Khảo sát 9.221 doanh nghiệp (DN), 58,9% DN cho hay việc chi trả hoa hồng khi đấu thầu là “luật bất thành văn” mà doanh nhiệp phải tự hiểu. Ngoài nhóm DN tự chủ động, 10,3% DN nói chung và 21,3% DN đấu thầu trong lĩnh vực y tế cho biết có cán bộ phụ trách đầu thầu gợi ý…

xet nghiem covid 19 vung tau
VCCI cho rằng ngoài y tế bị đưa vào “tầm ngắm” trong 2 năm qua, thì tiêu cực trong mua sắm công còn ẩn chứa trong nhiều lĩnh vực, tại các cơ quan nhà nước, đơn vị vũ trang đến DNNN. Trong ảnh: Một người đàn ông nhăn mặt đau khi nhân viên y tế lấy dịch nhầy trong sống mũi để xét nghiệm COVID-19, Vũng Tàu, tháng 11/2021. (Ảnh minh họa: Dong Nhat Huy/Shutterstock)

DN đối mặt nhiều nhũng loạn nhưng không dám kiến nghị

Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) tại Việt Nam vừa tổ chức hội thảo “Đấu thầu mua sắm công từ góc nhìn của doanh nghiệp” (ngày 16/6), đưa ra kết quả báo cáo sơ bộ những vấn đề DN gặp phải khi tham gia đấu thầu mua sắm công, từ đó kiến nghị chính sách

Trong cuộc khảo sát được thực hiện đối với 9.221 DN, những khó khăn mà DN thường gặp nhiều nhất bao gồm thời gian chuẩn bị (nộp) hồ sơ dự thầu quá ngắn (17%), thư mời thầu không công bố rộng rãi (15,9%), điều kiện thực hiện hợp đồng quá khó (15,1%), khó/không mua được hồ sơ mời thầu (7,2%)… Các vấn đề khó khăn càng phổ biến hơn đối với các DN tham gia các gói đấu thầu của các cơ sở y tế công lập.

Tuy nhiên, DN e dè khi kiến nghị xem xét lại kết quả lựa chọn nhà thầu và những vấn đề liên quan. Với nhóm những DN gửi kiến nghị, khiếu nại, tố cáo khi có vướng mắc, thì các DN lâu năm được giải quyết vướng mắc thỏa đáng hơn so với các DN mới thành lập.

Ông Trương Đức Trọng, Ban Pháp chế VCCI cho hay một trong những nguyên nhân chủ yếu tại sao DN lựa chọn giải pháp không kiến nghị xem xét lại khi có vướng mắc là họ e ngại thủ tục kiến nghị phức tạp. Các lý do khác được DN đưa ra như chi phí và công sức kiến nghị tốn kém so với lợi ích thu lại, lo ngại bị đối xử bất công trong tương lai, chưa tin tưởng vào việc giải quyết kiến nghị của bên mời thầu, người có thẩm quyền và xử lý tố cáo của cơ quan quản lý nhà nước.

Nhóm chuyên gia VCCI-UNDP nhấn mạnh vấn đề “nhức nhối” nhất trong hoạt động đấu thầu mua sắm công là việc DN buộc phải bỏ ra khoản tiền “hoa hồng” – chi phí ngoài quy định để dàn xếp cho doanh nghiệp thắng thầu.

Từ kết quả khảo sát, có tới gần 35% doanh nghiệp cho biết sẵn sàng chi trả tiền “hoa hồng” để tăng khả năng trúng thầu.

Tỷ lệ DN sẵn sàng trả “hoa hồng” để đảm bảo trúng thầu có mối quan hệ mật thiết với độ mở của hình thức lựa chọn nhà thầu mà DN tham gia. Trong đó, đối với các hình thức lựa chọn nhà thầu có ít nhà thầu tham gia, như đấu thầu hạn chế hay chỉ định thầu, tỷ lệ DN sẵn sàng chi “hoa hồng” để có mặt trong danh sách nhà thầu cũng như tăng khả năng trúng thầu là cao hơn.

Ngược lại, với các hình thức lựa chọn nhà thầu có nhiều nhà thầu tham gia như chào hàng cạnh tranh hay đấu thầu rộng rãi, tỷ lệ DN sẵn sàng chi trả “hoa hồng” thấp hơn, do loại hình này mang tính chất cạnh tranh và không hạn chế nhà thầu tham gia.

Công khai Việt Á nhập kit test TQ giá 0,955 USD, CDC đã không mua với giá như thế

Chi ‘hoa hồng’ – quy định ‘không cần phải nói mà ai cũng biết’

Theo kết quả khảo sát, các DN đều cho rằng việc chi tiền “hoa hồng” là “không cần phải nói mà ai cũng biết”. Có đến 58,9% DN nói chung và 50,8% DN đấu thầu trong lĩnh vực y tế cho đó là “luật bất thành văn”. Tỷ lệ DN chủ động chi trả chi phí không chính thức này có ít hơn, chỉ có 25,2% DN chung và 32,8% DN đấu thầu trong lĩnh vực y tế.

10,3% DN nói chung và 21,3% DN đấu thầu trong lĩnh vực y tế cho biết có cán bộ phụ trách đầu thầu gợi ý chi trả chi “hoa hồng”.

Một DN tham gia khảo sát chia sẻ DN phải chi trả các khoản chi phí này để các bước chuẩn bị và nộp hồ sơ dự thầu được trơn tru hơn. Có những trường hợp DN từ chối không chi trả những chi phí này khiến cho tiến độ hoàn thành hồ sơ bị chậm trễ, không nộp được hồ sơ dự thầu gây tổn thất lớn hơn khoản chi trả này.

Trong bối cảnh dịch COVID-19, trong lĩnh vực y tế, tỷ lệ doanh nghiệp đã tham gia các gói thầu của cơ sở y tế đồng ý chi trả “hoa hồng” là khá cao, với 50% DN cung cấp trang thiết bị y tế đồng ý với nhận định về tình trang chi trả “hoa hồng” để trúng thầu. Với nhóm trang thiết bị vật tư phòng chống dịch, tỷ lệ này là 38%; nhóm dược phẩm là 33%.

Với các loại hàng hóa, dịch vụ khác, tỷ lệ doanh nghiệp sẵn sàng chi trả chi phí ngoài quy định cũng lên tới 39%.

Theo nhóm chuyên gia VCCI-UNDP, y tế có thể chỉ là một trong các lĩnh vực đấu thầu bị phát hiện tiêu cực do được đặc biệt chú ý trong 2 năm gần đây. Nhiều lĩnh vực khác như đầu tư, xây dựng, giáo dục, tài nguyên môi trường, mua sắm thường xuyên của các cơ quan nhà nước, đơn vị thuộc lực lượng vũ trang, đơn vị sự nghiệp công lập, mua sắm của các DN nhà nước… cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ sai phạm nếu không được giám sát chặt chẽ.

‘Vì họ tiêu tiền ‘chùa”

Cần công khai và minh bạch trong mua sắm đấu thầu công

Tại buổi hội thảo, ông Đậu Anh Tuấn – Ủy viên Ban Thường trực, Phó Tổng thư ký VCCI cho biết đấu thầu là một hoạt động quan trọng trong nền kinh tế thị trường, giúp người mua và người bán gặp nhau thông qua cơ chế cạnh tranh, công bằng và minh bạch. Đấu thầu mua sắm công khi tiến hành một cách hiệu quả, đúng nguyên tắc cạnh tranh, công bằng, minh bạch sẽ góp phần lớn tạo ra động lực cho sự phát triển, thúc đẩy chuyển đổi, nâng cao năng lực cạnh tranh và phân bổ nguồn lực hiệu quả nhất. Đối với chi tiêu, mua sắm công, đấu thầu là công cụ quan trọng giúp Nhà nước chi tiêu, sử dụng các nguồn vốn Nhà nước hiệu quả nhất, chống thất thoát, lãng phí.

Tuy nhiên, hoạt động đấu thầu thực tế cho thấy việc sửa đổi Luật Đấu thầu số 43/2013/QH13 đang trở nên rất cấp thiết.

Nhóm nghiên cứu khuyến nghị cần sửa đổi Luật Đấu thầu theo hướng nâng cao tính công khai, minh bạch trong hoạt động đấu thầu mua sắm công, thông qua tăng cường sử dụng hình thức đấu thầu rộng rãi, công khai kết quả lựa chọn nhà thầu và hợp đồng, kết hợp sử dụng tối đa và tối ưu công nghệ thông tin trong các hoạt động tổ chức, quản lý đấu thầu.

Ngoài ra, theo VCCI, đấu thầu mua sắm công còn chưa đồng bộ giữa Luật Đấu thầu với các luật khác, có sự chồng chéo tương đối lớn khiến cho quy trình đấu thầu đầu tư công chậm, chưa thực sự thuận lợi…

PGS.TS Trần Chủng – Chủ tịch Hiệp hội các Nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ Việt Nam cho rằng cần tăng cường giám sát đấu thầu mua sắm công thông qua nâng cao hiệu quả hoạt động thanh tra, kiểm tra, kiểm toán đối với cả các đơn vị mời thầu, các DN và cơ quan quản lý nhà nước về đấu thầu. Trong khi đó, các cơ quan chức năng ở địa phương cần thiết lập các cơ chế giải quyết kiến nghị độc lập, chú trọng tới chất lượng giải quyết các vướng mắc, kiến nghị của DN tham gia đấu thầu.

Từ góc nhìn quốc tế, ông Patrick Haverman – Phó Trưởng Đại diện UNDP cho rằng Việt Nam cần nâng cao tính minh bạch và đẩy mạnh quá trình số hóa trong hoạt động đấu thầu công, trong đó lĩnh vực y tế phải là ưu tiên hàng đầu.

Nguyễn Minh