối doanh nghiệp tư nhân trong nước. Và nếu tách khu vực FDI ra thì nền kinh tế thuần túy vẫn chỉ là nhập siêu.

Do đó, các chuyên gia của UNDP khuyến nghị Việt Nam cần tránh xa việc sử dụng các ưu đãi thuế để thu hút FDI để chuyển sang thu hút bằng những điều kiện căn bản về cơ sở hạ tầng, tạo môi trường kinh doanh thông thoáng và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.

“Đầu tư vì những yếu tố này mới chính là đầu tư căn bản cho đất nước chứ không phải đua nhau ưu đãi về thuế. Bên cạnh đó, cần chấm dứt ngay việc các tỉnh cạnh tranh thu hút FDI bằng ưu đãi thuế. Điều này sẽ khiến nền kinh tế Việt Nam rơi xuống đáy”, ông Bảo nhấn mạnh.

Ưu tiên mở rộng nguồn tài chính tư nhân

Ông Haoliang Xu, Giám đốc UNDP khu vực Châu Á – Thái Bình Dương cho biết báo cáo “Tài chính cho phát triển bền vững ở Việt Nam” nhấn mạnh bối cảnh tài chính của Việt Nam đang thay đổi một cách nhanh chóng.

Tuy nhiên, ông cũng lưu ý rằng mặc dù đầu tư tư nhân của Việt Nam tăng gấp đôi vào năm 2015 so với năm 2002, song chỉ chiếm khoảng 40% tổng nguồn vốn phát triển quốc gia.

“Đầu tư tư nhân bình quân đầu người của Việt Nam ở mức 490 USD trong năm 2015, so với mức trung bình 690 USD/người của các nước ASEAN thì Việt Nam nằm trong số các nước có đầu tư tư nhân thấp nhất trong khu vực”, ông Xu nói.

Do đó, báo cáo của UNDP nhấn mạnh sự cần thiết phải hỗ trợ các doanh nghiệp tư nhân Việt Nam phát triển về quy mô, năng suất, khả năng cạnh tranh và trở thành chính thức.

Còn theo ông Lê Quang Mạnh, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, mặc dù Chính phủ đã đưa ra nhiều quyết sách tuy nhiên đầu tư tư nhân trong nước vẫn chưa thể vượt trên đầu tư FDI để trở thành then chốt cho phát triển kinh tế. Tốc độ tăng trưởng đầu tư tư nhân cũng tương đối chậm so với các quốc gia khác trong khu vực.

Vì vậy, thúc đẩy đầu tư của khu vực tư nhân trong nước, theo ông Mạnh, phải được coi là yếu tố chính để phát triển bền vững. “Khu vực FDI có đóng góp lớn thì doanh nghiệp trong nước phải vươn lên theo kịp và có đóng góp lớn hơn”, ông nói.

Ngoài ra, báo cáo của UNDP còn đưa ra cảnh báo về sự gia tăng nhanh chóng của nợ công và nợ Chính phủ Việt Nam.

Cụ thể, tỷ lệ nợ công/ GDP của Việt Nam đã tăng từ mức 50% vào năm 2011 lên mức 63,7% trong năm 2016. Trong khi đó, tỷ lệ nợ Chính phủ/ GDP cũng tăng vọt từ 39,3% GDP năm 2011 lên 52,7% năm 2016.

“Tỷ lệ nợ công/GDP của Việt Nam hiện cao nhất so với các quốc gia trong khu vực ASEAN”, báo cáo UNDP chỉ ra.

Minh Sơn

Xem thêm: