Chủ tịch 4 tập đoàn lớn của Hàn Quốc sẽ đến Pháp vào cuối tháng này để hỗ trợ Hàn Quốc đăng cai tổ chức Triển lãm Thế giới 2030; sau đó họ sẽ đến Hà Nội – Việt Nam tham gia Diễn đàn Kinh tế Hàn Quốc-Việt Nam. Có phân tích cho rằng Việt Nam đã trở thành một trong những bên thắng cuộc lớn nhất trong cuộc chiến thương mại Trung-Mỹ.

samsung vietnam nha may samsung cong ty samsung bac ninh
Samsung Việt Nam là một trong những doanh nghiệp FDI bị ảnh hưởng bởi Thuế tối thiểu toàn cầu. (Ảnh: baobacninh.com.vn)

Truyền thông Hàn Quốc gần đây đưa tin, các nhà lãnh đạo doanh nghiệp lớn của Hàn Quốc như Chủ tịch Lee Jae-yong của Samsung Electronics, Chủ tịch Chey Tae-won của Tập đoàn SK, Chủ tịch Chung Eui-sun của Tập đoàn Hyundai Motor, Chủ tịch Koo Kwang-mo của Tập đoàn LG sẽ đến Paris – Pháp từ ngày 19 – 21/6 để tham dự các hoạt động quảng bá xin tổ chức Triển lãm Thế giới Busan 2030 (World Expo) được tổ chức tại đây. Sau đó họ sẽ bay tới Hà Nội – Việt Nam để tham dự các hoạt động như Diễn đàn Doanh nghiệp Hàn Quốc-Việt Nam nhằm thúc đẩy tăng cường hợp tác kinh tế song phương. Chủ tịch Shin Dong-bin của Tập đoàn Lotte – Hàn Quốc cũng có thể tham dự hoạt động này.

Tờ Dong-A Ilbo của Hàn Quốc ngày 3/6 cho biết, trong khi Hàn Quốc và Việt Nam đang tìm hiểu các chương trình hợp tác kinh tế thì tại Hà Nội các công ty lớn cũng sẽ ký một biên bản ghi nhớ và tổ chức các cuộc họp liên quan đến xuất khẩu và đầu tư.

Theo thông tin, trước xu hướng gia tăng xung đột giữa Mỹ và Trung Quốc và sự điều chỉnh cơ cấu chuỗi cung ứng toàn cầu, Việt Nam trong Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đã vươn lên thành cứ điểm sản xuất của các công ty như Samsung Electronics, Hyundai Motor, LG Electronics, cũng như thành mạng lưới phân phối của những doanh nghiệp hàng đầu như Tập đoàn Lotte…

Nhà bình luận chính trị người Hoa tại Mỹ là Wang He cho hay trong một cuộc phỏng vấn với Epoch Times hôm 4/6, rằng sau cuộc chiến thương mại Trung-Mỹ thì Mỹ đã thực hiện một số chính sách để đối phó với Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), trong đó có chính sách quan trọng là thuế quan cao. Hiệu ứng chiến lược này đã khiến nhiều doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài phải rút khỏi Trung Quốc, thay vào là chuyển sang những nơi như Việt Nam và Ấn Độ nhằm tránh thuế quan, vì vậy Việt Nam đã trở thành một lựa chọn thay thế quan trọng.

“Nhiều nước đang thực hiện chính sách ‘Trung Quốc + 1’, trong đó ‘1’ này được nhiều bên chọn là Việt Nam”, ông Wang He nói. “Vì vậy, trong những năm qua, Việt Nam đã trở thành một trong những bên thắng cuộc lớn nhất trong cuộc chiến thương mại Trung-Mỹ”.

Chiến lược “Trung Quốc + 1” có thể được hiểu là chuyển một phần vốn ban đầu được đầu tư trực tiếp vào Trung Quốc sang một nước thứ ba xung quanh Trung Quốc. Các nước bên thứ ba được ưu tiên thường là các thành viên ASEAN, chẳng hạn như Việt Nam, Indonesia, Thái Lan. Mục đích của chiến lược “Trung Quốc + 1” là sản xuất sẽ không bị gián đoạn nếu quan hệ xuyên eo biển giữa Trung Quốc và Đài Loan xấu đi, hoặc nếu Mỹ gia tăng các biện pháp trừng phạt đối với ĐCSTQ.

Ông Wang He cho rằng Việt Nam có dân số khoảng 100 triệu người nên đất nước phát triển rất nhanh trên nhiều lĩnh vực. Ông nói: “Nhìn chung tiềm năng của Việt Nam rất lớn, nhất là khoản đầu tư hàng chục tỷ của Samsung vào Việt Nam, quy mô rất lớn. Các công ty Hàn Quốc coi Việt Nam là cứ điểm quan trọng. Về điểm này, vị thế công xưởng thế giới của Trung Quốc đã bắt đầu lung lay”.

Việt Nam có thể thành “công xưởng thế giới” mới?

Thông tấn xã Việt Nam đã đưa tin vào tháng 3 năm nay rằng Việt Nam có tiềm năng và cơ hội trở thành công xưởng mới của thế giới trong bối cảnh chuỗi cung ứng toàn cầu đang chuyển dịch như hiện nay. Ông Wang He tin rằng khả năng này khó xảy ra.

“Công nghiệp sản xuất của Trung Quốc chiếm tỷ trọng 1/3 toàn cầu”, ông nói, “Điều đó có ý nghĩa gì? Ngay cả Mỹ khi ở mức cao nhất cũng chưa đạt được tỷ trọng đó. Việt Nam không thể so sánh với một nền kinh tế quy mô lớn như Trung Quốc, hai bên chệnh lệch quá lớn”.

Ông nói thêm: “Bây giờ phương Tây đưa ra khái niệm gọi là ‘chuỗi cung ứng châu Á’, tức là ngoài Việt Nam, toàn bộ các nước ASEAN cộng với Nhật Bản và Ấn Độ cùng hợp sức sản xuất, quy mô đó để xuất khẩu sang Mỹ mới tương đương với xuất khẩu của Trung Quốc, do đó các nước này cộng lại thì quy mô mới ngang được Trung Quốc, còn riêng Việt Nam thì không tương ứng về quy mô”.

Chuỗi cung ứng châu Á thay thế Trung Quốc

Tạp chí The Economist của Anh có bài chỉ ra hơn một chục nước (hoặc vùng lãnh thổ) bao gồm Đài Loan đang hình thành chuỗi cung ứng thay thế châu Á, dự kiến ​​​​trong vài năm tới sẽ dần thay thế Trung Quốc và trở thành trung tâm của hoạt động sản xuất toàn cầu.

Ngay từ tháng 2 năm nay, The Economist đã đưa ra khái niệm “chuỗi cung ứng thay thế châu Á” (Altasia, alternative Asian supply chain). Tháng 3 năm nay, tạp chí này cũng đã có bài vấn đề hình thành “chuỗi cung ứng thay thế châu Á” là kết quả của sự khác biệt địa chính trị ngày càng gia tăng giữa Trung Quốc và Mỹ, điều này đã thúc đẩy các nhà sản xuất toàn cầu tìm kiếm cơ sở sản xuất mới ở những nơi khác tại châu Á. Mặc dù không nền kinh tế nào của châu Á có thể đơn độc cạnh tranh với Trung Quốc, nhưng khi kết hợp lại sẽ tạo nên phương án thay thế hùng hậu.

“Chuỗi bắt đầu từ Hokkaido ở miền bắc Nhật Bản, đi qua Hàn Quốc, Đài Loan, Philippines, Indonesia, Singapore, Malaysia, Thái Lan, Việt Nam, Campuchia và Bangladesh, và kéo dài đến bang Gujarat ở tây bắc Ấn Độ”, bài báo viết.

Tờ The Economist cho rằng mặc dù về tổng thể khó có thể thay thế hoàn toàn năng lực sản xuất của Trung Quốc, nhưng các nền kinh tế khác nhau của Altasia không hoạt động cùng nhau theo kiểu một thực thể thống nhất như Trung Quốc. Tuy nhiên, đối với nhiều doanh nghiệp, việc tìm kiếm các lựa chọn bên ngoài Trung Quốc hiện là ưu tiên hàng đầu. Trong những năm tới có thể họ sẽ đẩy mạnh hơn tìm kiếm những cơ hội mới ở Altasia.

Chuyên gia Wang He tin rằng vị thế công xưởng của thế giới của Trung Quốc đã bị lung lay. Ông nói: “Đối với Trung Quốc hiện nay thì phía trước là rào chặn còn phía sau là truy đuổi tấn công. Các nước châu Âu và Mỹ đã thực hiện các chiến lược đánh chặn chống lại ĐCSTQ trong các ngành công nghiệp cao cấp, còn Mỹ thì tấn công ngành công nghiệp chip của ĐCSTQ khiến Trung Quốc khó nâng cấp lĩnh vực công nghệ cao, trong hoàn cảnh khó khăn đó thì điều duy nhất mà ĐCSTQ có thể dựa vào lúc này là lợi thế về quy mô, chuỗi công nghiệp hỗ trợ, lực lượng lao động dồi dào, và cơ sở hạ tầng hoàn chỉnh. Bốn khía cạnh đó là những lợi thế mà ĐCSTQ hiện đang dựa vào.”

“Nhưng về những phương diện đó, khối ASEAN và Ấn Độ đang dần chiếm lĩnh và bắt kịp Trung Quốc”, ông Wang He nói, “Chuỗi công nghiệp toàn cầu đã được tái tổ chức, theo đó châu Âu và Mỹ ngăn chặn sự phát triển của Trung Quốc về các ngành công nghiệp cao cấp; nhưng những ngành ở trình độ thấp thì phương Tây cũng bắt đầu buộc ĐCSTQ phải tụt lùi. Trong hoàn cảnh như vậy, nền kinh tế Trung Quốc đang không ngừng tồi tệ hơn, bây giờ là thời điểm thị trường đầy biến động và khó khăn nên chỉ vấn đề duy trì ổn định cơ bản đã trở nên rất khó khăn chứ nói gì đến tăng trưởng”.