Do lượng xe ngày càng đông hơn, Ban Quản lý khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng – Lạng Sơn cho biết đã giải tỏa lượng xe dừng đỗ trên Quốc lộ 1A, sắp xếp vào khu phi thuế quan chờ đợi. Tuy nhiên, trái cây hiện bước vào mua thu hoạch lớn trong năm, việc ùn tắc lặp lại hằng năm không dứt khiến thiệt hại đều nằm ở phía người nông dân và doanh nghiệp Việt Nam.

cua khau lang son cua khau tan thanh cua khau huu nghi un tac nong san
“Đến hẹn lại lên”, việc ùn tắc nông sản ở cửa khẩu phía Bắc Việt Nam – Trung Quốc đã gây thiệt hại lớn cho người nông dân, doanh nghiệp. (Ảnh minh họa: baolangson.vn)

Theo Ban Quản lý khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng – Lạng Sơn, số lượng xe chở hàng hóa lên khu vực cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị đã tăng nhiều từ hôm 22/5.

Thống kê từ ngày 26 – 28/5, số lượng xe tồn chờ xuất khẩu hàng hóa qua cửa khẩu này ngày một tăng cao. Trung bình lượng xe tồn chờ xuất khẩu tại khu vực trên 700 xe, lượng xe còn tồn đang chờ xuất khẩu là 783 xe.

Trong đó, mặt hàng sầu riêng đang vào vụ thu hoạch và hiện chỉ xuất khẩu qua cửa khẩu phía Bắc là chính, cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị chiếm hơn 50% tổng số lượng xe, theo báo Thanh Niên.

Ngày 27/5, nhằm hạn chế việc các xe dừng đỗ kéo dài trên Quốc lộ 1A, cơ quan tỉnh Lạng Sơn đã đưa phương tiện chở hàng hóa chờ xuất khẩu qua cửa khẩu này vào khu phi thuế quan để dừng đỗ.

Theo báo cáo lượng xe tồn cập nhật vào 20h ngày 29/5, tổng lượng xe ùn tắc nằm chờ là 783 xe. Cùng ngày, trong 508 xe xuất khẩu có tới 418 xe trái cây, 90 xe là mặt hàng khác.

Cụ thể, cửa khẩu Hữu Nghị tồn 583 xe; cửa khẩu Tân Thanh tồn 186 xe và số còn lại nằm ở các cửa khẩu nhỏ hơn như: Cốc Nam, Chi Ma,…

Dự báo trong thời gian tới, các xe chở sầu riêng và một số mặt hàng khác như: vải, thanh long, mít, xoài… từ các tỉnh, thành lên cửa khẩu Quốc tế Hữu Nghị sẽ tiếp tục tăng cao khi vào vụ thu hoạch lớn trong năm.

Trước đó, vào năm 2021 và 2022, nhiều trái cây của Việt Nam đã rớt giá thê thảm khi nạn ùn tắc cửa khẩu diễn ra trầm trọng, đỉnh điểm hơn 10.000 nằm chờ nhiều ngày liền.

Do trái cây là mặt hàng dễ hư hỏng, nên rất nhiều container trái cây bị đổ bỏ, một số ít quay trở lại bán vỉa hè với mức giá vài nghìn đồng/kg để gỡ vốn.

Đơn cử như trái thanh long, nhiều nông dân phải chặt bỏ cây khi giá thu mua tại vườn chỉ vỏn vẹn 500 – 1.000 đồng/kg, mít Thái còn chưa tới 10.000 đồng/kg, v.v…

Tuấn Minh