Bộ Tài chính Mỹ đã trừng phạt Ngân hàng Trung ương của Nga vào thứ Hai (ngày 28/2), cấm giao dịch với ngân hàng trung ương Nga và các quỹ đầu tư nước ngoài của Nga, áp đặt các biện pháp trừng phạt tài chính cứng rắn hơn đối với nền kinh tế Nga.

Department of the Treasury 1 600x400 1
Hình ảnh tòa nhà Bộ Tài chính Mỹ (Nguồn: Samira Bouaou/The Epoch Times).

Các biện pháp trừng phạt mới sẽ cắt đứt liên hệ của Ngân hàng Trung ương Nga khỏi đồng đô la Mỹ một cách có hiệu quả và hạn chế nghiêm trọng năng lực của Tổng thống Nga Vladimir Putin trong việc nới lỏng các lệnh trừng phạt trước đó.

Các cá nhân và doanh nghiệp Mỹ hiện không thể thực hiện bất kỳ giao dịch tài chính nào với / hoặc thay mặt cho Ngân hàng Trung ương Nga, Quỹ Tài sản Quốc gia hoặc Bộ Tài chính. Các biện pháp trừng phạt cũng cấm bất kỳ công ty tài chính nước ngoài nào gửi đô la Mỹ vào Ngân hàng Trung ương, Bộ tài chính và quỹ tài sản của Nga.

Khi các biện pháp mới có hiệu lực vào thứ Hai, các quan chức Mỹ cho biết chúng có thể đẩy lạm phát ở Nga lên, làm suy giảm sức mua của nước này và làm giảm đầu tư.

Bộ Tài chính Mỹ cũng cho biết họ sẽ thực hiện các quy định ngoại lệ đối với một số khoản thanh toán liên quan đến năng lượng để ngăn chặn giá dầu và khí đốt toàn cầu tăng đột biến.

Tuần trước, Washington đã áp đặt một số vòng trừng phạt, bao gồm cả Tổng thống Nga Vladimir Putin và các ngân hàng lớn, nguyên nhân là vì cuộc xâm lược quân sự của Nga vào Ukraine.

Một quan chức cấp cao của chính quyền Mỹ nói với truyền thông hôm thứ Hai (ngày 28/2): “Mục tiêu của chúng tôi là đảm bảo rằng nếu Tổng thống Putin quyết định tiến hành cuộc xâm lược Ukraine, thì nền kinh tế Nga sẽ thụt lùi và chúng tôi có các công cụ để tiếp tục làm điều đó.”

Washington và các đồng minh hôm thứ Bảy cho biết họ sẽ có hành động đối với Ngân hàng Trung ương Nga và cấm một số ngân hàng của Nga tham gia hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT. Các quan chức Mỹ cho biết danh sách các ngân hàng vẫn đang được phía Mỹ các đối tác EU hoàn thiện.

Ngân hàng Trung ương Nga đã tăng hơn gấp đôi lãi suất trong chính sách quan trọng của mình vào thứ Hai và đưa ra một số biện pháp kiểm soát vốn. Tuy nhiên, thống đốc của họ cho biết các lệnh trừng phạt đã ngăn họ bán ngoại tệ để hỗ trợ đồng Rúp.

Điện Kremlin cho biết hôm thứ Hai rằng thực tế kinh tế Nga đã thay đổi, nhưng không có lý do gì để nghi ngờ tính hiệu quả và độ tin cậy của ngân hàng trung ương. Ngân hàng trung ương tăng lãi suất là để cố gắng bảo vệ nền kinh tế khỏi các lệnh trừng phạt chưa từng có của phương Tây.

Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết ông Putin sẽ gặp một số quan chức trong ngày, bao gồm cả bộ trưởng tài chính và thống đốc Ngân hàng Trung ương. Ông cũng cho biết, Nga có kế hoạch đối phó với các lệnh trừng phạt.

“Một tấm gương lớn về sự đoàn kết phương Tây”

Ông Mark Sobel, chủ tịch của Diễn đàn chính thức của các tổ chức tài chính và tiền tệ quốc tế (OMFIF), cho biết động thái này là “một ví dụ to lớn về sự đoàn kết của phương Tây”. Diễn đàn này phục vụ cho ngân hàng trung ương, chính sách kinh tế và đầu tư công.

Ông Sobel nói với Reuters: “Tất cả đều diễn ra nhanh chóng, và sức mạnh của nó về cơ bản đã cắt đứt một quốc gia quan trọng khỏi hệ thống tài chính toàn cầu.”

Quỹ tài sản có chủ quyền của Nga – Quỹ Đầu tư Trực tiếp Nga (RDIF), cũng nằm trong số mục tiêu của các lệnh trừng phạt mới nhất. Công ty này bán vắc-xin COVID-19 Sputnik V do Nga phát triển trên phạm vi quốc tế.

Giám đốc điều hành của công ty này là ông Kirill Dmitriev, đã bị Washington cáo buộc là đồng minh thân cận của ông Putin và đã bị đưa vào danh sách đối tượng của lệnh trừng phạt.

RDIF cho biết trong một tuyên bố rằng họ không tham gia vào chính trị. Họ cũng cho biết các hạn chế có thể làm phức tạp thêm việc quảng bá vắc-xin Sputnik V.

Tuyên bố cho biết: “Việc áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với RDIF chứng tỏ rằng Mỹ đã chọn đường lối phá hoại đối thoại mang tính xây dựng giữa các quốc gia, trong khi RDIF luôn đại diện cho xây dựng quan hệ quốc tế và hỗ trợ các mối quan hệ mang tính xây dựng ngay từ khi thành lập.”

Chế tài đối với Nga là hiếm có trong lịch sử, vượt xa Venezuela

Phóng viên Phil Mattingly của CNN cho biết, cùng với việc nhiều chế tài được thực thi hơn, chi phí phải trả cho hành động của Nga và ông Putin đang chồng chất.

Ông Mattingly cho biết quyết định của liên minh các quốc gia phương Tây và châu Á “đóng băng toàn bộ tài sản (của Ngân hàng Trung ương Nga)”“bước đi ấn tượng nhất cho đến nay” “có thể coi Ngân hàng Trung ương Nga là nhịp tim của hệ thống tài chính Nga”.

Ông Mattingly cho biết, Nga có dự trữ ngoại hối lớn thứ tư thế giới với hơn 630 tỷ USD, về cơ bản cho phép ông Putin và Nga “chèo chống cho đồng tiền của riêng họ” và cho phép họ “cung cấp thanh khoản cho các ngân hàng của họ”.

Ông Mattingly nói rằng chế tài như thế này là cực kỳ hiếm thấy.

“Bây giờ, khi bạn muốn tìm hiểu xem điều này hiếm gặp như thế nào đối với ngân hàng trung ương của một quốc gia. Hãy nhìn vào các quốc gia mục tiêu chế tài trước đây – Venezuela, Iran, Syria, tất cả đều bị coi là những kẻ có hành vi ác ý. Sự khác biệt ở đây là, không một quốc gia có nền kinh tế quy mô giống như của Nga, với 1,7 nghìn tỷ đô la Mỹ … chưa bao giờ bị trừng phạt như thế này trước đây.”

Cung ứng năng lượng

Hành động của Bộ Tài chính Mỹ vào thứ Hai được đưa ra cùng với giấy phép thông thường, cho phép một số giao dịch liên quan đến năng lượng với Nga được tiếp tục đến hết ngày 24/6.

Chính quyền Biden lo ngại rằng các lệnh trừng phạt của họ có thể làm tăng giá khí đốt và năng lượng vốn đã cao.

Các quan chức cho biết Washington sẽ tiếp tục điều chỉnh các biện pháp đối với Nga, để hạn chế trong nước (Mỹ) cảm thấy bị ảnh hưởng, đồng thời cho phép cung cấp năng lượng ổn định cho các thị trường toàn cầu.

Họ cũng cảnh báo rằng Mỹ sẽ không ngần ngại thực hiện thêm hành động đối với Nga, đồng thời đang tích cực tìm hiểu các biện pháp công nghệ quan trọng cần thiết để ngăn Nga tiếp tục trở thành nhà sản xuất năng lượng lớn trong một thời gian dài, và cũng trích dẫn các biện pháp tương tự mà EU đã thực hiện.

Các quan chức Mỹ còn nói, Washington đang theo dõi sát Belarus, và bổ sung thêm rằng nếu đồng minh của Nga tiếp tục hỗ trợ Nga xâm lược, thì có thể sẽ phải đối với nhiều hành động mang tính trừng phạt hơn nữa.