Do độ trễ của áp lực lạm phát, dưới tác động của việc áp kịch trần thuế bảo vệ môi trường lên xăng dầu, tăng giá điện và xu hướng giá xăng dầu tăng trở lại, lạm phát sẽ tăng mạnh hơn trong các quý 2, 3, 4 trong năm, theo VEPR. 

lam phat
Giá điện tăng 8,36% có thể làm CPI quý 2 tăng khoảng 3,3% so với cùng kỳ. Ảnh tại Đồng Tháp, ngày 23/9/2014. (Ảnh: Shutterstock)

PGS. TS Phạm Thế Anh – Kinh tế trưởng của Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) đưa ra cảnh báo lạm phát có thể tăng mạnh trong quý 2 tại buổi báo cáo Kinh tế vĩ mô quý 1/2019 của Viện này, chiều 11/4.

Trong quý 1, vấn đề đáng quan tâm nhất về giá cả và lạm phát là việc áp kịch trần thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu từ ngày 1/1/2019, giá xăng dầu đang có xu hướng tăng trở lại, tăng giá điện 8,36% từ ngày 20/3.

Theo VEPR, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân quý 1 tăng 2,63%. Trong đó tháng 2, CPI tăng 0,8% do nhu cầu tiêu thụ trong dịp Tết Nguyên đán tăng. Tháng 3, CPI giảm 0,21% do lo ngại về dịch tả lợn Châu Phi và nhu cầu tiêu dùng sau Tết giảm. Tuy nhiên, so với tháng 2, chi phí giao thông tăng 2,22% do tăng giá xăng, dầu vào ngày 2/3; chi phí nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 0,78% do giá gas trong tháng tăng 4,88%; chi phí thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,03%; chi phí giáo dục tăng 0,01%.

Theo VEPR, CPI trong quý 1 được giữ ổn định tại mức 2,6% -2,7% so với cùng kỳ năm ngoái do sự điều chỉnh giảm của giá xăng dầu.

Tỷ lệ lạm phát trong ba tháng đầu năm lần lượt là 2,56%, 2,64%, 2,7%. So với cùng kỳ năm 2018, lạm phát toàn phần tăng nhẹ liên tục trong ba tháng, tuy nhiên, tháng 3 giảm 0,06%.

Lạm phát bình quân cả quý là 2,63%. Lạm phát lõi kiểm soát ở mức tăng 1,83%, do chính sách tiền tệ được điều chỉnh ổn định.

lam phat
Biểu đồ biểu thị tỷ lệ lạm phát toàn phần và lạm phát lõi từ quý 1/2017-quý 1/2019. (Nguồn: Tổng cục Thống kê/dẫn qua VEPR)

Tuy nhiên, theo phân tích của TS Thế Anh, áp lực lạm phát có độ trễ. “Tác động của việc tăng giá điện và xăng dầu vừa qua đến CPI có thể kéo dài từ 2-6 tháng tới. Chính vì vậy, áp lực lạm phát sẽ lớn hơn trong quý 2/2019″, TS Thế Anh nhận định.

Chỉ riêng giá điện tăng 8,36% vào ngày 20/3 có thể làm CPI quý 2 tăng khoảng 3,3% so với cùng kỳ. Đại diện VEPR khuyến nghị để đạt được mục tiêu lạm phát dưới 4%, Ngân hàng Nhà nước cần theo dõi rủi ro lạm phát, có sự điều hành thận trọng đối với tăng trưởng cung tiền và tín dụng trong thời gian tới.

Theo ông Thế Anh, lạm phát tăng sẽ tác động lớn đến tăng trưởng kinh tế. Chi phí đầu vào của nền sản suất sẽ bị ảnh hưởng. Ngoài ra, khi lạm phát trong nền kinh tế tăng lên, lãi suất khó có khả năng giảm. Trong bối cảnh doanh nghiệp Việt Nam chủ yếu dựa vào vốn ngân hàng, lãi suất khó giảm sẽ “đánh” trực tiếp vào sực chịu đựng, làm giảm sức sản xuất của doanh nghiệp.

Dù thế, ông Thế Anh cho rằng nếu giá xăng dầu thế giới không tăng trong thời gian tới, lạm phát sẽ không quá sốc. Dự báo về tăng trưởng kinh tế của VEPR được đưa ra trên cơ sở trên.

Dự báo tăng trưởng và lạm phát năm 2019 theo tính toán của VEPR:

Tăng trưởng kinh tế (so với cùng kỳ năm 2018)Lạm phát bình quân (%)
Quý 16,792,63
Quý 26,322,78
Quý 36,943,26
Quý 47,164,2
Cả năm6,8

Theo VEPR, với mức tăng trưởng đạt 6,79% của quý 1, tăng trưởng kinh tế cả năm 6,6-6,8% theo mục tiêu do Quốc hội đề ra là khả thi. Tuy nhiên, trước chiến tranh thương mại Mỹ – Trung và chủ nghĩa bảo hộ, rủi ro của kinh tế Trung Quốc, tương lai không rõ ràng của tiến trình Brexit và mâu thuẫn trong nội bộ khu vực EU, sự thất thường của Donald Trump…, tương lai của nền kinh tế Việt Nam trong năm 2019 trở nên bất định hơn.

VEPR khuyến nghị chính sách tiền tệ cần thích ứng kịp thời với các biến động kinh tế, ưu tiên hàng đầu là điều hành tỷ giá linh hoạt, lãi suất nên được giữ ổn định để doanh nghiệp tiếp cận với thị trường vốn, ngoài ra, hạ thấp đòn bẩy và lành mạnh hóa hệ thống ngân hàng.

Đối với dòng vốn FDI, trong quý 1, Trung Quốc đã trở thành nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất vào Việt Nam. “Dòng vốn từ Trung Quốc ngoài những tích cực đem lại cho việc làm và tăng trưởng, thì cũng có thể kéo theo những rủi ro về môi trường và quản lý lao động nước ngoài. Đã đến lúc Việt Nam cần rà soát lại các chính sách ưu đãi về thuế khóa hay đất đai đối với FDI nhằm tạo ra môi trường bình đẳng hơn với các doanh nghiệp trong nước”, báo cáo khuyến nghị.

Cổ phần hóa khu vực DNNN gần như không có sự tiến triển trong suốt một năm qua. Theo VEPR, điều này có thể xuất phát từ khó khăn trong quá trình định giá tài sản và tâm lý sợ trách nhiệm.

Trong dài hạn, VEPR nhấn mạnh Việt Nam cần từng bước xây dựng đệm tài khóa, trước tiên thông qua việc tinh giản bộ máy nhà nước và cắt giảm chi tiêu thường xuyên. “Một khi vấn đề thâm hụt ngân sách caonợ công tăng nhanh chưa được giải quyết, những thành tích về tăng trưởng hay lạm phát đang phải dựa vào một nền tảng bấp bênh”, theo VEPR.

Nguyễn Quân

Xem thêm: